Bảo hành uy tín
Các Website khác - 13/11/2005
Bảo hành uy tín

Tô Phán
Cách đây không lâu một công ty thiết kế xây dựng của Pháp đã sang Việt Nam xin kiểm tra thực trạng hiện tại của một số biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc ở Hà Nội, TPHCM... Những nhà này do họ đã thiết kế. Khi có kết quả kiểm tra, công ty này làm văn bản gửi những người đang ở trong các biệt thự thông báo: "Biệt thự đã hết thời gian sử dụng, chúng tôi không còn chịu trách nhiệm, vì vậy nên phá đi xây lại".

Đối với người Việt Nam , đây quả là chuyện vô cùng lạ. Tự dưng có một công ty tận đâu đâu đến kiểm tra căn nhà rồi thông báo như vậy chắc là để xui người ta đập bỏ nhà đang ở, xây nhà mới; và chắc họ tranh giành quyền thiết kế; hoặc đó là chiêu tiếp thị (ngày 11.11), một đại biểu Quốc hội (là người có vị trí trong cơ quan bảo vệ pháp luật của TPHCM) khi góp ý về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản tại hội trường lại cũng kể một chuyện lạ tương tự và khẳng định đây là sự thật.

Cách từ chối trách nhiệm trong trường hợp này lại là sự thể hiện trách nhiệm rất lớn. Cả trăm năm đã trôi qua, lịch sử, quan hệ giữa các quốc gia đã thay đổi, chẳng ai nghĩ rằng người thiết kế, người kinh doanh bất động sản lại có thể quan tâm và có trách nhiệm đối với sản phẩm của mình (đã hết thời gian sử dụng từ lâu) đến như vậy. Nhưng điều đó là hoàn toàn có thật. Không chỉ ở Pháp mà các nước như Anh, Italia... và nhiều nước khác, các nhà thiết kế, xây dựng, các nhà kinh doanh bất động sản đều ứng xử như vậy. Đó chính là thái độ bảo vệ uy tín của người kinh doanh. Không phải ngẫu nhiên mà các hãng xe ôtô nổi tiếng đã quyết định thu hồi cả triệu xe ôtô đã tiêu thụ trên toàn thế giới với lý do hãng đó tự phát hiện ra một chi tiết nhỏ trong động cơ không phù hợp (dù chưa gây trục trặc nào cho động cơ), mặc dù thiệt hại có thể lên đến cả tỉ USD .

Người như thế, còn ta thì sao? Các nhà ở, công trình giao thông... vừa xây xong đã xuống cấp và rồi nhà thầu, nhà thiết kế chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan... không còn là hiện tượng cá biệt. Nhiều nhà sản xuất quảng cáo quá lời về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ hậu mãi, nhưng rồi sau đó họ bỏ rơi người tiêu dùng. Bởi vì trong những trường hợp này mối quan hệ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là mối quan hệ trên áp đặt xuống thông qua cái vỏ "bình đẳng", "khách hàng là thượng đế". Lợi nhuận của "mẫu" nhà sản xuất này là kết quả của sự "hái lượm" chứ không phải là của quá trình ươm mầm, trồng trọt. Đương nhiên, thiệt hại thuộc về xã hội và người tiêu dùng. Và cũng đương nhiên , ở đó không có sự bảo hành uy tín của nhà sản xuất.

Các nhà sản xuất phải biết bảo hành uy tín của chính mình là sự tất yếu của nền kinh tế hiện đại. Nhưng rất buồn rằng, ở Việt Nam người kinh doanh biết là tất yếu thì nhiều nhưng người chủ động thực hiện điều tất yếu ấy lại còn rất ít.