Nguy hiểm như khủng bố
Các Website khác - 09/07/2002
Hội nghị phòng chống AIDS lớn nhất trong lịch sử
Nguy hiểm như khủng bố

Trí Minh

Hội nghị thế giới về phòng chống AIDS lớn nhất trong lịch sử với sự tham gia của 15 nghìn người đã bắt đầu buổi họp đầu tiên tại Barcelona (Tây Ban Nha) hôm 7.7 bằng lời kêu gọi: "Hãy phế truất những nhà lãnh đạo nào không thực hiện đúng cam kết của mình trong việc đấu tranh với căn bệnh thế kỷ này".

Biểu tình kêu gọi trợ giúp các nước nghèo
phòng chống AIDS.
Mối đe doạ không phóng đại

Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhất trí rằng, sự hoành hành khủng khiếp của bệnh AIDS đang là mối đe doạ, không kém chủ nghĩa khủng bố, cho nhiều quốc gia trên thế giới. AIDS tác động tới sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của các nước nghèo, đẩy họ vào tình trạng vô chính phủ và nội chiến. Chẳng hạn như ở Somalia, CHDC Congo và gần đây nhất là Afghanistan. Các nước này vốn đã nghèo đói, mất ổn định chính trị, lại càng trở nên khó khăn hơn khi người dân chết dần chết mòn vì bệnh AIDS mà không có thuốc chữa. Chính sự suy yếu đó, cùng với một hệ thống luật pháp kém hiệu quả, đã khiến các nước nói trên trở thành địa điểm lý tưởng cho những kẻ kinh doanh ma tuý, tội phạm và các nhóm khủng bố quốc tế. Với những mối liên hệ luẩn quẩn như vậy, theo ông Peter Piot, Giám đốc điều hành Chương trình phòng chống AIDS của LHQ (UNAIDS), việc so sánh bệnh AIDS với chủ nghĩa khủng bố không hề phóng đại chút nào. Theo số liệu của UNAIDS, hiện trên toàn thế giới có 40 triệu người nhiễm virus HIV, 70% trong số đó ở Châu Phi. Chỉ trong vòng 20 năm nữa sẽ có hơn 20 triệu người chết vì AIDS nếu không có những nỗ lực để ngăn chặn căn bệnh thế kỷ này. Ông Michael Weinstein, Chủ tịch tổ chức chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân AIDS của Mỹ còn đưa ra số liệu khủng khiếp hơn: Trong 6 ngày diễn ra hội nghị, sẽ có 50 nghìn người trên toàn thế giới chết vì bệnh AIDS.

Các nghiên cứu được công bố trước đó cho thấy, cuộc khủng hoảng AIDS có thể sẽ là "cú đòn knock-out" đối với vấn đề nhân lực tại các nước nghèo. Hiện tại, bảy nước trong khu vực sa mạc Sahara đang có tuổi thọ trung bình dưới 40, trong đó riêng Botswana, nước có 38% người trưởng thành bị nhiễm virus HIV, có tuổi thọ trung bình là 39. Tại năm nước Châu Phi: Botswana, Mozambique, Lesotho, Swaziland và Nam Phi, mức tăng dân số từ nay đến năm 2010 sẽ ở mức âm, nghĩa là tỷ lệ trẻ sơ sinh còn thấp hơn tỷ lệ người chết vì AIDS và các bệnh dịch khác. Tỷ lệ tăng dân số ở Zimbabwe và Namibia hiện đang bằng không.

Cần giữ đúng lời hứa
Trước tình trạng đáng báo động đó, ông Peter Piot mở đầu bài phát biểu khai mạc hội nghị bằng lời kêu gọi các chính trị gia hãy xem xét vấn đề này một cách hết sức nghiêm túc. "Hãy chờ xem các nhà lãnh đạo thực hiện lời hứa của mình trong việc đấu tranh với bệnh AIDS như thế nào. Những người không giữ đúng lời hứa nên từ chức", ông Piot nhấn mạnh. Ông cảnh báo, thời hạn để xem xét việc thực hiện những cam kết này là vào năm 2004, khi hội nghị tiếp theo được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.

Nhiều quốc gia đặc biệt là các nước châu Âu đã lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Bush vì không chịu mở hầu bao cho các quỹ phòng chống AIDS. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Mỹ Thompson đã chống chế rằng, Tổng thống Bush đã tăng gấp đôi các khoản chi quốc tế cho HIV/AIDS trong 18 tháng cầm quyền, từ 726 triệu USD lên 1,12 tỉ USD hàng năm. Trong ngân sách tài chính năm 2003, Mỹ đã chi 16,1 tỉ USD cho các hoạt động phòng chống AIDS cả trong nước và quốc tế, nhiều hơn năm 2002 là 1 tỉ USD. Nhưng ông Piot lưu ý rằng, số tiền mà các nước phát triển đóng góp, khoảng 3 tỉ USD/năm vẫn chưa bằng 1/3 so với mức cần thiết tối thiểu đã được Tổng thư ký LHQ K.Annan kêu gọi tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ ở New York năm ngoái.

Trong khi đó, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài hội nghị ở Barcelona với vũ điệu samba và những hình nộm khổng lồ, đề nghị các nước giàu tăng cường giúp đỡ những nước nghèo để người dân có thể được hưởng các loại thuốc điều trị AIDS với giá rẻ và tiến tới miễn phí. (Theo AFP, Reuters)