C14 quyết làm rõ đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng
Các Website khác - 28/03/2006
Bùi Tiến Dũng khi bị bắt. (Tiền Phong)

Tập trung bóc gỡ đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng hiện là mục tiêu quyết liệt nhất của cơ quan điều tra. Tôn Anh Dũng, người vừa nộp 480 triệu đồng đang là đầu mối số một. Trước đó, một cán bộ của Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (C15) và C14 cũng bị tố cáo dính đến việc chạy án.

Sáng nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Thảo xác nhận, trước khi bị bắt, Bùi Tiến Dũng có nhờ những tay chân thân tín chạy án theo các hướng khác nhau. Quan điểm của cơ quan điều tra là tập trung làm rõ hành vi của từng người có liên quan trên tinh thần "không để lọt nhưng cũng không làm oan người vô tội".

Người đứng đầu lực lượng cảnh sát cũng không phủ nhận việc có thông tin, đường dây chạy án này còn liên quan đến cả một số cán bộ trong chính ngành công an. Ông khẳng định, mọi việc đang được điều tra làm rõ nhưng sẽ không có chuyện bao che hay phân biệt người trong ngành. Trước đó, cơ quan điều tra đã nhận được đơn tố cáo việc chạy án liên quan đến một cán bộ của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (C15) và một số cán bộ điều tra của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14.)

Lời hứa chạy án

Trong một diễn biến khác, ngày 27/3, cơ quan điều tra cũng đã làm việc với ít nhất một tờ báo để làm rõ thông tin về việc Nguyễn Quyết (Quyết "Béo") đã tác động đến một số cơ quan báo chí để dừng việc đăng tải các thông tin liên quan đến PMU 18. Quyết cầm 35 triệu đồng của Dũng và hứa sẽ lo lót ổn thoả giúp "thoát êm" khỏi vụ này với giá vài chục nghìn USD cho mỗi điểm chạy án.

Nguồn tin riêng của VnExpress cho hay, Tôn Anh Dũng (Phó giám đốc Công ty Thái Bình Dương) là một trong số đầu mối chính tại phi vụ chạy án cho Bùi Tiến Dũng. Tôn Anh Dũng nhận tiền của nguyên tổng giám đốc PMU 18, hứa lo lót ổn thoả với một số người có thẩm quyền. "Chủ thể mà các đối tượng chạy án nhắm đến ngày càng có chức vụ cao", thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đánh giá sáng nay trong hội nghị quốc gia về phòng chống tội phạm.

Tuy nhiên, mục đích chạy án của con bạc triệu độ bất thành. Từ Thái Lan, nơi đang điều trị bệnh ung thư cho đứa con 11 tuổi, Phó giám đốc Công ty Thái Bình Dương, Tôn Anh Dũng đã liên hệ trực tiếp với C14 xin nộp số tiền 30.000 USD. Sau khi người nhà nộp 480 triệu đồng (tương đương 30.000 USD) tiền chạy án, Tôn Anh Dũng "bắn tin" sẽ từ Thái Lan về trình diện C14 trong những ngày sắp tới.

Theo nguồn tin riêng của VnExpress tại Huế, chiều 27/3, cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục khám xét nhà riêng và nơi làm việc của Tôn Anh Dũng.

Ngày 27/3, ông Lê Tiến Thông, người môi giới mua 17 ha đất lâm nghiệp tại xã Văn An, Chí Linh, Hải Dương, cho con rể ông Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến cùng Phạm Tiến Dũng và ông Đỗ Kim Quý (nguyên phó tổng PMU 18) tiếp tục bị triệu tập đến C14. Nhiều ngày qua, ông Thông đã phải trả lời các câu hỏi xung quanh phi vụ mua bán đất lâm nghiệp này. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đã không đến làm việc với C14 như dự kiến của cơ quan điều tra. Cả ngày 27/3, ông Tiến dự cuộc họp Ban cán sự đảng Bộ GTVT.

Có dấu hiệu thuê xã hội đen dằn mặt đồng nghiệp

Trở lại vụ tiêu cực ở PMU 18, theo Tổng cục trưởng Trần Văn Thảo, cơ quan điều tra đã bước đầu làm rõ trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Tiến trong việc chỉ đạo một số công việc có liên quan. C14 đang khẩn trương củng cố đánh giá những dấu hiệu tội phạm hình sự của hành vi này.

Hiện các vụ chém cán bộ của PMU 18 đang được cơ quan điều tra tập trung xác minh. Theo khẳng định của tướng Oánh sáng 27/3, ở PMU 18 có hiện tượng thuê đối tượng xã hội đen để giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Hai cán bộ PMU 18 là Đỗ Ngọc Trung (Trưởng phòng kỹ thuật) và ông Hải (Phòng kế hoạch) trên đường đi làm về đã bị những kẻ lạ mặt chém. Thủ phạm đến nay vẫn chưa được làm rõ. Hiện, cơ quan điều tra nghi ngờ, Phạm Tiến Dũng (đệ tử của Bùi Tiến Dũng, trưởng phòng Kinh tế kế hoạch đã bị bắt) đứng sau những phi vụ trên do mâu thuẫn quyền lợi.

Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đánh giá, hầu hết các công trình xây dựng đều bị rút ruột không chỉ 10-20% khối lượng thi công mà là 30%. Vụ án ở PMU 18 cho thấy, đang có tình trạng doanh nghiệp tư nhân thông đồng với doanh nghiệp nhà nước để rút tiền ngân sách. Hiện, hàng loạt công ty được xác định là "sân sau" của Bùi Tiến Dũng đang dần được làm rõ. Họ được tổng giám đốc PMU 18 ưu ái trúng thầu nhiều hạng mục dự án béo bở, dù không đủ năng lực. Thậm chí, có doanh nghiệp sau đó bán thầu cho đơn vị khác, kiếm được khoản tiền béo bở chia chác với Bùi Tiến Dũng.

C14 tiếp nhận hồ sơ đường dây cá độ Hiếu "Béo"

Cũng trong sáng 27/3, ông Nguyễn Đức Bình (Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội) cho VnExpress biết, hồ sơ về đường dây cá độ bóng đá do trùm Hiếu "Béo" cầm đầu đã được đơn vị hoàn tất chuyển giao cho C14 theo yêu cầu.

Cuối tháng 2 khi C14 đang bóc gỡ đường dây cá độ của cảnh sát giao thông Bùi Quang Hưng thì phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội cũng khởi tố Nguyễn Trung Hiếu (Hiếu "Béo"), kẻ cầm đầu đường dây cá độ với quy mô và tầm hoạt động ngang ngửa.

Hiếu "Béo" ghi độ thuê, hưởng phần trăm hoa hồng từ các nhà cái quốc tế ở Hong Kong, Macau. Nếu người cá độ thắng, Hiếu “Béo” sẽ được hưởng 15% tổng số tiền. Có ngày, đường dây của Hiếu thu hàng triệu USD cá độ. Đến nay, cơ quan điều tra đã có đủ cơ sở xác định hành vi của Hiếu “Béo” phạm vào tội tổ chức đánh bạc, nhưng trùm cá độ này đã nhanh chân bỏ trốn và đang bị truy nã.

Theo dòng sự kiện:
Nhiều cán bộ của Bộ Giao thông sẽ làm việc với C14 (27/03)
Con đường tha hoá của Bùi Tiến Dũng (27/03)
PMU 18 phải chịu trách nhiệm về công trình kém chất lượng (27/03)
Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm vụ PMU 18 (26/03)
Hàng chục doanh nghiệp được Bùi Tiến Dũng 'bảo kê' (25/03)
Xem tiếp»

Anh Thư