Làng thanh niên lập nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới
Các Website khác - 16/01/2006
Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) được triển khai xây dựng đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp giải quyết việc làm, giáo dục và rèn luyện thanh niên. Trong số đó có tám Làng TNLN dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới.
Chỉ tính riêng 5 năm (2001 - 2005), tám Làng TNLN dọc đường Hồ Chí Minh và biên giới tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Gia Lai đã tiếp nhận và ổn định đời sống cho gần 1.000 hộ gia đình trẻ, trồng mới 1.400 ha rừng, bảo vệ 10.000 ha rừng, tăng độ che phủ rừng lên 52%; trồng 450 ha mía, 210 ha chè, 100 ha cao-su, 800 nghìn cây dó trầm, 200 ha cây ăn quả đặc sản; nuôi 1.200 trâu bò và hàng vạn gia cầm. Tổng thu nhập của các làng lên tới gần 100 tỷ đồng/năm, 60% số hộ khá và giàu, 40% số hộ trung bình. Ðến nay, hầu hết các Làng TNLN đều có các công trình hạ tầng cơ sở tốt như điện, đường giao thông, trạm y tế, nhà trẻ, nhà văn hóa, công trình nước sạch, 80% số hộ có ti-vi, xe máy, nhà xây...

Thành quả bước đầu

Mục tiêu chủ yếu của Làng TNLN là phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả và bền vững, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng bảo đảm phương châm "nơi ở mới phải hơn nơi ở cũ". Vì vậy, khi mới đặt chân đến làng, mỗi hộ trung bình được giao 2-3 ha đất trồng mới, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, 0,5-1 ha đất ở và vườn để trồng cây có giá trị cao. Ngoài ra, mỗi hộ được hỗ trợ vốn để nuôi từ 2-3 bò lai Sind và hàng chục gia cầm khác, được hỗ trợ làm nhà ở và được hưởng các phúc lợi công cộng khác...

Trong quá trình xây dựng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ phát triển bền vững, tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng tăng. Dự án Thung Voi, Quỳ Hợp, Nghệ An có 126 hộ đến nay không còn hộ nghèo, 40% số hộ khá và giàu, hộ gia đình trẻ Lê Văn Thành nuôi 70 bò lai Sind, trồng 3 ha mía, thu hàng trăm triệu đồng/năm; Làng TNLN Sông Rộ, Thanh Chương, Nghệ An có 53% số hộ thu nhập từ 20-40 triệu đồng/năm, 33% số hộ thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm.

Hộ Hà Tiến Dũng của làng TNLN Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 26 lao động.

Về mặt xã hội, các Làng TNLN đã đặc biệt coi trọng củng cố xây dựng các tổ chức chính trị, như chi bộ Ðảng, chi Ðoàn, chi hội phụ nữ, đơn vị tự vệ... để làm nòng cốt chỉ đạo các đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ và tham gia tích cực phong trào quần chúng địa phương, nhờ vậy đến nay không có Làng TNLN nào để xảy ra các tệ nạn xã hội.

Có thể khẳng định, mô hình Làng TNLN tuy mới trong giai đoạn thí điểm nhưng đã chứng tỏ sự phù hợp cơ chế mới, phù hợp địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những thành công ban đầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Trung ương Ðoàn lập đề án quy hoạch Làng TNLN trong phạm vi toàn tuyến biên giới, giai đoạn 2006 - 2010, nhằm phát triển, nhân rộng mô hình. Bộ Quốc phòng đã ký với Trung ương Ðoàn chương trình phối hợp chỉ đạo phong trào thanh niên tham gia phát triển KT-XH và giữ vững quốc phòng - an ninh tại các khu vực biên giới và khu kinh tế quốc phòng. Theo đó, sẽ huy động 400 trí thức trẻ tình nguyện đến nhận công tác lâu dài tại các khu kinh tế quốc phòng trong hai năm tới.

