Lao đao trong cơn dịch bệnh
Có ít nhất 15 chủng khác nhau của bệnh cúm gia cầm (cúm type A), tuy nhiên H5N1 được xem là có khả năng lan truyền cao trong các loài lông vũ và dễ lây nhiễm sang người, gây bệnh nặng và tử vong.
Theo WHO, cúm gia cầm được xác định lần đầu khoảng hơn 100 năm trước tại Italy, tuy nhiên virus chủng H5N1 gây bệnh cúm gia cầm lần đầu ảnh hưởng con người vào tháng 5-1997, khi dịch này hoành hành tại Hồng Công (Trung Quốc). Tại đây, virus cúm gia cầm đã khiến 1,5 triệu gia cầm bị tiêu hủy, 18 người nhiễm bệnh, trong số đó có sáu người chết.
Tiếp đó, vào năm 1999, người ta lại phát hiện các trường hợp nhiễm cúm gia cầm chủng H9N2 tại Hồng Công và Quảng Đông (Trung Quốc). Cảnh báo về tác hại của dịch cúm gia cầm bắt đầu gia tăng trở lại khi xuất hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm chủng H5N1 tử vong đầu năm 2003.
Từ cuối năm 2003, cúm gia cầm chủng H5N1 bắt đầu hoành hành ở các nước châu Á, gây tổn thất lớn cho đàn gia cầm tại đây, khiến nhiều người nhiễm bệnh. Khác với đợt cúm gia cầm năm 1997, đợt cúm gia cầm từ cuối năm 2003 đến nay vẫn chưa được kiềm chế hoàn toàn và đang tiếp tục đe dọa đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Nửa đầu năm 2005, cúm gia cầm đã tái phát mạnh với nhiều nguy cơ tiềm tàng khiến việc kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trở nên khó khăn hơn đối với các nước châu Á, đặc biệt các nước Đông Nam Á. Tại Campuchia, sau khi bùng phát tháng 9-2004, virus cúm gia cầm chủng H5N1 tiếp tục được phát hiện tại một trang trại gà ở tỉnh Kandal cách thủ đô Phnom Penh 12 km, Chính phủ đã ban hành lệnh cấm lưu thông gia cầm trong bán kính ba km chung quanh trại gà chứa mầm bệnh. Và trong tháng 5 vừa qua, Bộ Y tế nước này đã công nhận trường hợp thứ tư chết do virus cúm gia cầm.
Tại Thái-lan, từ khi dịch bùng phát đến nay có 12 người chết do cúm gia cầm. Sau khi kết thúc giai đoạn kiểm tra và giám sát tại một trang trại ở tỉnh Lop Buri, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái-lan (MOAC) ngày 5-5 tuyên bố, Thái-lan đã khống chế và ngăn chặn thành công dịch cúm gia cầm, tuy nhiên đến ngày 11-7 vừa qua, dịch lại tái phát tại năm địa điểm thuộc ba huyện của tỉnh Suphan Buri, cách thủ đô Băng-cốc 100 km về phía bắc.
Thông tin này khiến MOAC phải hoãn dự định tuyên bố nước này hoàn toàn thoát khỏi dịch cúm gia cầm vào ngày 12-7. Và một tháng qua, Thái-lan đã tiêu hủy hơn 107 nghìn con gà nhằm ngăn chặn khả năng dịch lan truyền sang các địa phương khác. Hiện các cơ quan chức năng Thái-lan vẫn theo dõi chặt tại các tỉnh Kamphaengphet, Suphan Buri và Chai Nat, nơi tái phát dịch cúm gia cầm.
Indonesia mới đây cũng đã phát hiện trường hợp người đầu tiên chết do cúm gia cầm. Bộ Y tế nước này xác nhận, từ tháng 8-2003 đến nay, hơn 9,53 triệu gia cầm chết và bị tiêu hủy. Tại Việt Nam, theo báo cáo của WHO, từ tháng 12-2003 đến nay, có 40 người chết do cúm gia cầm. Virus H5N1 cũng được phát hiện ở Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Kazakhstan, Malaysia, Lào…
Dịch cúm gia cầm gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế của các nước châu Á, nhất là ngành chăn nuôi gia cầm. Xuất khẩu gia cầm của nhiều nước giảm mạnh. Mặc dù là nước sản xuất trứng lớn nhất và sản xuất thịt gia cầm lớn thứ hai thế giới, nhưng thống kê sơ bộ cho thấy ngành sản xuất này của Trung Quốc năm ngoái đã chậm lại do vào thời điểm đó nhiều nước trên thế giới áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ nước này.
