Bỏ phiếu tín nhiệm
Các Website khác - 09/06/2006

Bỏ phiếu tín nhiệm
TS Nguyễn Đức Mậu

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa hoàn tất một tập hợp 1.173 ý kiến của cử tri gửi Quốc hội, trong đó các cử tri đã kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn liên quan đến những vụ tham nhũng, lãng phí.

Nội dung kiến nghị hướng tới việc phòng, chống tham nhũng và lãng phí, nhưng đồng thời cũng là một gợi ý cần thiết cho một cách đánh giá năng lực hoặc uy tín của một người lãnh đạo trong nhận thức của những người tham gia bỏ phiếu. Đó là một kiến nghị hay và chắc sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những người chân chính, nhưng rất cần các biện pháp thực hiện sáng suốt để tránh sự vô hiệu hoá đã có thể nhìn thấy trước.

Số lượng các ý kiến được thống kê như vậy chứng minh rằng rất nhiều người dân muốn đưa ra những sáng kiến và tin tưởng vào một sự nghiêm túc trong việc thực hiện kiểm tra các phiếu tín nhiệm. Sáng kiến này nếu được mở rộng phạm vi và mang tính chất thường kỳ, tự nguyện và hoàn toàn không hình thức hoá thì chắc chắn góp phần giảm thiểu những tiêu cực. Ngược lại, nếu việc bỏ phiếu chỉ mang tính chất hình thức thì một sáng kiến tích cực lại dẫn đến hậu quả tiêu cực và những biến thái của nó mà không thể lường trước.

Việc bầu cử mang tính chất bỏ phiếu tín nhiệm để lấy ý kiến tham khảo như hiện nay ở nhiều cơ quan cho thấy, nó vừa làm mất thời gian của nhiều người, vừa gây những nghi ngờ không thể xoá bỏ. Phiếu tín nhiệm thường được thực hiện nghiêm chỉnh các bước như những cuộc bầu cử, nhưng bước quan trọng nhất là kiểm phiếu lại được thực hiện ở một nơi khác và những người kiểm phiếu này lại không thuộc số người từ những người trực tiếp bỏ phiếu cử ra. Thông tin về kết quả phiếu bầu ít được công bố và nếu được công bố cũng không nhận được thái độ tin tưởng từ phía những người tham gia bầu cử hoặc bỏ phiếu tín nhiệm. Sự không công khai hay... sợ công khai là điều bất bình thường, nhưng đã trở thành bình thường trong cuộc sống.

Tất cả những thắc mắc xảy ra từ các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bầu cử kiểu như thế đều được giải thích rằng chỉ để tham khảo ý kiến. Sự nghi kỵ, mất niềm tin của cấp dưới đối với cấp trên bắt đầu xuất hiện. Thực chất sự mất niềm tin xuất phát từ bên trên đối với bên dưới trước khi đề ra "cái sáng kiến" tín nhiệm kiểu như thế.

Bỏ phiếu tín nhiệm - sáng kiến do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN đề ra từ kiến nghị của cử tri, là thông tin báo hiệu một nỗ lực trí tuệ của cử tri đã được chấp nhận, ít nhất sự thành công của kiến nghị là đã được đưa ra trước thông tin đại chúng. Để thực hiện thành công sáng kiến của cử tri hay để sáng kiến khỏi bị vô hiệu hoá, hình thức hoá thì trước hết cần thiết có những thiết chế đáng tin cậy và mang tính công khai.