Ông Nguyễn Cảnh (Hà Tây): Tết Nguyên đán hằng năm, nhiều tai nạn giao thông đã xảy ra. Nguyên nhân thường do lái xe phóng nhanh vượt ẩu, hoặc uống rượu, uống bia say. Có không ít lái xe còn đánh võng trên đường đi. Có không ít người mua xe, thuê người lái chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu hết Luật Giao thông đường bộ.
Mong rằng các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát, xử lý thật nghiêm những lái xe vi phạm. Ðồng thời, có hình thức khen thưởng các địa phương làm tốt công tác an toàn giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Xử lý nghiêm những địa phương, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra nhiều tai nạn giao thông, nhất là trong dịp Tết và mùa lễ hội.
Bạn đọc Hồ Quỳnh Vinh (Nghệ An): Trong khoảng thời gian một tháng trước và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Mặc dù ngành giao thông vận tải đã có giải pháp để đáp ứng nhu cầu, nhưng trên các tuyến đường, nhất là đường bộ, vẫn xảy ra nhiều bất trắc. Ða số người dân thu nhập thấp, phần đông sinh viên về thăm quê vẫn quen sử dụng xe khách. Dù rằng, đã có nhiều công ty, cá nhân đầu tư phương tiện vận tải ô-tô khách làm ăn uy tín, vẫn còn nhiều xe khách tranh thủ chở quá tải, chất lượng phục vụ chưa tốt.
Do ngày Tết, khách đông, cho nên nhiều nhà xe vẫn "hành" khách. Ðề nghị các ngành chức năng phối hợp xử lý, chỉ cấp phép với những nhà xe có thái độ phục vụ tốt, xe bảo đảm chất lượng. Các nhà xe phải niêm yết công khai giá vé để khách được bảo đảm quyền lợi.
CTV Phạm Trọng Chính (Quảng Ninh): Tết Nguyên đán, nắm bắt được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của dân, một số tuyến xe khách tư nhân đã thông báo tăng giá vé hành khách, tùy thích chở khách chật như nêm, xe vòng vo đón khách, sử dụng xe cũ nát... Ðể bảo đảm an toàn cho hành khách trong dịp Tết, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các xí nghiệp xe khách, xe khách tư nhân nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, không cho xe quá cũ nát chở khách, xe khách không được phép chở quá số lượng quy định, không được vòng vo đón khách, trả khách không đúng bến, nơi quy định, không tùy tiện bắt bí khách dọc đường, đòi giá cao. Ðề nghị Bộ Công an, nhất là CSGT tăng cường có mặt ở các tuyến giao thông, xử kiên quyết những xe cũ nát, chở khách quá quy định, đi quá tốc độ.
Nhiều chốt đèn giao thông chưa hợp lý
Hệ thống đèn tín hiệu giao thông có tác dụng hướng dẫn việc đi lại của các phương tiện và người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn. Tuy vậy, còn nhiều điểm đèn tín hiệu giao thông xây dựng, vận hành chưa phù hợp, gây lãng phí và ít phát huy hiệu quả.
Ông Võ Anh Tuấn (Hà Tĩnh): Hiện nay, trên nhiều tuyến đường của thị xã Hà Tĩnh, cơ quan chức năng trang bị hệ thống đèn báo hiệu giao thông hiện đại, đẹp mắt. Người dân vui mừng và hoan nghênh việc làm này vì có đèn tín hiệu giúp người tham gia giao thông được thuận lợi, an toàn, tránh rủi ro, va quệt. Nhưng, không hiểu vì lý do gì, nhiều điểm đèn tín hiệu kéo dài tình trạng không hoạt động, khiến người tham gia giao thông thiếu hẳn ý thức và thói quen tuân thủ tín hiệu đèn. Trái lại, nhiều khi, đèn tín hiệu còn bị xem như "cái bẫy" đối với người đi đường.
CTV Hoàng Long (TP Hồ Chí Minh): Tính ra, mỗi chốt đèn tín hiệu giao thông ở thành phố tốn kém cả trăm triệu đồng. Ngoài giá thành cao của các trụ đèn, cơ quan chủ quản cho lắp kèm theo hệ thống bóng dây tóc cũng vừa lạc hậu, vừa tốn điện năng. Tốn kém là vậy mà không ít trụ đèn đưa vào sử dụng chưa lâu đã thấy trục trặc, hỏng hóc. Ở một số địa điểm, lẽ ra cần có đèn tín hiệu thì chưa được trang bị. Song có nơi, như tại ngã ba đường Trần Cao Vân và đường Mạc Ðĩnh Chi, thuộc phường Ða Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh; thiết nghĩ, chưa cần thiết có đèn, người ta lại dựng hệ thống cột đèn chỉ có chớp tắt.
Bạn đọc Bạch Thị Xuân Trà (Hà Nội): Tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân tập trung nhiều trường đại học và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Mật độ người và các phương tiện qua lại hằng ngày trên tuyến đường này rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Ðể điều tiết giao thông, ngành chức năng cho dựng các cột đèn tín hiệu ở những điểm giao cắt quan trọng. Tính từ Ngã Tư Sở đến Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội, dài khoảng 3 km, có bảy cột đèn tín hiệu.
Qua quan sát của chúng tôi, chỉ có bốn cột đèn hoạt động theo chế độ đèn xanh, đèn đỏ bình thường. Còn ba cột đèn ở các điểm giao với đường Nguyễn Quý Ðức, Khuất Duy Tiến và Khương Ðình thường để chế độ đèn vàng nhấp nháy. Có lẽ, việc đặt chế độ đèn tín hiệu nhấp nháy như vậy chưa phù hợp, cho nên, nhiều lúc, đèn hoạt động liên tục mà tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng vẫn cứ diễn ra.
|