Bố trí cán bộ thanh tra phải... chọn mặt gửi vàng
Các Website khác - 20/10/2005

(VietNamNet) - "Thời tôi còn làm Tổng thanh tra nhà nước, có nhiều sai phạm, kể cả cán bộ thanh tra và đối tượng thanh tra, đều bị xử lý. Tuy nhiên, để ngăn chặn sai phạm từ trước, những người không đủ tin cậy thì không nên bố trí tham gia đoàn thanh tra. Không phải ai cũng đi làm thanh tra được". Ông Tạ Hữu Thanh, Phó trưởng ban kinh tế TW, nguyên Tổng thanh tra nhà nước, nói trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Làm thanh tra không được giao tiếp với đối tượng thanh tra

Soạn: AM 392037 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Tạ Hữu Thanh: "Quy chế chỉ có hiệu lực khi được thực thi, kiểm soát thực thi một cách nghiêm chỉnh".

- Thưa ông, vừa rồi có một vụ phó thanh tra nhà nước bị đình chỉ công tác do liên quan một số sai phạm. Từng là Tổng thanh tra nhà nước nhiều năm, ông có cảm tưởng gì?

- Tôi không bất ngờ. Tôi nghĩ nếu không giữ gìn thì dễ nảy sinh tiêu cực, vì thanh tra là môi trường dễ tiêu cực. Cán bộ công nhân viên thanh tra nhà nước phải coi đây là một nguy cơ để cảnh giác và đề phòng. Như thế sẽ hạn chế mức thấp nhất khả năng tiêu cực.

- Phải làm gì để giám sát hoạt động của cán bộ thanh tra, thưa ông?

- Khi tôi là tổng thanh tra, chúng tôi có xây dựng quy chế hoạt động của đoàn thanh tra, đến giờ vẫn còn hiệu lực. Quy chế cấm cán bộ thanh tra ăn ngủ tại đơn vị thanh tra, đi xe ô tô của đối tượng thanh tra. Nếu ăn, ở thì phải thanh toán và mang hoá đơn về cơ quan thanh toán theo chế độ.

Theo quy chế, không được giao tiếp với đối tượng thanh tra, trường hợp là một cá nhân. Nếu gặp đối tượng thanh tra thì phải là cả tập thể, để giám sát lẫn nhau.

Mỗi thanh tra viên được phân công một mảng thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo thanh tra về việc đó. Người đó phải báo cáo trưởng đoàn một cách trung thực để trưởng đoàn tổng hợp tất cả kết luận. Kết luận phải được tập thể lãnh đạo thanh tra xem xét, đưa ra phán quyết, trước khi công bố.

Từ khi bắt đầu thanh tra cho đến khi báo cáo với lãnh đạo thanh tra phải tuyệt đối giữ bí mật.

Nếu làm đúng các điều cấm trên, điều kiện nảy sinh tiêu cực rất ít. Nó chỉ có hiệu lực khi được thực thi, kiểm soát thực thi một cách nghiêm chỉnh.

Không đủ tin cậy không bố trí tham gia thanh tra

- Quy định chặt chẽ như thế nhưng hiện nay có rất nhiều vụ sai phạm xảy ra và thanh tra vào cuộc rất nhiều. Cho đến bây giờ, những cán bộ thanh tra không hoàn thành trách nhiệm, lơ đi những tiêu cực bị xử lý rât ít...

- Tôi chỉ nói về thời điểm tôi là Tổng thanh tra. Thời đó xử lý nhiều sai phạm, kể cả cán bộ thanh tra và đối tượng thanh tra. Cán bộ thanh tra bị xử lý cao nhất là ở cấp vụ.

Tuy nhiên, để ngăn chặn sai phạm từ trước, những người không đủ tin cậy thì không nên bố trí tham gia đoàn thanh tra. Không phải ai cũng đi làm thanh tra được. Thời đó, có hàng trăm cán bộ thanh tra nhưng không phải ai cũng đi làm thanh tra. Đã là thành viên đoàn thanh tra thì phải có bản lĩnh vững vàng, có kinh nghiệm, trong sạch. Lãnh đạo phải biết cái mạnh, cái yếu từng người để bố trí việc cho thích hợp.

- Có phải còn thiếu quy định nói rõ trách nhiệm phải gánh chịu của cán bộ thanh tra khi không hoàn thành nhiệm vụ, thưa ông?

- Ngay trong quy chế hoạt động đã thể hiện tinh thần đó. Tuy nhiên còn tuỳ thuộc điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng. Khi tôi còn đương chức Tổng thanh tra, tôi phải thường xuyên giám sát, hàng tuần nghe báo cáo công việc xem có gì khó khăn, mắc mớ.

- Có cơ chế nào để xác minh các kết luận thanh tra xem có đúng sự thực, thưa ông?

- Khi thanh tra về, từng thành viên trong đoàn phải báo cáo việc thanh tra. Cán bộ trình bày kết luận sơ bộ thì phải trình bằng chứng: chứng từ, sổ sách...

- Khi ông làm Tổng thanh tra thì thanh tra phát hiện nhiều vụ sai phạm lớn. Nhưng liệu có chuyện những vụ này không được xử lý thấu đáo?

- Có. Nhưng việc này đã báo cáo các cấp lãnh đạo để được xem xét điều chỉnh, phân tích rõ do cơ chế hay do từng đối tượng thanh tra. Từ đó đi đến xử lý. Có trường hợp do TW xử lý. Nói chung là đều có xử lý, kể cả xử lý hình sự.

- Rất nhiều vụ việc đã thanh tra, đã có thể làm rõ sự việc, có dấu hiệu sai phạm về hình sự nhưng ít được đưa sang cơ quan điều tra, xử lý hình sự...

- Cái đó là một phía. Nhưng ở một phía khác, có nhiều vụ việc đưa sang cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra xếp đấy... 

- Xin cảm ơn ông!

Ông Mai Quốc Bình, Phó tổng thanh tra chính phủ:  Phải có cơ chế cho đối thoại công khai, thậm chí chất vấn với các đơn vị bị thanh tra. Nếu đơn vị trả lời được thì được công nhận không sai phạm.

  • Văn Tiến - Phạm Cường

Ý kiến của bạn?