Trước thực trạng các cơ sở sản xuất nhỏ nằm lẫn trong khu dân cư, cùng mật độ xe cộ ngày càng dày đặc, người Hà Nội đang phải hứng chịu một bầu không khí ô nhiễm nặng nề…
Có những người "không nơi ẩn nấp"
Mấy năm nay, nhiều hộ dân chung quanh cơ sở sản xuất của một gia đình ở số nhà 26, ngách 76, tổ 37b, ngõ Thịnh Hào 1 thuộc phường Hàng Bột, quận Ðống Ða đã tìm mọi cách "phòng, chống" mà vẫn không thể chịu đựng nổi sự ô nhiễm của cơ sở sản xuất đồ nhựa này. Họ phải bít kín các cửa sổ, các ban-công, mùa đông cũng như mùa hè, vậy mà mùi nhựa ép nóng, mùi hóa chất khét lẹt vẫn cứ bay vào nhà. Cơ sở sản xuất này nằm giáp ranh giữa hai phường, ngõ vào nhỏ hẹp, kể cả lúc trời có gió lẫn không gió, gió quẩn, các hộ dân trong khu vực có mật độ đông đúc này đều "lĩnh đủ". Bà Nguyễn Thị Giang mới về hưu, tưởng được an nhàn lúc tuổi già, nay ở nhà luôn bị ngột ngạt bởi không khí ô nhiễm này, người lúc nào cũng như "phát ốm", mũi khô sệt. Bà nói: "Tình nghĩa hàng xóm quý thì quý thật, nhưng cứ như thế này chịu sao nổi? Chúng tôi rất lo cho sức khỏe các cháu nhỏ và người già khi phải sống trong môi trường ô nhiễm độc hại này".
Sự thật ở đây, với môi trường không khí tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật, nhiều người dân bày tỏ cho chúng tôi biết họ không muốn về nhà vì "ở ngoài đường còn dễ chịu hơn nhiều". Trước thực trạng bức xúc này, đơn kêu cứu, khiếu nại của người dân được gửi đi khắp nơi. Mới đây, ngày 8-3, chúng tôi theo Tổ công tác của quận, phường đến kiểm tra hiện trường. Thực tế cho thấy, cơ sở này đang mở rộng sản xuất với nhiều máy nấu chảy, ép nóng nhựa chạy bằng điện, làm sầm sập liên tục cả ngày nghỉ, ngày lễ. Dân ở đây cho biết, cả ban đêm, mùi nhựa khét lẹt vẫn tỏa ra. Ðể đối phó với việc khiếu nại của dân, cơ sở sản xuất này cũng dùng tôn để thưng, bịt bớt chung quanh và làm ống khói. Nhưng, như các hộ dân quanh đây phản ánh, việc làm ấy không có mấy tác dụng, chỉ làm quẩn gió mà không xử lý được ô nhiễm. Họ đề nghị các cấp có thẩm quyền ở địa phương di dời cơ sở sản xuất này ra các khu công nghiệp tập trung của thành phố. Nhiều hộ dân còn bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng giúp đỡ cơ sở này di dời như quyên góp tiền bạc, hỗ trợ thủ tục... Thái độ của cán bộ trong Tổ công tác cho thấy trước sẽ chẳng giải quyết được gì, kiểu "hòa giải là chính", rồi đâu lại vào đấy.
Ông Phạm Việt Hùng, cán bộ địa chính quận cho biết, với các cơ chế chính sách hiện hành thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thế này, việc di dời, là bất khả thi. Ông còn thí dụ: "Trên địa bàn quận Ðống Ða, hiện có hai cơ sở ô nhiễm môi trường nhất, việc di dời được chính quyền các cấp triển khai từ lâu, nhưng đến nay có di dời được đâu!". Tổ công tác ra đi để lại sau lưng những lời bàn tán xì xào của người dân: "Họ cứ đến cho có lệ, rồi lại báo cáo, thỉnh thị chẳng giải quyết được gì đâu!"; "Việc này chưa có ai chết ngay đâu mà giải quyết, mà nếu có đình chỉ, di dời thì lấy đâu ra nguồn thu cho phường nữa..."; "Các quan chức phường, quận có ai sống ở đây đâu mà bức xúc...".
Việc các cơ sở sản xuất nhỏ nằm lẫn trong các khu dân cư đông đúc, gây ô nhiễm môi trường ở Hà Nội có nhiều. Thậm chí quận nào, phường nào, ngõ ngách nào cũng có, với mức độ gây ô nhiễm khác nhau. Từ ô nhiễm không khí đến tiếng ồn, nước thải... Việc này cũng chiếm một số lượng lớn trong số các đơn thư khiếu nại của người dân gửi tới các cấp chính quyền, các cơ quan báo chí. Nhưng xem ra, những bức xúc ấy giải quyết chẳng được là bao.
