Lúc bình thường, hiếm có hoạt động nào mà mối quan hệ giữa con người với con người diễn ra thường xuyên và phức tạp, trên phạm vi rộng như ở lĩnh vực giao thông. Và khó có một hệ thống hành chính đơn thuần nào quản lý bao quát hết hoạt động này mà phải phấn đấu thực hiện Luật Giao thông ở tầm văn hóa, trước hết phát huy tính tự giác, lòng tự trọng của người tham gia giao thông.
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đòi hỏi tính liên tục cả về không gian và thời gian. Tuy nhiên, trong dịp Tết, nhất là những ngày áp Tết, mật độ và nhịp độ giao thông cao hơn, một mặt góp phần tạo ra không khí nhộn nhịp và đông vui khác thường, mặt khác cũng tiềm ẩn tai họa. Bởi vì, ba loại vi phạm chính là nguyên nhân gây ra 60% tai nạn giao thông (chạy xe quá tốc độ; tránh vượt sai quy định, lạng lách, đánh võng; uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông) đều có khả năng tăng cao trong dịp Tết.
Ðỉnh cao nhất của hoạt động kinh doanh vận tải khách cũng diễn ra trong những ngày này. Hành khách thường sốt ruột, lại tay xách nách mang, còn người vận chuyển thì hối hả tranh thủ để quay vòng nhanh phương tiện và tìm mọi cách để chở được càng nhiều khách càng tốt. Mặt khác, yếu tố tâm lý rất dễ nảy sinh trong bầu không khí vui xuân là người thừa hành công vụ nương tay, nới lỏng quản lý và người tham gia giao thông tự cho phép mình thoải mái hoặc vội vã, vui chơi quá đà... Ðó là những yếu tố tiềm ẩn dẫn đến vi phạm Luật Giao thông. Còn yếu tố thuận lợi nhất cho công tác ATGT trong dịp này là gì?
Theo chúng tôi, đó là môi trường văn hóa Tết cổ truyền. Tết Nguyên đán là một lễ hội văn hóa lớn nhất trong năm. Tố chất văn hóa thấm đượm tất cả các hoạt động, phong tục và sinh hoạt với mong muốn tốt lành khi bước sang năm mới. Môi trường văn hóa Tết đã góp phần chi phối, điều chỉnh hành vi của con người theo chiều hướng tốt hơn, văn hóa hơn, phải được khơi dậy, phát huy trong nhiều lĩnh vực đời sống và chấp hành tốt Luật Giao thông. Bản thân việc này đã là văn hóa, bởi vì nhiều hành vi ứng xử nhằm bảo đảm trật tự, văn minh và an toàn giao thông đã được thể chế hóa như: nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, người tàn tật; xin phép (bằng còi, đèn) khi tránh, vượt và rẽ; nhường đường cho xe ưu tiên; chạy xe đúng tốc độ cho phép; giúp đỡ người bị nạn.
Tránh điều xui xẻo không chỉ nhằm tránh tai nạn hoặc bị phạt mà còn phải tránh những cái nhìn trách cứ của người đi đường "coi việc cố tình vi phạm là thiếu văn hóa". Ai đi đường cũng mong đến đích với thời gian ngắn nhất, những ngày áp Tết càng vội hơn, nhưng không vì thế mà phóng quá nhanh, vượt đèn đỏ, chen lấn khi ùn tắc giao thông, sang đường không nhìn trước ngó sau. Hoặc to tiếng khi xảy ra va chạm nhỏ, quên xin lỗi khi không may gây ảnh hưởng đến người khác...
Văn hóa giao thông đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải phải có kế hoạch phục vụ chu đáo; người thừa hành công vụ tận tâm và đúng mực, xử phạt nghiêm minh để người vi phạm "tâm phục, khẩu phục". Ðây cũng chính là một cách giáo dục hiệu quả, hợp lòng dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường văn hóa Tết vừa mang ý nghĩa nhân văn.
|