Tuyến đường Nam Ninh - Hữu Nghị quan dài 179,2km, trong đó 136,4km đường cao tốc, 42,8km đường cấp 1 là cánh cửa thương mại quan trọng nối liền thị trường Trung Quốc và thị trường ASEAN.
Trong chiến lược hình thành khu mậu dịch tự do theo Hiệp định thương mại tự do ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN, tuyến đường này được coi là huyết mạch cho các hoạt động trao đổi thương mại và hàng hóa. Nối liền cửa khẩu Hữu Nghị quan với thành phố Nam Ninh, trạm trung chuyển quan trọng phía nam của Trung Quốc, tuyến đường này sẽ là cánh cửa nối liền các quốc gia thành viên ASEAN với thị trường rộng lớn của Quảng Đông, Hồ Nam, Quý Châu, Giang Tây và Phúc Kiến. Tuyến đường sẽ tiếp nối với quốc lộ 1A của Việt Nam, chạy thẳng tới Hà Nội, từ đó nối liền với các quốc gia ASEAN láng giềng khác.
Tuyến đường cao tốc này đang được thi công để kịp hoàn thành nhân Hội nghị cấp cao thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (China - ASEAN Expo) lần 2 dự kiến khai mạc vào ngày 19-10 tại thành phố Nam Ninh.
Đối với tỉnh Quảng Tây, tuyến đường cao tốc Nam Ninh - Hữu Nghị quan được coi là một cơ hội để thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế của một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc.
Con đường Nam Ninh - Hữu Nghị quan hiện tại sắp được thay thế bằng tuyến đường cao tốc hiện đại. | Ông Nguyễn Văn Nam, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, cho biết trong khi phía Trung Quốc, đặc biệt là tỉnh Quảng Tây, đã chuẩn bị rất tốt cho cơ hội lớn này thì ở Việt Nam, một đầu cầu không kém quan trọng, cơ bản lại chưa có chuẩn bị đáng kể nào để sử dụng “tuyến đường vàng” này.
Trong khi tuyến đường bên phía Trung Quốc làm rất hiện đại với hệ thống đường hầm và cầu hoàn chỉnh, tuyến đường tiếp nối của Việt Nam từ Lạng Sơn về Hà Nội vẫn chưa đạt chuẩn đường cao tốc. Một hệ thống cơ chế chính sách như đàm phán với Trung Quốc về vấn đề đi lại, hàng hóa... để thúc đẩy giao lưu phát triển cũng chưa có...
“Chúng ta phải nhận thức rằng đây không chỉ là tuyến đường nối Việt Nam với Trung Quốc mà còn là nối Việt Nam với ASEAN” - ông Nam khẳng định. Theo ông, trong khi các viện nghiên cứu ở Quảng Đông và Quảng Tây cùng các học giả Trung Quốc đã hình thành khái niệm “hai hành lang, một vành đai”, thì ở Việt Nam mới dừng ở mức độ hưởng ứng. “Chúng ta rất nhạy cảm trong việc đồng thuận và đưa ra các ý tưởng, nhưng đi vào cụ thể thì rất chậm, thậm chí hầu như chưa có gì. Một kế hoạch cụ thể để sử dụng con đường với sự phối hợp và bắt tay của các ngành hải quan, ngoại giao, biên phòng và công an... chưa được thực hiện. Một kế hoạch chuẩn bị để đón nhận những cơ hội phát triển từ con đường cũng chưa được chuẩn bị”.
“Đây sẽ là một cơ hội cực lớn để thay đổi toàn diện bộ mặt của kinh tế Bắc Bộ cũng như cả nước! Hàng hóa từ các nước ASEAN qua đầu cầu Việt Nam sẽ cập cảng Quảng Ninh và Hải Phòng, từ đó theo đường bộ tiến vào vùng tây - nam Trung Quốc rất nhanh chóng. Thay vì sẵn sàng đón nhận cơ hội bằng các công cụ hữu hiệu như thiết lập các khu thương mại sầm uất, thực hiện sự tự do hóa cao, cung ứng các dịch vụ thuận lợi, thay vì hoạch định các chiến lược về phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư..., chúng ta mới chỉ dừng ở các ý tưởng và khẩu hiệu! Đây không chỉ đơn thuần là hành lang giao thông mà còn là hành lang kinh tế, hành lang thương mại, hành lang đầu tư... Với tầm vóc như vậy, Nhà nước phải thật sự vào cuộc với một chương trình mang tính tổng thể, để từ đó giúp đỡ các doanh nghiệp tiến vào một thị trường rộng lớn! Đây không thể là công việc của một bộ, một ngành, thậm chí một tỉnh nào cả!” (PGS-TS Nguyễn Văn Nam, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ)
|
|