Để có chính sách thích hợp và giám sát hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS
Sức khỏe & Đời sống - 10/09/2016
Ngày 8/9, tại Đà Nẵng, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội khu vực miền Trung.

Tham dự Hội thảo có ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội; Bà Kristan Schoultz, Trưởng đại diện Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS tại Việt Nam (UNAIDS); bà Ritsu Nacken, Đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA); ông Ken Robertson, Cố vấn điều trị Nghiện ma túy và quản trị dịch vụ sức khỏe tâm thần (SAMHSA); Đại diện các bộ, ngành liên quan và đại diện các tỉnh khu vực miền Trung, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội v.v…

 

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội phát biểu khai mạc - Ảnh: HT

 

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội vẫn đang là vấn đề hết sức phức tạp. Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua đã đạt được nhiều thành quả như hành lang pháp lý khá đầy đủ, chúng ta đã liên tục đạt được mục tiêu 3 giảm đó là giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS và giảm số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS. Đồng thời, kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%.

Chính phủ cũng đã có cam kết cao với ba mục tiêu 90-90-90 tức 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và lâu dài; 90% người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp. Tuy nhiên, các thách thức trong thời gian tới cũng rất lớn đó là nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua chủ yếu từ tài trợ quốc tế thì giai đoạn tới nguồn lực này cắt giảm nhanh; kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn khá phổ biến.

Tương tự, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm cũng hết sức khó khăn. Các đại biểu quốc hội và Hội đồng nhân dân vừa mới được bầu trong nhiệm kỳ này rất cần có đủ thông tin một cách cập nhật nhất về chương trình phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội, để có thể đưa ra những quyết định về chính sách thích hợp cũng như giám sát có hiệu quả việc thực thi của Chính phủ. Đó cũng chính là lý do Ủy ban về các vấn đề xã hội của quốc hội tổ chức hội thảo này.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận về tình hình dịch HIV/AIDS và các đáp ứng với HIV/AIDS ở Việt Nam; Vấn đề tài chính bền vững và Chiến lược đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS; Kinh nghiệm xây dựng, vận động và huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm và cai nghiện ma túy; kinh nghiệm của quốc tế trong điều trị nghiện ma túy, phòng chống HIV/AIDS và ứng xử với mại dâm…