Những vấn đề cần giải quyết

Tính chất đặc thù của Làng TNLN là loại mô hình dự án đa mục tiêu, nhiều nguồn vốn, nhiều hạng mục công trình nhỏ lẻ, triển khai ở địa bàn khó khăn, chủ yếu nơi chưa có dân cư sinh sống, chưa có cơ sở hạ tầng, quy mô diện tích từ 3.000 - 5.000 ha, dân cư từ 120 - 150 hộ, thời gian thực hiện từ 4-5 năm và do Chính phủ giao cho Ðoàn thanh niên thực hiện, đồng thời có sự góp vốn đối ứng và phối hợp chỉ đạo của chính quyền địa phương. Do đó, sự thành công hay tồn tại, vướng mắc của mô hình luôn là hệ quả của sự phối hợp thống nhất trong đầu tư, quản lý chỉ đạo thực hiện giữa Ðoàn thanh niên với chính quyền các cấp, ngành liên quan.

Thực tế đã chứng minh, nếu UBND các tỉnh không có sự thỏa thuận về đất đai, quy hoạch vùng, nội dung đầu tư và vốn đối ứng của địa phương... thì không thể triển khai được dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hầu hết các tỉnh chưa được quyết định chính thức giao đất, giao rừng cho chủ đầu tư và các hộ gia đình vùng dự án, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai ở một số nơi, đồng thời chưa tạo được sự yên tâm để hộ gia đình bỏ vốn đầu tư phát triển kinh tế và bám trụ lâu dài.

Về chính sách di dân kinh tế mới, điểm khác biệt với các dự án kinh tế mới của Nhà nước là đối tượng hộ kinh tế mới của Làng TNLN lúc đầu chỉ là thanh niên chưa xây dựng gia đình, vì vậy họ chưa được coi là đối tượng hưởng chính sách di dân của một hộ kinh tế mới, hoặc khi đã có gia đình riêng thì lại chậm nhận được chế độ nêu trên. Ngoài ra, giữa các địa phương còn có sự khác nhau về mức hỗ trợ, dẫn đến sự phát triển chưa đồng đều giữa các Làng TNLN.

Về vay vốn phát triển kinh tế hộ, mỗi hộ hiện nay mới chỉ được vay từ 5-10 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 5%-10% nhu cầu vay vốn, do đó chưa đủ sức tạo sự chuyển biến nhanh về mục tiêu làm giàu kinh tế hộ với thu nhập cao.

Việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế. Theo thỏa thuận giữa Trung ương Ðoàn với UBND các tỉnh thì cơ cấu vốn đầu tư của trung ương từ 60-70%, vốn địa phương 30-40% (chủ yếu là vốn hỗ trợ chính sách ban đầu như di dân, giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai hoa màu, quy hoạch giao đất, giao rừng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi...), Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ, kịp thời cam kết trên, nhiều chương trình dự án thuộc thẩm quyền điều phối của tỉnh chưa được lồng ghép vào Làng TNLN.

Về mô hình quản lý và chính sách đối với cán bộ của Làng TNLN cũng cần phải được làm rõ. Làng TNLN là loại mô hình KT-XH đặc thù, không giống với nông - lâm trường quốc doanh hay mô hình kinh tế hợp tác xã và cũng chưa được công nhận là một đơn vị hành chính cấp cơ sở (thôn, bản). Trong khi đó, Ban quản lý dự án Làng TNLN vừa phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao, vừa có trách nhiệm quản lý đất đai, tiếp nhận lao động, chỉ đạo sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất, văn hóa, xã hội cho các hộ gia đình, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong một tương lai không xa, cùng với các khu kinh tế quốc phòng của quân đội quản lý, sẽ có thêm hàng chục Làng TNLN nữa được triển khai xây dựng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững quốc phòng - an ninh ở biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giải quyết việc làm, giáo dục và rèn luyện thanh niên.

VIỆT PHÁT
(Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP Trung ương)