Báo Nhân Dân những ngày đầu đổi mới
Các Website khác - 08/03/2006
Ðánh giá những đóng góp của báo Nhân Dân vào sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những lời khen còn có những tiếng chê và cả sự đòi hỏi báo Ðảng phải làm được nhiều hơn.

Chính thức mà nói, công cuộc đổi mới trên đất nước ta được bắt đầu từ khi Ðại hội toàn quốc lần thứ VI của Ðảng (năm 1986) đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đến nay đã là 20 năm. Thật ra, những nhân tố đầu tiên của đổi mới, thì đã có từ trước đó nhiều năm, tức là từ những năm cuối thập niên 70 đến thập niên 80 của thế kỷ XX. Những ngày đầu đổi mới mà tôi nói đến trong bài viết này là bao gồm cả thời gian trước và sau Ðại hội VI của Ðảng, đại thể là những năm của thập niên 80.

Ðánh giá những đóng góp của báo Nhân Dân vào sự nghiệp đổi mới, bên cạnh những lời khen còn có những tiếng chê và cả sự đòi hỏi báo Ðảng phải làm được nhiều hơn. Dẫu sao, qua thực tế sống động những công việc của báo Nhân Dân đã làm và qua chồng hồ sơ đồ sộ về những sự kiện mà báo Nhân Dân phản ánh, không ai không thừa nhận rằng đối với sự nghiệp đổi mới, báo Nhân Dân vừa là chủ nhân, vừa là chứng nhân, lại vừa là đối tượng. Nói chủ nhân là nói vai trò chủ động, sáng tạo của báo trong công tác tuyên truyền, cổ động, tổ chức đối với công cuộc đổi mới, cũng là nói tới những đóng góp của báo vào việc hình thành đường lối và các chủ trương chính sách của Ðảng về đổi mới. Nói chứng nhân là nói vai trò phản ánh, là tấm gương phản chiếu thực tiễn đổi mới, bao gồm cả thực tiễn lãnh đạo và thực tiễn phong trào quần chúng, cũng là nói vai trò người ghi chép trung thực tiến trình lịch sử của đổi mới. Còn nói đối tượng là nói báo cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của đổi mới, và để phục vụ tốt cho đổi mới, báo phải tự đổi mới mình và càng phải vươn lên đi đầu trong sự nghiệp đổi mới báo chí nói chung.

Thật vậy, những năm cuối 70 đầu 80 thế kỷ trước những năm tháng mà đất nước ta lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Ðất nước có nhiều tiềm năng, nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trực tiếp là những bất cập về quản lý kinh tế, cho nên làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Trong hoàn cảnh ấy, vấn đề sống còn là đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Nhưng bằng cách nào? Nhân dân ta gồng mình lên đối phó những khó khăn trong cuộc sống thường ngày và tìm cách tháo gỡ cho mình. Ðảng ta trăn trở tìm tòi và thử nghiệm, từng bước đề ra chủ trương và giải pháp có tính đổi mới từng phần. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979) chủ trương bằng mọi biện pháp "Làm cho sản xuất bung ra". Nghị quyết 25/CP (tháng 1-1981) của Chính phủ cho phép xây dựng kế hoạch ba phần, thừa nhận quyền chủ động sản xuất kinh doanh và tự chủ về tài chính của xí nghiệp quốc doanh.

Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng (tháng 10-1981) chủ trương khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6-1985) quyết định cải cách giá - lương - tiền nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giảm bao cấp trong hoạt động kinh tế. Kết luận của Bộ chính trị Trung ương khóa V (tháng 8-1986) đề ra ba quan điểm đổi mới: Về cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, về cải tạo xã hội chủ nghĩa với chính sách kinh tế nhiều thành phần, về đổi mới cơ chế quản lý.

Với những chủ trương, chính sách đó của Ðảng, báo Nhân Dân không chỉ có vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, cổ vũ động viên và tổ chức việc thực hiện, mà còn là người đóng góp tích cực từ khâu hoạch định. Trong nông nghiệp, cuộc hội thảo ở Côn Sơn (Hải Dương) vào mùa hè năm 1981 và những cuộc khảo sát tiếp theo ở Ðồ Sơn (Hải Phòng), Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh... với những bài phản ánh trên báo về khoán, đã góp phần cùng các cơ quan khác cung cấp cơ sở thực tiễn để Ban Bí thư ra chỉ thị 100. Cũng vào những năm tháng ấy, báo Nhân Dân là người phản ánh tích cực nhất chủ trương của Chính phủ cho người dân được mượn đất để sản xuất vụ đông mà không cần nộp sản phẩm cho hợp tác xã; chủ trương của Thanh Hóa cho gia đình xã viên được nuôi bò riêng và các cửa hàng ăn được bán phở bò mà không bị ràng buộc phải là thịt bò phế thải. Có thể mở ngoặc để nói thêm rằng, sau Ðại hội VI của Ðảng, Ban Biên tập báo Nhân Dân đã phối hợp với Tỉnh ủy các tỉnh Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hà Bắc tổ chức mấy cuộc hội thảo liên tiếp về vấn đề khoán hộ và cũng đã góp phần cung cấp cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 (tháng 4-1988) "Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp" thừa nhận quyền tự chủ của hộ, thường gọi tắt là "Khoán 10".

Về đổi mới công nghiệp, Quyết định 25/CP ra đời chưa bao lâu đã gây nên một sự tranh luận dữ dội trong giới lãnh đạo và quản lý. Nó bị phê phán là làm phá vỡ kế hoạch hóa và gây lộn xộn trong quản lý công nghiệp, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Trong hoàn cảnh đó, cuộc thảo luận "Tiếng nói giám đốc" mở ra trên báo Nhân Dân liền trong ba tháng giữa năm 1984 đã tập hợp đông đảo ý kiến của các giám đốc và nhà quản lý. Kết luận rút ra có tính thuyết phục là cần tiếp tục thực hiện Quyết định 25/CP với một số điều chỉnh cần thiết, tức là tiếp tục đổi mới chứ không dừng lại.

