(VietNamNet) - Tuyến đường vòng vèo dài 296km do người Pháp xây dựng này đã trăm tuổi; nền sụt lún đến mức tàu "bất khả xâm phạm" khi mưa to. Tại những đường cong nhỏ, ray mòn vẹt, tà vẹt nát vẫn "gánh" 19 đôi tàu với 8.000 tấn hàng hoá/ngày.
Hiểm nguy rình rập!
Mới đây nhất, ngày 10 - 13/7, việc lưu thông tàu đã phải tạm dừng do sạt lở nền đường.
![]() |
Đường sắt Việt Nam đang xuống cấp. Ảnh: TV |
Trong bản báo cáo kết quả khảo sát kỹ thuật mới đây, Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng đường sắt (VRICCC) đánh giá tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, cơ sở hạ tầng xấu. 39% chiều dài tuyến là đường cong (111 km) trong đó có nhiều đường cong bán kính nhỏ.
Trên các đoạn này, do địa hình khống chế tuyến bám theo ven sông Hồng, một bên là núi cao, một bên là sông sâu nên bình diện tuyến phải đi vòng vèo, nhiều đường cong bán kính nhỏ trái chiều nối nhau liên tiếp, phải hạn chế tốc độ chạy tàu. Dọc đường có nhiều đoạn dốc ngắn, điểm đổi dốc liên tục không có lợi cho chạy tàu tốc độ cao, chiều dài đoạn dốc ngắn nhất là 100 m. Nền đường có 75 đoạn xung yếu (dài 45 km) thường bị xói lở do dòng chảy sông Hồng hoặc sụt lở vào mùa mưa.
Về kiến trúc tầng trên, ray trên tuyến chủ yếu là ray nhỏ, thậm chí bị mòn vẹt tại những đường cong nhỏ. Tỷ lệ tà vẹt hư hỏng bình quân khoảng 12%, có đoạn hư hỏng đến 30%. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc trong các ga trong tuyến cũng xuống cấp nghiêm trọng vì không được sửa chữa, nâng cấp.
Hạ tầng như vậy nhưng mỗi ngày tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai phải ''gánh'' 19 đôi tàu. Bình quân mỗi ngày vận chuyển khoảng 8.000 tấn hàng hoá, tương ứng 2,2 triệu tấn/năm. Tổng công ty Đường sắt VN ((ĐSVN) cho biết năng lực thông qua của tuyến hiện tại đã ở mức đỉnh điểm, có những đoạn như Thái Văn - Phố Lu lên đến hơn 93%, vượt quá mức cho phép và hết năng lực dự trữ. Nếu có tình huống phát sinh đột xuất đòi hỏi phải lập thêm tàu, Tổng công ty buộc phải dừng một số đôi tàu đang chạy cố định.
Với hiện trạng kỹ thuật cơ sở hạ tầng như thế, cùng với việc không kiểm soát được các đường ngang, vấn đề an toàn chạy tàu tuyến Hà Nội - Lào Cai đang bị đe doạ trực tiếp, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào!
Chờ... vốn?
Theo VRICCC, để đảm bảo an toàn chạy tàu và nâng cao năng lực thông qua trên tuyến Hà Nội - Lào Cai, trước mắt cần số vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng. Nhưng theo Ban Kế hoạch đầu tư (Tổng Công ty ĐSVN), vốn được cấp không bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu nên hiện trạng tuyến không tránh được cảnh chắp vá.
![]() |
Xét về hiệu quả khai thác, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chỉ sau tuyến Thống Nhất. Ảnh: TV |
Tuyến Hà Nội - Lào Cai có đoàn tàu kéo đẩy hiện đại nhất hiện nay. Tàu có vận tốc thiết kế tối đa 120km/h, kéo được gần 30 toa xe. Nhưng trên thực tế, đoạn đường ray đoạn tốt nhất cũng chỉ cho phép chạy tối đa 70 km, đường ga ngắn không thể đủ đỗ cho đoàn tàu kéo quá 14 toa xe. Kết quả là tiền của bị lãng phí vì không thể đầu tư đồng bộ!
Để duy tu, bảo trì 1 km đường sắt cần khoảng 200 triệu đồng nhưng vốn cấp chỉ được 60-70 triệu/km. Mỗi năm, Tổng công ty ĐSVN chỉ có kinh phí sửa chữa lớn 5-10 km tại những đoạn quá bức bách như độ dốc lớn, đường cong nhỏ để khôi phục theo trạng thái kỹ thuật ban đầu.
Được biết, Tổng công ty ĐSVN đang xúc tiến công tác chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Hà Nội - Lào Cai, đoạn từ Yên Viên đến Lào Cai. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.090 tỷ đồng, trong đó vay ODA là 1.790 tỷ đồng. Dự án này nhằm nâng cấp đường sắt, cầu cống, cải tạo bình diện và một số đường cong trên tuyến Yên Viên đến Lào Cai. Dự kiến, công trình được khởi công năm 2006 và đến 2008 thì hoàn thành với tốc độ tối đa là 120 km/h đối với tàu khách, 80 km/h với tàu hàng.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, năm 2006 ngành đường sắt sẽ được tiếp nhận khoản vay trị giá 60 triệu USD của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Cơ quan phát triển kinh tế Pháp cũng đồng ý cho vay 45 triệu euro hỗ trợ kỹ thuật.
Khoản tiền này cũng chỉ có tác dụng duy trì khai thác tuyến đến năm 2020. Sau đó sẽ phải khởi động một dự án mới làm tuyến đường đôi khổ rộng (1.435m), đi theo tuyến hiện có, đến địa phận Văn Phú (Yên Bái) rẽ sang bờ bắc sông Hồng và tiếp giáp với Trung Quốc ở một địa điểm khác.
Xét về hiệu quả khai thác, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai là một trong hai tuyến trọng điểm của ngành đường sắt, sản lượng doanh thu chỉ đứng thứ hai sau tuyến Thống Nhất. Đặc biệt, đây là đoạn quan trọng tiếp nối với tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Cái Lân nằm trong hành lang Đông - Tây vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất công nghiệp và hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Trên tuyến đường sắt này còn có tàu du lịch đưa khách lên vùng du lịch trọng điểm Sa Pa. Trong tương lai, đây cũng là đoạn nối tiếp của tuyến đường sắt xuyên Á để phát triển kinh tế cả châu lục.
Thế mà, bài toán phát huy thế mạnh của tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tuy đã tìm được lời giải về vốn, nhưng vẫn còn loanh quanh với "đáp số" về tiền.
Thụy Du
▪ Thước đo chất lượng chính quyền cơ sở (12/08/2005)
▪ Gặp lao động Việt Nam ở Malaysia (15/08/2005)
▪ Báo động nạn vàng mã (15/08/2005)
▪ Những tiếng nói tâm huyết với nghề, với hội (15/08/2005)
▪ Phụng sự nhân dân (15/08/2005)
▪ Nữ thợ hồ (15/08/2005)
▪ Lấy ý kiến xây dựng luật vẫn nặng về hình thức (15/08/2005)
▪ Sẽ bán vé tàu qua mạng Internet (15/08/2005)
▪ Ông Nguyễn Công Tạn từng đến trang trại Sơn Thủy trồng cây (15/08/2005)
▪ Hà Nội: Giá thuê văn phòng sẽ tăng khoảng 10- 15% (13/08/2005)