Ðứa con gái của cậu tôi năm nay mới học lớp 1. Buổi học đầu tiên sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, cháu về nhà đòi mẹ đưa tiền lì xì mà cháu đã gửi trong dịp Tết để mua vé xổ số.
Cả nhà ai cũng ngạc nhiên. Chẳng lẽ một đứa trẻ vừa mới hơn 6 tuổi đã bị nhiễm tệ nạn cờ bạc, chơi số má rồi sao? Nhưng hỏi ra mới biết cháu lấy tiền mua vé số là do yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm. Cháu bảo cô phổ biến mỗi học sinh phải mua ít nhất từ hai vé trở lên.
Chúng tôi cho rằng, giáo dục lòng nhân ái, thương người của học sinh thông qua việc phát động các phong trào quyên góp ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn là rất cần thiết và cần được sự quan tâm thường xuyên của mọi người dân và toàn xã hội. Tuy nhiên, chúng ta không nên tạo phong trào quyên góp, làm từ thiện bằng việc bắt học sinh tiểu học mua xổ số ủng hộ như vậy. Cho dù việc bán và chơi xổ số là hoạt động hợp pháp, nhưng thực chất đây cũng là trò chơi được thua bằng tiền. Việc tạo phong trào, vận động quyên góp, giúp đỡ người nghèo có nhiều cách làm khác nhau như mua tăm tre, ủng hộ áo quần cũ, sách vở... hoặc có thể ủng hộ bằng tiền tùy theo khả năng và lòng hảo tâm. Nhưng ở trường hợp nêu trên, giáo viên lại vận động học sinh tiểu học ủng hộ người nghèo bằng việc mua vé số, khác nào nhồi nhét vào tâm hồn thơ ngây của học sinh nhỏ tuổi trò chơi được thua bằng tiền, là mầm mống có thể dẫn các em đến con đường cờ bạc sau này, nếu các em nhận thức không đúng. Vì nhân cách của con trẻ phần lớn được hình thành qua giáo dục ở nhà trường và môi trường xã hội.
Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, nhất là những người quản lý giáo dục cần quan tâm chấn chỉnh những phong trào quyên góp kiểu như vậy, vừa tạo được phong trào quyên góp phù hợp thu hút được đông đảo mọi người dân tự nguyện tham gia, vừa không làm mất đi ý nghĩa của việc quyên góp và sai lệch nhân cách học sinh.
PHẠM VĂN CHUNG (Kon Tum)
|