"Dịch" ma tuý ở Tương Dương
Các Website khác - 03/12/2001
"Dịch" ma tuý ở Tương Dương

Huyện rẻo cao Tương Dương được ngành an ninh ở Nghệ An đánh giá là trọng điểm ma tuý đứng thứ hai sau TP.Vinh. Tại đây ma tuý đã trở thành đại dịch lan toả với tốc độ chóng mặt khiến cả 21/21 xã, thị đều bị "dính" đậm. Thế mới có chuyện cái "chết trắng" đã tấn công đồng loạt vào một số cán bộ trẻ trong nhiều cơ quan chức năng cấp huyện. Thảm hoạ cao hơn cả mức báo động.
Bản Mon - "cửa ngõ ma tuý".

3 vùng "nóng"
Đường vào bản Mon, xã Thạch Giám được dân huyện Tương Dương gọi là "cửa ngõ" ma tuý. Đó là con đường gập ghềnh sống lưng trâu và nhanh chóng trở nên nhão bùn khi những cơn mưa rừng rả rích đổ xuống. Sáng hoặc chiều ghé ngồi trong những cái quán tồi tàn ven rừng có thể dễ dàng biết hết mặt khách hàng vào mua heroin lẻ. Thực trạng nhức nhối này xảy ra cách đây đã hơn 5 năm, công an huyện truy quét ráo riết nhưng rất khó để xoá sổ vấn nạn con buôn. Năm 2000 cơ quan an ninh bắt 15 đối tượng, 10 tháng năm 2001 bắt thêm 9 tên nhưng trong cái bản Mon heo hút hình chóp nón ấy vẫn còn 7 "nhà phân phối" có cỡ đang hoạt động. Giải thích tồn tại này, trung tá Vi Thanh Hoàng - trưởng công an huyện Tương Dương cho biết: "Khi chồng bị bắt thì vợ nối nghiệp, khi vợ bị bắt thì chồng tiếp tục buôn. Có 3 vụ bắt cả vợ lẫn chồng mà vẫn không triệt nổi vì... con cái họ lao vào".

Từ "cửa ngõ" ma tuý, duy nhất chỉ một con đường nhỏ chạy vòng vèo qua hàng trăm eo rừng sâu hun hút vào xã Lượng Minh. Xã có 8 bản, 2.824 nhân khẩu thì 7 bản vừa nghiện vừa buôn: Gần 180 người nghiện ( có gia đình nghiện cả nhà) và 941 người buôn, chiếm hơn 1/3 tổng số của xã. Ơ đó có "tam giác quỷ" do ba bản Xốp Mạt, bản Đửa và bản Minh Phương hợp lại thành "chợ" ma tuý lúc ẩn lúc hiện họp suốt ngày đêm. Tâm điểm nhức nhối nhất của "chợ" ma tuý là bản Xốp Mạt. Trong 180 người nghiện đều là thanh niên thì đa số thuộc dân Xốp Mạt.

Chiều mưa ngày 16.11 sau gần một ngày đường rời TP.Vinh lúc 3 giờ sáng, vượt 230 cây số đường rừng tôi đã không ngần ngại đi tiếp hơn 20km bằng xe ôm với giá "cắt cổ" để thâm nhập "chợ" ma tuý này. Chủ tịch xã Moong Công Đoàn không hề giấu giếm: "Bản có bao nhiêu thanh niên thì nghiện hết bấy nhiêu rồi. Từ người Thái đến người Khơ Mú đều nghiện, không ai muốn đi nghe họp, hoặc đi làm đường giao thông thôn bản chỉ một lẽ đơn giản đến đó làm gì có thuốc hút mà đi". Tôi biết thêm một chuyện ngược đời: Dân ở đây nghiện đến mức xã muốn huy động việc gì thì phải có thuốc phiện họ mới nghe. Hỏi chuyện làm ăn, chủ tịch xã bảo: "Hầu như đã tê liệt. Toàn xã có 10ha nhưng họ chỉ làm được 3ha vì rừng núi cheo leo luôn thiếu nước. Dân đói năm này qua năm khác nhất là 3 tháng giáp hạt. Thế rồi ma tuý từ bên kia biên giới thẩm lậu về huyện Kỳ Sơn qua xã Mường Lống - "thủ phủ" của người Mông tập kết phía sau đồi Pù Lôm này rồi theo xe Minsk chạy ra bản Mon hoặc xuôi sông Nậm Nơn chạy theo thuyền máy về thượng nguồn ngã ba sông Lam đi Khe Bố, xuống Vinh, vô Sài Gòn. Người vận chuyển thuê toàn dân Xốp Mạt". Theo hướng tay của Moong Văn Đoàn, tôi nhìn thấy đỉnh Pù Lôm đối diện với trụ sở UBND xã hiện lên cao vút trong sương mù đang cuồn cuộn bay ngang trước ngực tôi. Phía dưới, dòng Nậm Nơn và con đường mòn ngoằn ngoèo nhỏ dần như cái rễ cây. Tôi chợt nhớ tới một chi tiết: Năm 2001 riêng bản Xốp Mạt đã có 84 vụ liên quan tới ma tuý bị bắt gồm 128 đối tượng (mua bán 22 vụ, 25 đối tượng; vận chuyển 12 vụ, 14 đối tượng; tàng trữ 24 vụ, 24 đối tượng...) với 59,6gam heroin, 297 tép, 81,9kg thuốc phiện và 106 viên hồng phiến mà rùng mình về cái "chợ" ma tuý luôn tàng hình này.
Nếu đây là vùng "nóng" thứ nhất về nạn nghiện và buôn thì vùng "nóng" thứ hai được người ta gọi là "vùng nóng về dân trí" thuộc về ba bản Tân Hương, Trung Hương và Liên Hương, xã Tam Quang nằm ẩn sâu dưới chân rừng Pù Mát. Ba bản chỉ có 60 hộ dân nhưng có hơn 30 thanh niên người dân tộc Đan Lai nghiện hút (hiện cả nước chỉ còn trên dưới 2.000 người Đan Lai tập trung chính ở huyện Con Cuông, Tương Dương của Nghệ An). Chủ tịch xã Tam Quang, Kha Tiến Dung cũng than phiền: "Xã chúng tôi có đồn 551 của bộ đội biên phòng tỉnh nhưng vẫn không kiểm soát hết nạn buôn bán ma tuý tràn vào từ khe Thơi, bãi Sa do hầu hết phụ nữ vận chuyển. Nghèo xơ xác như người Đan Lai mà còn nghiện hút thì coi như dịch ma tuý đã cùng đường rồi (cười)!". Vùng "nóng" thứ ba rơi vào vùng dân cư hỗn hợp của nhiều tỉnh thành trong cả nước chuyên nghề đào đãi vàng sa khoáng trong bản Chá Lúm và Xốp Kha thuộc xã Yên Tĩnh giáp hai huyện Quỳ Châu, Quế Phong. Vùng này cũng loạn tới mức có 29 người dân Yên Tình và 200 người tứ xứ sa cảnh nghiện ngập nặng. Khi công an ập đến thì họ dạt hết vào rừng, công an rút ra thì họ quay trở lại bất chấp cả dịch sốt rét để đào đãi và hút hít, chích choác.