Về đổi mới trong phân phối lưu thông, báo phản ánh với sự ủng hộ nhiệt tình các thử nghiệm và cơ chế mới như Công ty Lương thực miền nam (bà Ba Thi) thực hiện mua bán ngang giá, Long An đưa ra cơ chế một giá (giá thỏa thuận) và bù giá vào lương, Thủ Ðức (TP Hồ Chí Minh), Quảng Nam - Ðà Nẵng cũng theo cơ chế ấy để giải quyết vấn đề cung ứng lương thực... Ðó là chưa nói đến những bài bình luận viết về vấn đề xóa dần tính bao cấp trong cơ chế quản lý.

Ðại hội VI của Ðảng (tháng 12-1986) đánh dấu một bước ngoặt rất cơ bản với việc đưa ra đường lối đổi mới toàn diện - từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới hệ thống chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Cán bộ và nhân dân vô cùng phấn khởi và nồng nhiệt đón mừng Nghị quyết, coi đó như là một phép mầu để chuyển đổi tình thế. Dẫu sao đổi mới là gì, là làm những việc gì, thì không phải mọi người đều hiểu thấu. Nhiệm vụ của báo Nhân Dân lúc ấy là cùng với bộ máy tư tưởng và văn hóa của Ðảng làm quán triệt trong Ðảng và trong xã hội tinh thần và nội dung của Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Ðổi mới, đương nhiên là thay cái cũ bằng cái mới, nhưng đâu phải cái nào cũ đều bỏ, cái nào hễ mới là làm. Cái cũ bị thay đổi ở đây phải là cái cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với những điều kiện mới và do đó trở thành lực cản đối với sự phát triển. Còn cái mới ở đây phải là cái mới tốt hơn trước, tiến bộ hơn trước chứ không phải bất kỳ cái mới nào. Ðổi mới, về thực chất là một cuộc cách mạng nhằm củng cố độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập ngày càng tốt hơn cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Có những người đã không hiểu như vậy hoặc không muốn hiểu như vậy. Họ cho rằng đã là đổi mới thì phải phá bỏ tất cả cái cũ, coi cái gì cũ cũng là xấu, là hỏng; thậm chí muốn phủ định sạch trơn những gì đã làm được trong quá khứ. Cũng có những người chịu ảnh hưởng của "cải tổ" và "cải cách" ở bên ngoài, cho rằng đổi mới phải làm theo "cải tổ" và "cải cách" như các nước khác đã làm, tức là chụp cái khuôn "cải tổ" vào nước ta. Còn các thế lực thù địch ở bên ngoài và những kẻ cơ hội ở bên trong thì mưu toan làm biến dạng và biến chất công cuộc đổi mới, muốn lái chúng ta từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa và đi theo con đường khác - con đường tư bản chủ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà báo Nhân Dân, bên cạnh việc đăng tải các Nghị quyết của Ðại hội và của Trung ương, đã lên tiếng và thường xuyên mở những đợt tuyên truyền, giáo dục rộng rãi về các văn kiện ấy; đồng thời phản ánh kịp thời phong trào quần chúng hưởng ứng Nghị quyết và thực hiện Nghị quyết. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực sau Ðại hội VI của Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, dưới bút danh NVL, đã đích thân viết bài cho chuyên mục "Những việc cần làm ngay", kết hợp một cách sắc sảo giữa phê phán và xây dựng. Càng không phải ngẫu nhiên mà trên báo Nhân Dân, bạn đọc còn tìm thấy những loạt bài đấu tranh chống các quan điểm chính trị sai lầm trong đổi mới, khẳng định "đổi mới mà không đổi màu" "định hướng chứ không đổi hướng", "hội nhập mà không hòa tan"...

Cuộc chiến đấu của báo Nhân Dân trong những ngày đầu đổi mới thật sự sôi động. Cuộc chiến đấu ấy trong suốt 20 năm đổi mới vừa qua cũng là như vậy. Những người làm báo Nhân Dân, một mặt nắm chắc các nghị quyết, chủ trương và chính sách của Ðảng và Nhà nước, mặt khác đi sâu vào thực tiễn, phản ánh thực tiễn và từ đó rút ra những kết luận nhằm góp phần bổ sung, sửa đổi chủ trương và chính sách. Nói báo Nhân Dân cái gì cũng làm đúng và làm tốt là không khách quan. Song, những người làm báo Nhân Dân có thể tự khẳng định rằng mình luôn hành động theo chức năng của tờ báo - cơ quan Trung ương của Ðảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong việc tự đổi mới mình, cùng với đổi mới nội dung và phong cách làm báo, báo Nhân Dân cũng đã làm được nhiều việc cho sự lớn lên của tờ báo. Từ bốn trang, không đủ để đề cập những vấn đề của đổi mới, trước Ðại hội VI (của Ðảng, báo đã ra thêm đặc san hằng tháng, sau đó thêm Nhân Dân chủ nhật; sau Ðại hội VII của Ðảng, đổi thành Nhân Dân cuối tuầnNhân Dân hằng ngày có cả số chủ nhật; sau Ðại hội VIII của Ðảng, Nhân Dân hằng ngày ra 8 trang và bên cạnh Nhân Dân cuối tuần, có thêm Nhân Dân hằng tháng, mấy năm gần đây lại có Nhân Dân điện tử. Bây giờ thì đã có cả một tổ hợp báo Nhân Dân bao gồm cả bốn loại: Ngày, tuần, tháng và điện tử.