Chỉ còn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Ðây là thời điểm mà lưu lượng hàng hóa được huy động nhiều nhất trong năm. Ai cũng dễ dàng nhận thấy điều giống nhau ở hầu hết các địa phương là các khu chợ đông đúc hơn, cửa hiệu đẹp đẽ, nhiều hàng và phố phường tấp nập, nhộn nhịp. Dấu hiệu mừng nhất là hàng hóa dồi dào, mua bán thuận tiện. Trong các nhóm hàng cần cho Tết, thì thực phẩm và bánh, mứt, kẹo được xếp đầu bảng. Song, cũng chính bởi sự quá phong phú của nguồn hàng cũng như việc mua và bán đều dễ dàng lại là cơ hội cho người xấu lợi dụng tung hàng giả và hàng kém chất lượng vào thị trường.
Ðể hạn chế các hành vi gian dối, bảo đảm an toàn cho nhân dân trong dịp Tết, các cơ quan chức năng đã có nhiều việc làm thiết thực. Các đoàn công tác của Chính phủ được thành lập để kiểm tra việc tiêu thụ, giết mổ gia súc, sản phẩm gia cầm. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp thanh tra liên ngành, QLTT thanh tra, kiểm tra các vấn đề về chất lượng thực phẩm, chế biến bánh, mứt, kẹo, đồ uống... Những việc làm thiết thực này được đông đảo dư luận hoan nghênh. Ðược biết, mới qua những ngày đầu kiểm tra, kết quả của cơ quan chức năng cho thấy tình trạng vi phạm các quy định về ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn khá phổ biến, nhất là mứt tết và thực phẩm chế biến.
Chỉ nói riêng mặt hàng mứt tết: xã Xuân Ðỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) là địa phương có nghề làm mứt truyền thống, lâu đời, cung cấp một phần lớn sản phẩm cho Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhưng tại đây đoàn kiểm tra phát hiện nhiều hộ không bảo đảm quy định VSATTP trong chế biến nguyên liệu. Phố Hàng Buồm và chợ Ðồng Xuân đầy ắp mứt, bánh, kẹo, mầu sắc hấp dẫn, nhưng hầu hết đều không có nguồn gốc, được đóng trong những bao tải lớn không có ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả kiểm tra của Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, việc sử dụng các chất phụ gia độc hại như hàn the, phoóc-môn để chế biến giò lụa, bánh phở, mì sợi khá phổ biến, tỷ lệ tăng so năm ngoái. Tại không ít địa phương, ngành QLTT còn phát hiện các "ổ" sản xuất, kinh doanh rượu giả, hoặc sửa hạn sử dụng của những hộp thực phẩm đã hết hạn, rút bớt trọng lượng bánh kẹo trong bao bì... Có thể nói, những sai phạm về sản xuất, kinh doanh những mặt hàng phục vụ Tết như nói trên đang gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các đoàn kiểm tra ATVSTP như nói trên, vào những ngày giáp Tết này, các ngành, các địa phương cũng cần "vào cuộc" để hỗ trợ lực lượng QLTT và cơ quan chức năng. Không chỉ kiểm tra bánh, mứt kẹo, rượu mà nên mở rộng kiểm tra cả các ngành hàng sử dụng làm thực phẩm ngày Tết. Nên tăng mức xử phạt những đơn vị, cá nhân vi phạm và thông báo công khai cho dư luận biết. Ðiều không kém phần quan trọng là người tiêu dùng không nên ham rẻ, mua hàng tùy tiện, mà nên tìm mua tại các đại lý và địa chỉ tin cậy.
|