Những cuộc điện thoại đẫm nước mắt
Một em nữ 16 tuổi (TP Hồ Chí Minh) hoảng hốt khi gọi đến đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em, Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông (Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em): "Em quan hệ tình dục với bạn trai do không biết phòng tránh nên đã có thai, em rất lo sợ. Em định uống thuốc tránh thai liều cao để đẩy cái thai ra".
Em Q, 15 tuổi (Thanh Hóa) gọi với nội dung: "Em rất lo sợ nhưng xấu hổ nên không dám kể với ai về việc một anh bạn của anh trai đã có hành động quấy rối tình dục với em hôm anh ta đến nhà dự sinh nhật anh trai và ngủ lại đó do say rượu. Hôm sau anh ta lại tiếp tục có ý đồ xấu nhưng vì có mấy người bạn em đến chơi kịp thời nên em không sao. Nếu sau này chuyện đó tiếp tục xảy ra thì em không biết phải làm thế nào?".
Một trường hợp em gái bị người thân trong gia đình có hành vi lạm dụng tình dục, một trường hợp khác bị bạn trai ép buộc quan hệ tình dục khi bố mẹ vắng nhà... Hay trường hợp, cha mẹ do mải mê công việc ít quan tâm đến trẻ, lơ là trong việc giám sát trẻ để trẻ tự tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản không đầy đủ và chính xác. Đặc biệt, có trường hợp do xem phim không lành mạnh nên có quan hệ tình dục sớm khi mới 15 tuổi. Em có thai đến 3 tháng hoang mang không biết phải xử lý thế nào...?
Đây là những trường hợp điển hình trong số các cuộc gọi đến nhờ sự tư vấn và trợ giúp. Trẻ gọi đến với tâm trạng bối rối, đau khổ và tự đổ lỗi cho bản thân. Trẻ nhận thấy bản thân không được cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe sinh sản, thiếu kỹ năng để tự bảo vệ mình. Theo các chuyên gia tâm lý, trong trường hợp này, trẻ có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, muốn chối bỏ bản thân hay bỏ nhà ra đi. Thường thì bố mẹ không có thời gian để trao đổi, nắm bắt tâm sinh lý trẻ nên chỉ khi trẻ bỏ nhà đi bố mẹ mới biết chuyện. Nếu như bố mẹ không ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn thì trẻ rất dễ bị xâm hại ngay trong chính gia đình mình.
Muốn bỏ nhà đi lang thang vì... bố mẹ
"Em muốn bỏ nhà đi vì luôn phải sống trong tâm trạng buồn bực và lo âu do mỗi lần bố đi uống rượu về say lại mắng em, đập phá đồ đạc" (bé trai ở Vĩnh Phúc), "Em cảm thấy buồn và tủi thân khi bố mẹ không quan tâm và đặc biệt bố hay mắng chửi với những lời lẽ rất xúc phạm như: đồ vô tích sự, ăn hại, cút ra khỏi nhà..." (Em nữ 12 tuổi, Thanh Hóa). Một em nữ 16 tuổi (Hà Nội) tâm sự: "Do bất đồng quan điểm với cha mẹ, em có ý định bỏ nhà đi. Cha mẹ không hiểu em, ít lắng nghe những điều em nói và thường áp đặt những suy nghĩ của cha mẹ cho em. Em có ý định bỏ nhà đi (về quê với bà ngoại) mà không nói cho cha mẹ biết". Hay như trường hợp bé nam 16 tuổi (Hà Nội) bị áp lực học tập, luôn sống trong tâm trạng lo lắng, hoảng hốt. Học kỳ vừa qua kết quả học tập của em là trung bình. Bố em đánh chửi và bắt em kỳ sau phải chuyển về quê học. Em bị khủng hoảng và có ý định bỏ nhà đi.
Người lớn đã không nhận ra những hậu quả của mình để lại ở phía trẻ. Họ được quyền làm và quyết định bất cứ việc gì họ thích, và không quan tâm đến quan điểm và tâm sự của trẻ. Sống trong gia đình dường như trẻ không được bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình trước bố mẹ và người thân. Lúc đó trẻ cảm thấy lạc lõng, tự ti và những tâm sự không được chia sẻ. Trẻ có xu hướng khép mình, chống đối.
Áp lực từ cả chính thầy cô giáo
Không chỉ là những vấn đề tâm sinh lý, quan hệ gia đình mà có cả những cuộc điện thoại từ trẻ tâm sự những lo lắng trong việc quan hệ bạn bè và quan hệ với chính thầy cô giáo mình. Trong tháng 2, có tới 25 ca trẻ gọi tới nói về chuyện các thầy, cô giáo mắng học sinh, phân xử thiên vị, có thái độ không hài lòng khi trẻ không đăng ký học thêm. Trẻ căng thẳng, thậm chí hoảng loạn trước sức ép của chương trình học, của việc thi đua vào đội tuyển học sinh giỏi. Qua trao đổi cho thấy, cách cư xử của các giáo viên trong những trường hợp này khiến trẻ cảm thấy bất an, không dám bày tỏ ý kiến của mình và tìm cách học đối phó với thầy cô. Những khúc mắc trong quan hệ bạn bè, đặc biệt là quan hệ tình cảm nam nữ khiến trẻ luôn có tâm lý căng thẳng, đề phòng khi tiếp xúc với người khác và rất dễ có những hành động bột phát, tiêu cực nếu không được chia sẻ, khuyên bảo kịp thời.
Chưa hiểu tâm sinh lý của con trước tuổi dậy thì, tâm lý coi thường, không tin tưởng, chửi mắng khi trẻ mắc lỗi, áp lực học tập lên trẻ, đánh đập, lăng mạ trẻ, phó mặc mọi sự chăm sóc cho osin... là tâm lý của nhiều cha mẹ. Chính những điều này khiến trẻ cảm thấy cô đơn, mất niềm tin vào cuộc sống và sa sút trong học tập. Và những hành vi lệch chuẩn, những hành vi bất thường của trẻ xuất hiện cũng là hệ quả tất yếu. Biết lắng nghe và chia sẻ là biện pháp giúp đỡ trẻ tích cực nhất. Cha mẹ, thầy cô giáo và xã hội sẽ giật mình với những câu hỏi của trẻ khi nhìn lại. Hãy làm tròn trách nhiệm của người lớn đối với trẻ trước khi mọi chuyện quá muộn.
| Các số điện thoại trẻ có thể tư vấn: 1088, 19001567, 04-5587777 |