(VietNamNet) - Ngày đầu, Hà phải nhắm chặt mắt khi tắm cho những "cậu bé" hơn tuổi. Thảo thì cả ngày luôn chân, luôn tay phục vụ sinh hoạt hàng chục em nhỏ, tối đến vẫn có thời gian đọc cổ tích Anđécxen cho bọn trẻ.
Làng trẻ Hữu Nghị Việt Nam (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) nằm trong khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình nhưng có những số phận đăng oằn mình chống chọi lại bệnh tật để có một cuộc sống bình thường như bao người. Trong làng có 10 mẹ chăm sóc cho gần 100 trẻ bị đau yếu, bệnh tật bởi nhiễm chất độc hoá học do chiến tranh gây ra. Trong những người mẹ ấy, có hai cô gái mới bước sang tuổi 20 đã làm bảo mẫu để chăm sóc cho các em.
Làng trẻ Hữu Nghị Việt Nam (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây) nằm trong khung cảnh làng quê yên ả, thanh bình nhưng có những số phận đăng oằn mình chống chọi lại bệnh tật để có một cuộc sống bình thường như bao người. Trong làng có 10 mẹ chăm sóc cho gần 100 trẻ bị đau yếu, bệnh tật bởi nhiễm chất độc hoá học do chiến tranh gây ra. Trong những người mẹ ấy, có hai cô gái mới bước sang tuổi 20 đã làm bảo mẫu để chăm sóc cho các em.
Bất cứ ai khi nhìn những đứa trẻ trong làng Hữu Nghị lần đầu tiên đều không khỏi xót xa trước hình thể biến dạng, thiểu năng trí tuệ, mù, câm, điếc, dị tật chân tay khiến các em đi lại xiêu vẹo… Vì hậu quả nhiễm chất độc hoá học trong chiến tranh đã gây ra. Gia đình nghèo không có điều kiện nuôi dưỡng nên gửi các em vào đây để được chăm sóc. Các mẹ trong làng đã làm những công việc thay cha, thay mẹ nuôi nấng những đứa trẻ này.
Làng Hữu Nghị Việt Nam là dự án đầu tiên của Hội cựu chiến binh thế giới, thành lập nhờ sáng kiến của ông George Mizo - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Làng là biểu tượng của Hoà bình và Hữu Nghị, là hiệu quả của sự hợp tác giữa Cựu chiến binh Việt Nam và Cựu chiến binh 5 nước: Đức, Pháp, Mỹ, Nhật và Anh. Làng Hữu Nghị Việt Nam được khởi xướng từ năm 1991, động thổ xây dựng vào tháng 7/1993 và bắt đầu hoạt động từ 3/1998. Làng thường xuyên điều dưỡng luân lưu trên dưới 150 người (hơn 100 trẻ khuyết tật và 40 cựu chiến binh và thanh niên xung phong) từ nhiều địa phương ở miền Bắc và nửa miền Trung Việt Nam. Họ là những người đau yếu, bệnh tật bởi hậu quả nhiễm chất độc hoá học do chiến tranh gây ra và để lại, đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. |
Công việc bảo mẫu trong làng không làm theo ca kíp như ở một cơ quan nào đó mà là việc sống cùng và chăm sóc cho các em. Từ lúc sáng sớm, các mẹ dậy đánh thức các em, chỉ bảo và giúp các em vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồ ăn sáng… dọn dẹp nhà cửa, canh giấc ngủ… và hàng tá công việc không tên mỗi ngày. Chăm sóc cho trẻ phát triển không bình thường và thường xuyên đau yếu là một công việc không đơn giản.
Hai mẹ tuổi 20
Nguyễn Thị Ngọc Hà (22 tuổi) và Phạm Thị Phương Thảo (21 tuổi) đã lựa chọn công việc trong sự ái ngại người thân và bạn bè. Ngày đầu hai cô nộp đơn, ông Mai Xuân Thái - Giám đốc của Làng đã nói về những khó khăn rất lớn của công việc vì lo hai cô gái còn quá trẻ sẽ không dễ dàng tìm được hạnh phúc lứa đôi khi cả ngày quanh quẩn bên những đứa trẻ tật nguyền. Nhưng ông đã bị thuyết phục bởi sự quyết tâm của hai cô gái, thể hiện bằng hành động trong công việc của các cô.
Nguyễn Thị Ngọc Hà quê ở Bỉm Sơn, Thanh Hoá là ''cô bảo mẫu tí hon'', 22 tuổi, cô nhỏ nhắn trông giống một nữ sinh hơn là một bảo mẫu của 18 em trong nhà T4. Vừa tốt nghiệp Đại học Lao động Xã hội, cô xin luôn vào làm công việc mà bạn bè cùng khoá không mấy ai muốn thử là làm bảo mẫu cho trẻ bị di chứng chất độc da cam. Kinh nghiệm chăm sóc gia đình, Hà học theo mẹ Hồng - người mẹ lớn trong nhà. Công việc của một ''bà mẹ'' đối với một cô gái vừa tốt nghiệp Đại học cần một tấm lòng và tinh thần trách nhiệm cao. Tuần nào ''gia đình T4'' của Hà cũng có đứa bị ốm. Một đứa sốt thì 7, 8 đứa sốt theo. Những em bị động kinh thì ngày nào cũng phải cho uống thuốc để thoát cảnh bị những cơn động kinh hành hạ.
Mẹ Hồng ở cùng nhà với Hà kể: ''Những ngày đầu tiên vào làng, khi phải tắm cho những "cậu bé" hơn tuổi, con bé (Hà) phải nhắm chặt cả mắt lại…''. Bệnh tật khiến "cư dân" làng SOS không tự làm được ngay cả những sinh hoạt bình thường nhất như tự tắm rửa, đi vệ sinh. Cậu bé Anh nhà Hà cứ đến kỳ lại mọc mủ trắng cả bàn chân; việc lau rửa đều do bảo mẫu lo. Đến giờ đi ngủ phải để mắt đến các em, cửa rả trong nhà phải cài chặt vì nhiều em bị mộng du, đêm ngủ cứ đi lang thang…
Công việc vất vả nhưng Hà vẫn làm đâu ra đấy, Hà nói: ''Dù khó mấy cũng làm, vì là trách nhiệm của mình…''. Hà vừa lôi đống vỏ chăn, đệm mùa đông ra phơi vừa hát bài ''Chị tôi'' của nhạc sĩ Trần Tiến cho bọn trẻ nghe. Bọn trẻ đều khen: ''Chị Hà hát hay quá!''.
Phương Thảo đang cho các cháu ăn. Ảnh; HN |
Quê Thảo ở Văn Lâm, Hưng Yên. Thảo là con út trong gia đình có 6 anh em. Lần đầu tiên khi theo một người chị vào làng chơi cùng những đứa trẻ không lành lặn, Thảo thấy các em rất tình cảm. Cô nói với chị là: ''Ước gì em được ở đây vói bọn trẻ nhỉ…''. Thế là mặc anh chị khuyên theo học lớp trung cấp nào đó rồi xin một công việc nhẹ nhàng hơn, Thảo xin vào làng làm bảo mẫu.
Ngày còn ở nhà tính Thảo trầm, ít nói, nhưng sống cùng bọn trẻ, những hành động ngô nghê nhưng trong sáng, vô tư của các em khiến Thảo thấy cuộc sống vui vẻ, ấm áp hơn rất nhiều. Thảo bảo: ''Khi các em tỉnh thì thích lắm!''. Dĩ nhiên, trừ những lúc các em lên cơn động kinh, những lúc các em đau ốm, tâm tính thay đổi, hay phá bĩnh…
Làm bảo mẫu là một công việc không chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ trong chăm sóc mà còn đòi hỏi một tấm lòng nhân hậu. Bởi tình chân thật của người mẹ có công dưỡng dục sẽ đánh thức niềm tin yêu nơi trái tim nhỏ nhoi của những trẻ tật nguyền, giúp các em vơi bớt đau đớn, sống tự tin như bao người bình thường.
Lại Hồng Nhung
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Tổ chức Tháng đoàn kết vì người nghèo (14/10/2005)
▪ Đưa các mục tiêu thiên niên kỷ vào cuộc sống (15/10/2005)
▪ Hút thuốc lá làm giảm minh mẫn (15/10/2005)
▪ Có dấu hiệu virus H5N1 kháng thuốc Tamiflu (15/10/2005)
▪ Quảng Nam: Một điểm đến, hai di sản (15/10/2005)
▪ Lễ hội tháng 10 (15/10/2005)
▪ Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (15/10/2005)
▪ Những nội dung chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 (15/10/2005)
▪ Tuyến đường vàng Trung Quốc - ASEAN (15/10/2005)