Ngay sau phát hiện này, các nhà khoa học đã khuyến cáo các nước trên thế giới, ngoài thuốc Tamiflu, cần phải tích trữ thêm những thuốc chống virus cúm khác như thuốc Relenza của công ty dược phẩm GlaxoSmithKline.
Nhà khoa học Yoshihiro Kawaoka, thuộc Trường đại học Wisconsin-Madison, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết họ đã phát hiện một số mẫu virus H5N1 kháng thuốc Tamiflu trong mẫu bệnh phẩm của một nữ bệnh nhân người Việt Nam 14 tuổi. Do phải chăm sóc người thân bị nhiễm cúm gia cầm nên nữ bệnh nhân trên đã được các bác sĩ cho sử dụng Tamiflu liều thấp để đề phòng nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau ba ngày sử dụng, nữ bệnh nhân này bắt đầu có triệu chứng sốt cao. Sau khi được tăng liều Tamiflu điều trị, sức khỏe của nữ bệnh nhân này đã hồi phục và được xuất viện hồi tháng 3-2005.
Mặc dù các nhà khoa học cho rằng chưa thể đưa ra một kết luận chung về khả năng kháng thuốc của virus H5N1 vì trường hợp trên mới chỉ xuất hiện ở một bệnh nhân, nhưng phát hiện mới này càng làm tăng thêm sự cấp thiết của việc điều chế thành công các loại thuốc đặc trị khác, đặc biệt là việc điều chế vắc xin phòng cúm gia cầm ở người. Tuy nhiên, ngoài việc quá trình điều chế một loại vắc xin mất rất nhiều thời gian, song một trở ngại lớn mà các nhà khoa học đang đối mặt là họ khó điều chế được loại vắc xin hiệu quả nếu chưa xác định được cơ chế lây nhiễm ở người của loại virus này, một việc chỉ có thể làm được sau khi dịch cúm bắt đầu bùng phát ở người.
Hiện nay, chủng virus cúm gia cầm H5N1 được đánh giá là có nguy cơ lớn nhất đe dọa làm bùng phát dịch cúm ở người. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo chủng virus này sẽ biến thể thành loại virus có khả năng lây nhiễm từ người sang người và gây ra đại dịch cúm lan rộng ra toàn thế giới trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, làm hàng triệu người, thậm chí hàng chục triệu người tử vong.
|