Dân buôn, cán bộ hít
Tháng 3.2001 khi Phùng Lạc Quảng nguyên giáo viên câp II Trường Dân tộc nội trú Hữu Khuông bị bắt tại phòng giáo dục huyện vì tội buôn bán ma tuý thì hiệu trưởng Moong Văn Tiến liền nuốt một nắm lá ngón tự vẫn. Tiếp đó Lương Văn Huy - cán bộ tài chính UBND huyện (cháu của Chủ tịch huyện Vi Lưu Bình) bị tai nạn xe máy do xốc thuốc phải vào viện. Sau khi thử máu để cấp cứu bị phát hiện nghiện hút, Huy khai 5 cán bộ khác cũng nghiện như y gồm: Kha Văn Viên - Phòng nông nghiệp; Lương Trọng Tấn - phòng xây dựng cơ bản; Trần Văn Dũng - viện kiểm sát huyện; Thái Văn Tâm và Lục Văn Thắng - toà án huyện. Nhận thấy dư luận quần chúng cách đây 3 năm đồn ầm lên "huyện đánh ở mô xa chứ cán bộ giáo viên nghiện đầy ra lại không xử lý" là hoàn toàn chính xác, UB huyện Tương Dương liền tổ chức đợt xét nghiệm đột xuất ngày 15.8.2001. Trong 43 người đến xét nghiệm, phát hiện 6 đối tượng vừa nêu trên là "dương tính". Thấy rõ nguy cơ cán bộ nghiện hút, huyện tổ chức tiếp 3 đợt xét nghiệm khác đối với 43 cán bộ ngành giáo dục, phát hiện thêm 12 giáo viên nghiện hút (chưa kể một số giáo viên bỏ trốn không chịu đi xét nghiệm). Trước đó Công an huyện Tương Dương cũng đã kỷ luật, thải hồi 2 cán bộ (năm 2001). Hiện dư luận về các thầy giáo vùng sâu, vùng xa và một số học sinh cấp III nghiện hút khá phổ biến. Cán bộ y tế cũng có 4 trường hợp, hạt kiểm lâm - 2 trường hợp thuộc diện tình nghi là nghiện hút. Toàn bộ số cán bộ nghiện hít nêu trên đã đưa tổng số con nghiện của huyện lên tới 589 đối tượng (43 người nhiễm HIV, 2 ca chuyển bệnh AIDS đã chết).

Địa bàn huyện rẻo cao Tương Dương khá rộng (280.630ha) có 58km đường biên giới giáp Lào, nhiều sông suối, đường tiểu ngạch, lại giáp 3 huyện biên giới khác: Quế Phong, Con Cuông, Kỳ Sơn là những tuyến rừng lợi hại mà tội phạm ma tuý thường lợi dụng để hành nghề ma tuý. Trong đó tuyến đường mòn từ vùng rừng Nậm Cắn (Kỳ Sơn) xuôi theo đường Hồi Pốc qua bản Xiêng Hòm (xã Phà Đánh - Kỳ Sơn) nối tắt với tuyến Phà Khẩu theo núi Pu Cụt toả về hai xã Kim Đa và Lượng Minh. Vì thế "chợ" ma tuý ở Lượng Minh đã trở thành cái "rốn" ma tuý rất khó kiểm soát bởi các đối tượng đa số là người Mông ở trong rừng nhiều hơn ở bản. Ngoài mẹo thuật người Khơ Mú chuyên mua hàng của người Mông trong rừng theo luật không trao tay, không giao dịch cụ thể, theo trung tá Hoàng, còn có một cơ may khác cho ma tuý được dịp tuồn v