Năm đồng vốn mới sinh một đồng lời?
Các Website khác - 20/10/2005

(VietNamNet) - Hiệu suất sử dụng vốn đã thấp, nay lại có chiều hướng giảm. Năm 2004, cứ 4,7 đồng vốn tạo ra 1 đồng lời, còn năm nay, 5 đồng vốn mới sinh 1 đồng lời. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) phát biểu sáng 20/10.

3/4 đầu tàu của nền kinh tế đang... ì ạch

Soạn: AM 591480 gửi đến 996 để nhận ảnh này

ĐB Lê Quốc Dung

Theo ĐB Lê Quốc Dung: Tăng trưởng kinh tế cao (năm 2005 ước là 8,4%) chủ yếu cho tăng vốn đầu tư nhưng hiệu suất sử dụng vốn (ICOR) thấp, nay lại có chiều hướng giảm.

Ông cho biết thêm: Nếu ICOR năm 2004 là 4,7/1 (4,7 đồng vốn tạo ra 1 đồng lời), thì năm 2005 là 5/1, 5 đồng vốn mới sinh ra một đồng lời. Năng suất lao động cũng thấp so với nhiều nước trong khu vực (thấp hơn Thái Lan 6,5 lần).

Giá trị sản phẩm công nghiệp tăng 16,7% nhưng thực chất giá trị gia tăng chỉ tăng 10,2%, nông nghiệp tương ứng là 6% và 4,1%.

Nguồn lực của nền kinh tế là ''đầu tầu'' kinh tế dân doanh đang chuyển mình mạnh mẽ nhất. Còn ba ''đầu tầu'' khác đang rất ì ạch là DNNN, khu vực sự nghiệp và cải cách hành chính.

DNNN có tình trạng ỉ lại, thua lỗ kéo dài. Liều thuốc cổ phần hoá ''ngấm'' rất chậm, số vốn của nhà nước được cổ phần hoá chỉ chiếm 9%. Nhiều doanh nghiệp muốn duy trì tỷ lệ vốn nhà nước 51% để làm chỗ dựa.

Khu vực sự nghiệp như y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật cũng ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng bao cấp.

ĐB Dung lấy dẫn chứng, trong số 24 viện khoa học chuyển đổi thì chỉ một xin ở với Tổng công ty, còn lại 23 viện muốn nương nhờ các bộ. ''Lĩnh vực sự nghiệp rất cần khoán 10 như nông nghiệp'', ông nói.

''Đầu tầu'' thứ tư là bộ máy nhà nước với cải cách hành chính chậm chạp, tệ tham nhũng, gây phiền hà của bộ phận công chức, thất thoát, lãng phí trong sử dụng tiền và tài sản của nhà nước đang là lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế.

Để truyền động lực các ''đầu tầu'' trên, theo ĐB Dung, ''tổ chức, chỉ đạo là vấn đề quan trọng''.

Ông kiến nghị Chính phủ: ''Phải rà soát, đánh giá sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, vốn viện trợ. Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm để không xẩy ra việc cạnh tranh, xé rào trong đầu tư. Làm rõ nguyên nhân suất đầu tư của ta thấp hơn nhiều các nước trong khu vực?''.

Chưa nên tăng học phí trong lúc giá cả leo thang

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chuyển tải nguyện vọng của cử tri lên diễn đàn Quốc hội, đề nghị không tăng học phí, viện phí trong lúc giá cả leo thanh như hiện nay. ''Giá cả tăng đã là gánh nặng với mỗi gia đình, nay tăng học phí, viện phí, chi tiêu càng vất vả hơn'', ĐB Minh bày tỏ.

Ngoài ra, theo bà, tăng học phí, viện phí còn thể hiện sự yếu kém trong xã hội hoá giáo dục và y tế. Nếu mở rộng cho các thành phần kinh tế tham gia, thì trường học, bệnh viện của Nhà nước có điều kiện lo cho đối tượng chính sách và người nghèo.

Còn trong giáo dục, cần tạo điều kiện thành lập trường tư thục bằng chính sách ưu đãi thuê đất, vay vốn, hoặc thu hút vốn doanh nghiệp đầu tư vào các trường...

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế, xã hội.

  • Văn Tiến

Ý kiến độc giả: