Chiều 18/9, khi đến sát bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão số 6 đã di chuyển chậm lại và đổi hướng. Tâm bão hiện cách bờ biển Nghệ An khoảng 50 km. Với tốc độ 20-25 km mỗi giờ, 6h tối nay, bão đổ bộ vào Nghệ An, Thanh Hoá. Các tỉnh này đang được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc.
Trao đổi với VnExpress chiều 18/0, ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Quảng Bình, cho biết đối phó với bão, từ mấy hôm nay, các lãnh đạo tỉnh đã đi thị sát từng tuyến đê kè, hồ chứa, đường giao thông và các vùng nuôi trồng thủy sản, đôn đốc người dân tranh thủ từng giờ để thu hoạch nốt 500 ha lúa hè thu, cùng một lượng lớn tôm cá ở các đầm nuôi thủy sản. Các cơ quan, công sở, đặc biệt là lực lượng quân sự địa phương, bộ đội biên phòng và dân quân được đặt trong tình trạng báo động, túc trực 24/24h tại những địa bàn xung yếu, sẵn sàng triển khai lực lượng khi có sự cố. Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia cũng đã bố trí 1 tàu cứu nạn nằm ở cửa sông Giang.
Bóng màu xanh là vùng tâm bão có thể đi qua. |
Đến 16h chiều 18/9, bão chưa vào đến đất liền. Nhưng do ảnh hưởng của bão, suốt từ sáng, toàn tỉnh đã có mưa vừa. Riêng vùng thượng nguồn sông Gianh và Nhật Lệ mưa rất to, lượng mưa tại Minh Hóa 268 mm; Đồng Tâm 280 mm; Tuyên Hóa 269 mm. Mưa kết hợp với kỳ triều cường đã gây xói lở, vùng cửa sông Gianh, lăm le cướp đi trụ sở của đồng biên phòng và 11 ngôi nhà của người dân ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch.
"Hiện vị trí sạt lở chỉ cách nhà dân 5 m. Chúng tôi đã và đang tiếp tục cho thả rọ đá với chiều dài khoảng 100 m, ngăn không cho sạt lở. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khi có bão về, 11 hộ gia đình trên đã được lệnh sơ tán", ông Gianh nói. Ngoài ra, mưa cũng đã gây sạt lở nhánh phía Tây và Đông của đường Trường Sơn. 10 km đường đang thi công của quốc lộ 12 từ Quảng Trạch sang Lào cũng trong tình trạng sạt lở nhiều đoạn, đi lại khó khăn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, chiều nay 18/9, khi đi đến sát vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, bão số 6 đã di chuyển chậm lại và dịch dần theo hướng tây bắc. 16h chiều18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc, 106,5 độ kinh đông, cách bờ biển Nghệ An khoảng 50 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10. |
Tại Hà Tĩnh, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh, cho biết từ sáng đến 15h chiều 18/9, địa bàn toàn tỉnh có mưa rất to, gió cấp 3-4. Nhưng đến 16-17h cùng ngày, trời lại quang, mây tạnh. Đây là dấu hiệu này chứng tỏ bão sắp đổ bộ vào đất liền. Hiện điều lo lắng nhất của những cán bộ làm phòng chống lụt bão là bão vào buổi tối, gió vùng gần tâm bão có thể giật trên cấp 10, trong khi nhà cửa người dân phần lớn là cấp 4, do đó khả năng gây hại sẽ rất lớn.
Mặt khác, bão lại kết hợp với kỳ triều cường, sóng biển sẽ đánh rất cao, đe dọa tuyến đê biển chạy qua các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Hiện lực lượng bộ đội, dân quân và nhân dân địa phương đã thay phiên nhau trực 24/24h tại các vị trí xung yếu của đê biển. Những hộ dân sinh sống tại vị trí cửa sông, vùng ven biển đã được lệnh di dời vào sâu đất liền.
Riêng với các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Thượng Đức Thọ, người dân đang nơm nớp lo lũ quét và sạt lở đất. Mấy hôm trước trên địa bàn đã có mưa rất to, lượng mưa tại Chu Lễ tới 266 mm. Nếu bão vào, kết hợp với mưa lớn thì rất có thể sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở núi.
