![]() |
Người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn và có hộ khẩu thường trú, KT3 nếu tự nguyện cai nghiện sẽ được hỗ trợ 100% chi phí - Ảnh minh họa
Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến tháng 11/2016, trên địa bàn tỉnh có 2.951 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện ở ngoài xã hội là 1.912 người, chiếm 65%. Dự báo đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 người nghiện. Mục tiêu đến năm 2020 mà tỉnh đặt ra là nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý lên 90% (tương đương khoảng 3.150 người).
Đề án điều trị ma túy tự nguyện không thu phí nhằm kéo giảm mức tối đa tỷ lệ điều trị người nghiện bắt buộc tại Trung tâm, góp phần đa dạng hóa các biện pháp, mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH) cho biết: Theo đề án, người nghiện ma túy có hoàn cảnh khó khăn và có hộ khẩu thường trú, KT3 tại Bà Rịa-Vũng Tàu nếu tự nguyện cai nghiện ma túy sẽ được hỗ trợ 100% chi phí điều trị, sinh hoạt.
Trong 2 năm, 2017-2018, Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh đặt mục tiêu sẽ điều trị cho khoảng 200 người. Tuy nhiên, người nghiện ma túy phải có đơn xin tự nguyện đi cai nghiện đối với người đủ 18 tuổi và có người giám hộ nếu dưới 18 tuổi. Thời gian điều trị nghiện, phục hồi tại cơ sở từ 6-12 tháng. Đến nay, Chi cục đã triển khai cho các phòng LĐTB&XH và UBND các huyện, thành phố về biểu mẫu, quy trình, thủ tục hồ sơ để đưa các đối tượng vào Trung tâm.
Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho hay: “Từ tháng 4/2017, cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành sẽ bắt đầu tiếp nhận người cai nghiện. Để thực hiện thí điểm, từ năm 2015, Sở LĐTB&XH đã đầu tư nâng cấp khu cai nghiện tự nguyện của cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy. Đến nay, công trình này đã hoàn tất với 3 khu nhà ở cho học viên, mỗi dãy 16 phòng, sức chứa 200 người. Cơ sở cũng đã có khu vực học nghề, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao. Các trang thiết bị y tế, thuốc điều trị cắt cơn đều được bổ sung đầy đủ. Nhân viên y tế được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn y tế, tư vấn, tâm lý xã hội phòng ngừa tái nghiện để phục vụ học viên. Khu cai nghiện tự nguyện có tường rào bao quanh, cách ly hoàn toàn với khu vực cai nghiện bắt buộc và các khu vực khác của cơ sở”.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTB&XH, Đề án được thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nghiện ma túy, gia đình có người thân nghiện ma túy bởi vì đề án miễn phí điều trị, khích lệ người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị cai nghiện. “Công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện ma túy, gia đình có người thân nghiện ma túy là yếu tố quyết định thành công của Đề án này. Do đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động. Ngay cả đối với những người đến cai nghiện ma túy, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền để họ trở thành những tuyên truyền viên khi trở về địa phương sau cai nghiện”-bà Lê Thị Trang Đài cho biết.
▪ Thanh niên trộm bạc tỉ đi bao gái, ăn chơi như đại gia (16/03/2017)
▪ Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng ‘ngáo đá’ (15/03/2017)
▪ Đổi mới công tác cai nghiện tại Nam Định (15/03/2017)
▪ Việt Nam-Lào tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người (13/03/2017)
▪ An Giang: Nan giải chuyện phòng, chống mại dâm (10/03/2017)
▪ Tội phạm lộng hành, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm (08/03/2017)
▪ Cứu cánh cho người nghiện ma túy ở huyện biên giới (06/03/2017)
▪ Bước 'chuyển mình' của một Trung tâm cai nghiện bắt buộc (06/03/2017)
▪ Các địa phương triển khai công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (03/03/2017)
▪ Vỡ òa hạnh phúc ngày đoàn tụ (02/03/2017)