20 năm tìm ra dịch bệnh, 60 triệu cuộc đời bị "đánh cắp"
Các Website khác - 30/11/2001
Ngày thế giới phòng chống AIDS 1.12
20 năm tìm ra dịch bệnh, 60 triệu cuộc đời bị "đánh cắp"


Thế Hưng
20 năm sau ngày tìm ra bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh "hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải" (AIDS), căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 20 triệu người. 40 triệu người khác đang phải sống chung với HIV. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới kêu gọi các chính phủ chữa trị các bệnh nhân bằng thuốc AVR.


Chưa có vaccine ngừa HIV/AIDS
"AIDS trở thành căn bệnh có sức huỷ diệt mạnh nhất mà nhân loại phải đương đầu từ trước tới giờ. Đây là nguyên nhân gây chết nhiều người thứ tư trên thế giới" - Cơ quan phòng chống AIDS của LHQ (UNAIDS) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo ngày 28.11. Hai cơ quan này cũng vẽ lên bức tranh ảm đạm về sự đề phòng loạc choạc và tinh thần thoả mãn đáng lo ngại ở nhiều nước trên thế giới, đồng thời cảnh báo rằng chiến dịch phòng chống AIDS nhờ cậy nhiều vào khâu phòng hơn là điều trị. Hiện giờ vẫn chưa có thuốc nào chữa được bệnh AIDS. Các nhà khoa học mới chỉ điều chế được loại vaccine thử nghiệm. Nếu thu được kết quả tốt, vaccine này có thể sẽ có tác dụng một phần đối với HIV. Tuy nhiên, một tập hợp thuốc phức tạp cũng đã được tìm ra để ngăn chặn sự phát triển của virus, nhưng không tiêu diệt được nó.

Ngày 29.11, tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) đã kêu gọi chính phủ các nước hãy chữa trị các bệnh nhân HIV/AIDS bằng các loại thuốc chống AIDS (AVR) hiện có. Ông Bernard Pecoul - Giám đốc Điều trị Gene của MSF - phát biểu: "Do giá AVR đã giảm và tiếp tục giảm do sức ép của dư luận, nên không có lý do gì để không bắt đầu điều trị bệnh nhân bằng AVR". Ông đề nghị chính phủ các nước đang phát triển nắm vai trò lãnh đạo trong trận đấu này và kêu gọi các nước giàu cung cấp tài chính. Brazil là nơi thực hiện chương trình AVR khá hữu hiệu. Theo MSF chính phủ nước này đã tiết kiệm được 472 triệu USD nhờ số lượng bệnh nhân nhiễm HIV nhập viện giảm đáng kể. Tuy nhiên các nước giàu lại đối mặt với dịch bệnh ở một khía cạnh khác. Mặc dù có đủ sức để áp dụng những thứ thuốc chống AIDS hiệu nghiệm đắt tiền, họ bắt đầu thoả mãn với sự phòng bệnh. Tình dục không an toàn và tiêm chích ma tuý lại bắt đầu lan tràn.

Các nước tuyên chiến với AIDS
Nam Phi hiện nay là nước đứng đầu thế giới về số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Mới đây một tổ chức phòng chống AIDS có tên là Chiến dịch Hành động Điều trị (TAC) đã kiện Chính phủ Nam Phi ra toà vì "không lo đủ nguồn lực để phân phát thuốc Nevirapine chống AIDS cho những phụ nữ nhiễm HIV mang thai. Theo các nhà hoạt động của TAC thì Nevirapine có thể giảm tỉ lệ truyền HIV từ mẹ sang con xuống còn một nửa. Hãng dược phẩm Đức Boehringer Ingelheim đã đề xuất cấp Nevarapine miễn phí tại Nam Phi, nhưng chính phủ lại chỉ phân phát thuốc này tại các trung tâm nghiên cứu. Kết quả là chỉ có 10% phụ nữ nhiễm HIV mang thai được điều trị.

Nước Đông Âu có tỉ lệ nhiễm HIV tăng thuộc loại nhanh nhất là Nga. Theo Bộ Y tế Nga, từ tháng 1 đến tháng 11, Nga đã ghi nhận thêm 75 nghìn ca nhiễm HIV, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, con số trên thực tế có thể cao hơn gấp 20 lần. 80% trong số nhiễm mới là các con nghiện sử dụng bơm tiêm bẩn. Tại Zimbabwe, 6 trong tổng số 22 bộ trưởng thuộc nội các nước này đang phải điều trị HIV. Năm ngoái, Tổng thống Mugabe lần đầu tiên công nhận rằng ít nhất 3 chính trị gia của Zimbabwe đã chết vì AIDS. Khoảng 2000 người Zimbabwe chết vì AIDS mỗi tuần và hiện nay cứ bốn người dân nước này thì có một người bị nhiễm HIV.

Malaysia dự định bắt buộc nam nữ thanh niên phải thử HIV trước khi kết hôn, đồng thời kêu gọi đưa giáo dục giới tính vào trường học. Địa phương đầu tiên đưa ra biện pháp này là bang Johor ở miền nam Malaysia. Các thanh niên nam nữ theo đạo Hồi phải thử HIV ba tháng trước ngày kết hôn để ngăn chặn việc sinh ra những đứa trẻ bị nhiễm HIV bẩm sinh. Nếu một trong hai người bị nhiễm HIV, thì hôn lễ có thể bị huỷ bỏ. Nhưng họ vẫn có thể kết hôn, nếu người kia đồng ý. Một số bang khác của Malaysia tuyên bố sẽ noi gương Johor. Họ chủ trương, giáo dục giới tính mới là biện pháp phòng chống hữu hiệu. Tuy nhiên đây là việc không đơn giản trong một xã hội Hồi giáo như Malaysia. Năm 1992, Bộ Y tế đã làm những cuốn băng video nâng cao tinh thần cảnh giác đối với HIV/AIDS và gửi đến các trường trung học phổ thông. Nhưng rất ít trường chiếu cho học sinh xem cuốn băng này. (Theo AFP)