Cúm gia cầm là nguyên nhân khiến tăng trưởng nông nghiệp Thái-lan năm ngoái giảm 4,4%. Là nước xuất khẩu gia cầm đứng thứ tư thế giới nhưng trong quý 1-2005, giá trị xuất khẩu gà đông lạnh giảm 98,7% và trong tháng 4 giảm 97,5% do xuất khẩu gà của Thái-lan tới các nước EU và Nhật Bản vẫn bị cấm. Không chỉ vậy, các nước châu Á phải dành thêm ngân sách đầu tư trang thiết bị, mua thuốc ngăn chặn cúm gia cầm lây lan, nghiên cứu sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm ở người.
Chung tay đối phó
Tới Băng-cốc dự Hội nghị phát triển y tế toàn cầu lần thứ sáu, Tổng giám đốc WHO Lee Jong-wook nói rằng, virus cúm gia cầm không hề mang hộ chiếu hay thị thực xuất nhập cảnh, vì thế khó xác định khi nào nó xuất hiện. Đấy không chỉ là câu nói vui mà còn phản ánh đúng thực trạng diễn biến của cúm gia cầm ở các nước châu Á, nơi bệnh dịch đang gây những tác hại nặng nề. Theo ông, đó cũng là lý do khiến các nước khu vực châu Á phải sẵn sàng ứng phó cơn đại dịch cúm có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát cuối năm 2003, ngoài việc chủ động phòng chống, các nước châu Á đã nỗ lực hợp tác trên các diễn đàn song phương và đa phương tìm biện pháp đối phó dịch cúm gia cầm. Đầu năm ngoái, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã phối hợp với WHO tổ chức Hội nghị khu vực về kiểm soát cúm gia cầm lần thứ nhất tại Thái-lan. Hội nghị tập hợp đại diện các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương thảo luận tình hình khu vực, chiến lược kiểm soát dịch bệnh và sự hợp tác giữa các bên.
Tiếp đó, giữa năm ngoái, đại diện các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Papua New Ghine... đã tới Băng-cốc, tham dự Hội thảo khu vực về hợp tác kiểm soát dịch cúm gia cầm ở Đông Nam Á, do FAO chủ trì. Các nhà khoa học và chuyên gia thú y khu vực thảo luận các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm của từng quốc gia nhằm đưa ra quan điểm chung, các biện pháp khoa học và hướng dẫn kỹ thuật thống nhất, tạo cơ sở cho chính phủ các nước hợp tác hiệu quả trong việc ngăn chặn và khống chế dịch ở khu vực.
Tại Hội thảo này, FAO chính thức phát động Dự án RAS/3006 về thành lập Mạng lưới phối hợp kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm tại Đông Nam Á gồm các thành viên là mười nước ASEAN, Đông Timor và Papua New Ghine.
Hội nghị khu vực về kiểm soát cúm gia cầm khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần hai được tổ chức đầu năm nay, tại TP Hồ Chí Minh thảo luận về diễn biến dịch cúm tại khu vực, đánh giá những biện pháp thực hiện trong vòng một năm kể từ Hội nghị lần thứ nhất. Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày tiến bộ khoa học trong việc phát hiện, ngăn chặn, giám sát và khống chế dịch bệnh.
Dư luận cũng quan tâm đến Hội nghị quốc tế về cúm gia cầm diễn ra ở Malaysia đầu tháng trước. Hội nghị kêu gọi các nước giàu và các nhà tài trợ quốc tế thực hiện cam kết đóng góp từ 100 đến 150 triệu USD để ngăn chặn nguy cơ xảy ra đại dịch cúm gia cầm. Các chuyên gia, đại biểu từ nhiều nước trên thế giới đã nhất trí tập trung tăng cường giám sát hoạt động chăn nuôi, buôn bán gia cầm, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tiêm phòng vaccine cũng như chú trọng tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng ngừa và nguy cơ lây nhiễm virus H5N1.
Lập kho dự trữ thuốc khu vực là sáng kiến được thông qua tại cuộc họp tuần trước của bộ trưởng y tế, quan chức cấp cao các nước 11 nước châu Á gồm Thái-lan, Brunei Darussalam, Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar, Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Bhutan và các quan chức WHO.
Với chủ đề “Hợp tác khu vực về y tế cộng đồng nhằm đối phó cúm gia cầm và chuẩn bị đối phó đại dịch cúm”, đại biểu các nước đã nhất trí về nguyên tắc ba vấn đề gồm thiết lập mạng lưới thông tin và chia sẻ dữ liệu về cúm gia cầm và bệnh cúm nói chung; hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật nếu nước nào có nhu cầu; phát triển “ngân hàng” dự trữ thuốc điều trị cúm gia cầm và cúm nói chung ở các quốc gia và khu vực.
