Anh Lê Ngọc Phong (áo trắng) bên công trình sáng kiến của mình |
Lòng say mê giúp Lê Ngọc Phong luôn học hỏi để có tay nghề giỏi và liên tục có nhiều sáng kiến có giá trị
“Vua sáng kiến” là cái tên thân mật mà các kỹ sư, nhân viên Điện lực Phú Thọ gọi kỹ sư Lê Ngọc Phong, tổ trưởng tổ cắt điện của đơn vị. Hơn 20 năm gắn bó với ngành điện, bằng sự say mê sáng tạo, Lê Ngọc Phong đã cho ra đời nhiều sáng kiến tiết kiệm điện được đánh giá cao. Anh vừa được Tổng LĐLĐ VN trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh - giải thưởng tôn vinh những công nhân xuất sắc trong lao động sáng tạo.
Năm nào cũng có sáng kiến
Cha của Lê Ngọc Phong cũng là nhân viên ngành điện. Khi ông muốn có người nối nghiệp, anh em trong gia đình đều từ chối, chỉ có cậu út Lê Ngọc Phong đồng ý. Thi vào Trường Công nhân Kỹ thuật điện, ra trường năm 1981, anh vào làm công nhân tổ quản lý đường dây - Chi nhánh Điện Bắc (nay là Điện lực Phú Thọ). Lòng say mê nghề nghiệp đã giúp anh tìm tòi, học hỏi để có chuyên môn, tay nghề giỏi, không thua kém một kỹ sư. Mọi người gọi anh là “vua sáng kiến” bởi suốt 27 năm qua, năm nào anh cũng có một vài sáng kiến, công trình. Anh tâm sự: “Tôi làm vì yêu cầu của công việc, chứ chẳng phải để thi thố gì”.
Trong 11 sáng kiến thực hiện từ năm 2003- 2005, anh tâm đắc nhất là công trình “Thực hiện bảng sơ đồ vận hành lưới trung thế điều khiển bằng remote trên hệ thống máy tính”. Trước năm 2004, bảng sơ đồ vận hành chỉ sử dụng các điểm dừng bằng tín hiệu đèn (thay đổi màu quy ước) và thao tác bằng tay (dùng bút lông đánh dấu lên bảng). Cách làm thủ công này không phục vụ tốt cho việc cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu trong hệ thống lưới điện, lại gây nguy hiểm cho công nhân vận hành. “Tôi suy nghĩ rất nhiều và bắt tay vào nghiên cứu. Cuối cùng tôi nghĩ ra giải pháp thiết kế bảng sơ đồ điều khiển bằng remote và trên hệ thống máy tính. Sau 3 tháng phối hợp với một kỹ sư tin học nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm, công trình được đưa vào sử dụng. Sáng kiến giúp cập nhật thông tin ngay khi có thay đổi kết cấu lưới điện và giúp công nhân đăng ký cắt điện chính xác, an toàn tuyệt đối...”.
Sáng kiến này không chỉ ứng dụng cho riêng Điện lực Phú Thọ mà còn có thể áp dụng cho tất cả các công ty điện lực. Riêng với Điện lực Phú Thọ, kể từ khi đưa công trình vào hoạt động, mỗi năm tiết kiệm được 30 triệu đồng.
Yêu nghề, làm việc gì cũng say mê
Năm 2006, anh được chuyển sang làm tổ trưởng tổ cắt điện. “Đang làm kỹ thuật, chỉ lo về chuyên môn bỗng dưng bị chuyển sang làm kinh tế, lại làm một công việc mà người dân không hoan nghênh, tôi rất lúng túng, chỉ muốn xin cấp trên rút lại quyết định. Nhưng do yêu cầu công việc và tôi nghĩ rằng làm ở đâu cũng phục vụ dân nên tôi yên tâm nhận nhiệm vụ”.