Ðầu năm nay, người dân ở hai tổ dân phố 65A, 65B thuộc cụm 8A, ngõ Trại Cá, phường Trương Ðịnh, quận Hai Bà Trưng mừng rỡ khi biết được công văn số 279 của UBND thành phố Hà Nội, do ông Nguyễn Trọng Lễ, Phó Văn phòng, thừa lệnh Chủ tịch UBND thành phố ký, giải quyết theo đơn kiến nghị của người dân. Công văn nêu rõ việc giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất chủ trì và phối hợp các ngành liên quan và UBND quận Hai Bà Trưng kiểm tra hiện trạng, mức độ ô nhiễm và tiếng ồn tại khu vực tổ dân cư 65A, 65B ngõ Trại Cá, trước ngày 15-2-2006, sau đó đề xuất hướng xử lý và giải quyết. Ðồng thời, công văn cũng ghi rõ: "Trong khi chờ quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND quận Hai Bà Trưng chỉ đạo các cơ sở này tạm dừng nấu đồng, nhôm phế thải để bảo đảm môi trường cho nhân dân trong khu vực". Công văn chỉ đạo là vậy, thế nhưng cho đến nay, theo phản ánh của các hộ dân nơi đây, các gia đình ông Lợi, Tuấn, Hùng, Mạnh, Cấn... vẫn ngang nhiên nấu đúc đồng, nhôm phế liệu, vẫn sản xuất ầm ầm từ sáng sớm đến chiều tối, gây tiếng ồn, xả khí bụi độc hại, bất chấp nỗi lo của hàng xóm và văn bản của chính quyền.
Bài toán nan giải nhưng cần quyết tâm
Ðể tiến tới một "Thủ đô văn minh, xanh, sạch, đẹp", không có lý do gì để tồn tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm lẫn trong các khu dân cư, ảnh hưởng sức khỏe và sinh mạng của người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ngay ở quận Hai Bà Trưng, chỉ riêng phường Trương Ðịnh, có tới 70 xưởng đúc, gia công đồng, nhôm. Trong đó, ở Cụm dân cư số 10 có tới 47 xưởng. Người dân ở đây cho biết, vào ban ngày, các gia đình có điều kiện đều phải đưa người già ốm, trẻ em "đi sơ tán", đến 20 - 21 giờ đêm, mới dám về nhà. Với mật độ các cơ sở sản xuất gây nhiễm môi trường như vậy, cuộc sống của người dân nơi đây thật khó đủ bề, cứ như "thời chiến tranh" vậy... Không chỉ các cơ sở sản xuất, mà các cửa hàng buôn bán, dịch vụ cũng gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngay trong lòng phố cổ, tại phố Hàng Hòm, có hàng chục cửa hàng chuyên bán buôn, bán lẻ sơn và hóa chất các loại độc hại như a-xít, a-xê-tôn, phoóc-môn. Mùi sơn và hóa chất nồng nặc bay ra khắp phố và đáng sợ hơn, nhiều cửa hàng các chất dễ cháy này được chất đầy trong những kho chứa, cả mấy tầng nhà mà không hề có phương tiện phòng cháy, chữa cháy.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, chúng tôi được biết, Hà Nội có khoảng 20 nghìn cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Thực tế hiện nay Trung tâm quan trắc thuộc Sở này mới chỉ đủ kinh phí để giám định ô nhiễm môi trường khoảng 100 cơ sở/năm. Kể từ khi nhận đơn, thư phản ánh về cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cử người đến đo đạc, giám định rồi ra thông báo kết quả cho cơ sở sản xuất là 15 ngày. Khi kết quả giám định là có ô nhiễm, cơ quan này đề nghị cơ sở sản xuất đầu tư trang thiết bị để xử lý ô nhiễm, sau đó giám định lại. Cho phép giám định ô nhiễm đến lần 2. Nếu sau hai lần giám định vẫn bị ô nhiễm quá mức cho phép thì Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất đề nghị UBND quận ra quyết định đình chỉ sản xuất đối với cơ sở. Thông thường quy trình là vậy, nhưng thực tế việc thực hiện được là rất khó khăn, đụng chạm đến nguồn thu, tăng trưởng GDP của địa phương. Tại đây, chúng tôi được biết, Hà Nội có kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường bắt đầu từ năm 1999. Năm nào Sở này cũng có trình kế hoạch di dời, trong đó mỗi quận nội thành có hàng chục cơ sở phải di chuyển theo quy hoạch. Tuy nhiên, đối với các cơ sở sản xuất nhỏ gây ô nhiễm môi trường như kể trên thì không thấy có trong danh sách này. Ðến năm 2003, UBND thành phố Hà Nội mới có Quyết định 74/QÐ-UB về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể. Tính đến nay, cả thành phố, từ vận động đến cưỡng chế, mới có 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường được di dời. Một con số quá ít! Mặt khác, thành phố có chủ trương xây dựng các KCN vừa và nhỏ, không sử dụng nguồn vốn ngân sách, giao cho một số doanh nghiệp GPMB và đầu tư cơ sở hạ tầng, để mời các doanh nghiệp phải di dời theo Quyết định 74/QÐ-UB đến đây sản xuất để có đủ điều kiện phát triển ổn định, lâu dài và chỉ phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, việc này lại nảy sinh những bất cập. Các cơ sở gây ô nhiễm cần được di dời thì không đủ tiền để nộp, mà các chủ đầu tư KCN lại cần thu hồi vốn, cho nên một số cơ sở sản xuất khác, không thuộc diện di dời, lại nhảy vào vì có đủ tiền nộp theo giá ưu đãi... Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường lại trở thành nan giải! Cứ luẩn quẩn như vậy.
Sắp tới, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006, trong đó có những điều khoản về "xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường". Hà Nội cần có các giải pháp, kế hoạch cụ thể, tạo bước đột phá chuyển động mạnh từ các phường, quận trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, như niềm mong mỏi của người dân thủ đô.
|