Theo Bộ trưởng Y tế Thái-lan Suchai Charoenratanakul, khi thành lập, kho dự trữ này có khả năng cung cấp thuốc trong vòng từ 24 giờ đến 72 giờ cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực bùng phát đại dịch cúm.
Đại diện Việt Nam dự họp cũng bày tỏ ủng hộ việc phối hợp giữa các nước trong khu vực dựa trên cơ chế ASEAN và ASEAN mở rộng, tán thành việc tăng cường dự trữ thuốc phòng chống virus H5N1 ở mỗi nước và khu vực, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với những cam kết và nỗ lực phối hợp hành động kể trên, có thể thấy các quốc gia châu Á đều ý thức được nguy cơ xảy ra đại dịch và đã sẵn sàng cho việc đối phó đại dịch cúm. Bên lề Hội nghị phát triển y tế toàn cầu lần thứ sáu, Tổng Giám đốc WHO Lee Jong-wook tán thành việc lập một trung tâm dự trữ thuốc cho khu vực và cho đây là một phương thức hiệu quả giúp đối phó nguy cơ đại dịch bùng phát.
Còn nhiều thách thức
Rất khó ngăn chặn khả năng lây lan của bệnh cúm gia cầm vì virus cúm gia cầm thường bị nhiễm qua các loài chim di cư. Virus H5N1 xuất hiện trở lại ở Trung Quốc trong tháng sáu vừa qua với khoảng 6.000 chim di cư chết là dấu hiệu cho thấy sự dai dẳng của dịch bệnh. Không chỉ vậy, virus cúm gia cầm còn lan sang cả những động vật khác như lợn, mèo, hổ.
Chưa gây hậu quả nặng nề như dịch SARS nhưng cúm gia cầm tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn khi một biến thể mới bùng phát có khả năng lây lan từ người sang người. Vì thế, nhiều nhà phân tích coi cúm gia cầm là bom nổ chậm. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, virus của bệnh cúm thông thường hay thay đổi theo thời gian để trở thành chủng virus mới. Nếu xảy ra, một cơn đại dịch cúm bùng phát có thể làm từ 20 đến 40 triệu người chết, tương đương số người chết trong đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919.
Có những bằng chứng cho thấy virus bệnh cúm dễ dàng thay đổi theo thời gian. Trong dịch cúm năm 1983 – 1984 tại Mỹ, virus H5N2 chỉ trong vòng sáu tháng biến đổi từ dạng gây tỷ lệ tử vong thấp thành tỷ lệ tử vong cao tới 90%, dịch cúm năm 1999 – 2001 ở Italy đã biến đổi từ dạng có mầm bệnh thấp thành mầm bệnh cao chỉ sau chín tháng.
Do dễ biến đổi như vậy nên hiện nay chưa có một loại vaccine cuối cùng để điều trị cúm gia cầm. Tamiflu hay còn gọi là oseltamivir do hãng thuốc Thụy Sĩ Roche AG sản xuất được WHO lựa chọn là thuốc có khả năng ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm trong trường hợp xảy ra đại dịch cúm, tuy nhiên không phải tất cả các nước trong khu vực đều có khả năng dự trữ loại thuốc này do giá đắt và nhu cầu sử dụng thuốc này trên thế giới rất cao, dẫn tới nguồn cung hiếm. Giá tamiflu tại Phillipines hiện là 3 USD/viên, trong khi để điều trị, bệnh nhân cần sử dụng khoảng 10 viên thuốc.
Cùng những khó khăn này, nỗ lực hợp tác khu vực vẫn bị hạn chế do các nước trong khu vực chưa nhất trí cao để biến cam kết thành hành động. Sáng kiến lập trung tâm cung cấp thông tin dịch bệnh và trung tâm phòng trữ vaccine khu vực thật ra đã được đề xuất từ cách đây ba tháng, mặc dù nhiều nước ủng hộ nhưng theo giới phân tích, kế hoạch này cần cụ thể hơn nữa. Rõ ràng việc đặt kho thuốc ở đâu và phương cách quản lý thế nào nhằm bảo đảm lợi ích cho các nước tham gia vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải đối với các nước châu Á.
Để sẵn sàng ứng phó hiệu quả cúm gia cầm và một cơn đại dịch cúm trong tương lai, theo các quan chức WHO cũng như nhiều chuyên gia, các nước châu Á cần phải xác lập cơ chế hành động cụ thể đồng thời các nước phát triển trên thế giới cần phải chung tay giúp đỡ các nước đang chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm về cả kỹ thuật và tài chính.
|