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Nhung, Chi cục phó Chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều, cho biết chiều 18/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đi thị sát đê biển và các hồ nuôi trồng thủy sản ở huyện Quỳnh Lưu. Trước đó, sáng 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Trung đã đi kiểm tra việc chuẩn bị công tác phòng chống lụt bão của các cơ sở kinh tế quan trọng, đặc biệt đã thị sát tuyến đê Tả Lam của sông Lam.
Bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng, người dân đã che đậy mọi dụng cụ. |
Ông Nhung cho biết, điều lo ngại nhất của Nghệ An là các tuyến đê biển. Do bão kết hợp với triều cường nên sóng biển sẽ rất cao, có thể gây sạt lở cho tuyến đê biển. Trong khi đó, toàn tỉnh có tới 150 km đê biển, xuyên suốt các huyện thị: Vinh, Nghi Lộc, Yên Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên. "Mà các tuyến đê biển đều xung yếu cả, tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn của đê diễn ra phổ biến", ông Nhung lo lắng.
Về thiệt hại của bão số 6, ông Nhung cho biết do bão chưa vào nên chưa có thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, do hôm qua và hôm nay địa phương có mưa vừa đến mưa to, nên một số diện tích lúa vùng thấp ở các huyện Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành đã bị ngập lụt.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão lụt bão trung ương, không chỉ 3 tỉnh trên, suốt một dọc ven biển từ Hải Phòng đến Quảng Bình, các địa phương đã khẩn trương đối phó với bão. Đến chiều 18/9, các tỉnh đã gọi gần 22.000 phương tiện, 42.450 ngư dân đang hoạt động trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn; bố trí, sắp xếp cho 30.210 phương tiện neo đậu tại các bến an toàn; kiên quyết ngăn chặn không cho 504 phương tiện, gần 2.000 người ra biển hoạt động; vận động di dờii 406 hộ dân ở khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn.
Đặc biệt, đối phó với bão, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều 2 máy bay trực thăng tuần tra để phát hiện những tàu thuyền ngoài khơi và bắn pháo hiệu thông báo để các tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Công điện khẩn của Thủ tướng về phòng chống bão số 6. Đêm 17/9, Thủ tướng có công điện khẩn gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, chỉ đạo: Bão số 6 đang di chuyển nhanh và diễn biến rất phức tạp với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật trên cấp 10. Đây là cơn bão mạnh, đặc biệt bão có thể đổ bộ vào thời điểm có triều cường và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, Thủ tướng yêu cầu: 1. UBND các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công điện số 55 ngày 17/9 của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương và thực hiện các phương án chống bão, sẵn sàng đối phó với tình huống bất lợi nhất khi bão đổ vào mà triều cường đang ở mức cao; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu những vùng đê biển xung yếu và sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng cửa sông, ven biển và những nơi có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; 2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị lực lượng và phương tiện, chủ động phối hợp với lực lương của các quân khu trên địa bàn, sẵn sàng ứng cứu và thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn kịp thời. 3. Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 6 và tình hình mưa lũ, thông báo kịp thời cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân để chủ động đối phó. 4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia và Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương để tăng thời lượng, thông tin kịp thời về diễn biến cơn bão số 6, công tác chỉ đạo đối phó của các Bộ, ngành, địa phương để nhân dân biết và chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả do cơn bão số 6 gây ra. 5. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 6, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, thường xuyên báo cáo Thủ tướng. |
Như Trang
▪ Hàng ngàn ha đất được giao khoán cho ai?! (18/09/2005)
▪ Vá quần áo thời hàng hiệu (17/09/2005)
▪ Ngày bình yên ở Bản Hồ (17/09/2005)
▪ Những cây Da xưa ở Sài Gòn (17/09/2005)
▪ Bệnh viện C, con đường mới đã mở... (17/09/2005)
▪ Anh “khùng” chăn... bò tót (17/09/2005)
▪ Hạn chế tối đa những tai nạn có thể xảy ra (17/09/2005)
▪ Những bất cập trong công tác quản lý cốt nền tại Hà Nội (18/09/2005)
▪ Trở lại Việt Nam (18/09/2005)
▪ Xoá nghèo vững chắc (17/09/2005)