Những ngày đầu thật khó khăn với anh. Mỗi ngày có đến vài chục khách hàng gọi đến than phiền, thậm chí to tiếng vì bị mất điện. Nhưng bằng thái độ mềm mỏng, lịch sự; thật sự quan tâm, chia sẻ với khách hàng, anh đã giải quyết công việc ổn thỏa. Những khách hàng nợ nhiều tiền nhưng hoàn cảnh khó khăn, anh đứng ra xin đơn vị cho họ được trả nhiều lần.
Sang chỗ mới chưa được bao lâu, anh cũng đã cho ra đời 2 sáng kiến. Đặc biệt là sáng kiến “Viết chương trình để cấp điện lại cho những khách hàng trước đó đã bị cắt điện...”. Anh khoe, với phần mềm này, việc tái lập điện cho khách hàng rất nhanh chóng, không gây phiền hà. “Một ngày cúp điện đã thấy ngột ngạt, khó chịu. Hiểu được điều đó, tôi luôn tìm cách để giải quyết sự cố nhanh nhất, giúp người dân có điện sử dụng”.
Công nhân tin cậy, quý mến
Không chỉ giỏi chuyên môn, mọi người còn quý Phong vì anh là một chủ tịch CĐ luôn quan tâm chăm lo đời sống cho CB-CNV. Đơn vị có gần 400 người nhưng anh nắm rõ hoàn cảnh của từng người. Mới đây, dù công việc bận rộn nhưng khi biết một nữ nhân viên phòng kế hoạch vật tư bị bệnh nan y, anh đã vận động mọi người quyên góp giúp đỡ. Rồi anh thành lập quỹ tương trợ nội bộ giúp đỡ anh em có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều công nhân trong tổ kể với chúng tôi: Gia đình anh Phong cũng rất khó khăn, con bệnh, vợ phải nghỉ việc để chăm con; hằng tháng mẹ anh vẫn phải chu cấp gạo nhưng anh vẫn dành phần lớn sự quan tâm cho anh em, đồng nghiệp.
Những công nhân mới vào nghề xem anh như một người anh, một người thầy. Hơn 30 công nhân được anh kèm cặp để trở thành thợ giỏi, công nhân lành nghề. Bản thân anh cũng tự học thêm vi tính, nghiên cứu các tài liệu mới, những quy định an toàn về điện... “Phải học để không bị lạc hậu và làm gương cho anh em thợ trẻ”- anh tâm sự. Anh Hồng Quang Ninh, đồng nghiệp của anh Phong, nhận xét: “Không chỉ giỏi chuyên môn, anh Phong còn là một chủ tịch CĐ được anh em tin cậy, quý mến”.
Bà Nguyễn Thị Thu Liễu, Phó Giám đốc Điện lực Phú Thọ: Chịu khó, thích khám phá Tôi từng là giáo viên dạy Phong ở Trường Công nhân Kỹ thuật điện. Ngay từ ngày đi học, Phong đã là một học viên chịu khó, thích khám phá. Những sáng kiến của Phong đã mang lại lợi ích to lớn cho công ty và sự hài lòng của khách hàng. Ngoài Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng, bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ VN, anh còn được nhận nhiều bằng khen của Tổng Công ty Điện lực VN, của UBND TPHCM... |
▪ Chỉ cần lãi 25%, người trồng lúa đã vui! (09/08/2008)
▪ Trò chuyện với Chủ tịch Câu lạc bộ CEO Việt Nam (09/08/2008)
▪ Xuất khẩu lao động vào thị trường... hiếm (09/08/2008)
▪ Mặn đắng nước mắt diêm dân (06/08/2008)
▪ Nhân lực CK trong cơn "thử lửa" (06/08/2008)
▪ Vựa na trên dãy Kai Kinh (04/08/2008)
▪ “Trai gàn” mang dòng máu Robinson (02/08/2008)
▪ Lao động Việt Nam: thiếu văn hóa nghề (01/08/2008)
▪ Giao lưu trực tuyến: Thiết kế đồ họa - Nghề thời thượng (01/08/2008)
▪ Kênh truyền hình mới dành cho tuổi teen (31/07/2008)