- Năm 2006 tiếp tục giữ tốc độ tăng thu cao, dự toán thu 233.500 tỷ đồng (tăng hơn 10,66% so với 211.000 tỷ ước đạt năm nay).
Trong đó mức thu từ khu vực đầu tư nước ngoài khoảng 39% tổng thu, ngoài quốc doanh khoảng 23%; doanh nghiệp quốc doanh khoảng 12%; giá dầu sẽ cố gắng bám sát giá thế giới để làm sao bán được với giá cao, công trái sẽ phát hành với mức cao gấp đôi so với năm nay để tiếp tục tăng chi cho các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm... Nhưng số thu từ đất đai có thể giảm do thị trường trầm lắng...
* Vì sao lại quyết định phát hành công trái với mức huy động gấp đôi năm nay, thưa Bộ trưởng?
- Vì Chính phủ thấy rằng nhu cầu đầu tư cho hai lĩnh vực này còn rất lớn. Thứ đến, các công trình đã đầu tư đang đem lại hiệu quả tốt.
* Với dự toán thu như trên, dự toán chi ngân sách năm 2006 có gì mới?
- Công tác chi sẽ tập trung nhiều hơn cho an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo. Cụ thể: chi chính sách cho người nghèo cao lên (đối tượng được hưởng sẽ đông hơn do mở rộng diện chi theo chuẩn nghèo mới).
Điểm nổi bật trong việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2005 là tất cả các tỉnh, thành phố đều tăng thu. Nhiều tỉnh, thành có số thu vượt lên nhanh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh vượt lên trên 3.000 tỷ, Bình Dương vào nhóm 5.000 tỷ... Đến nay đã có 29 tỉnh, thành có mức thu trên 1.000 tỷ.
|
Năm sau cũng sẽ tăng mức chi đầu tư phát triển, chính sách xã hội cho các tỉnh Tây nguyên, Tây Bắc, đồng bằng Nam bộ... Các tỉnh nghèo được tăng chi cao do ngân sách trung ương đưa về, việc này sẽ kích thích tăng thu tại các tỉnh này trong tương lai bởi chỉ dựa vào nội lực thì mức thu tại các tỉnh tăng rất thấp.
Bên cạnh đó sẽ tăng chi cho giáo dục lên mức 19% tổng chi ngân sách nhà nước, tức vào khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng; tăng chi cho y tế lên khoảng 24-25% so với mức chi năm nay để nâng cấp hệ thống y tế cấp huyện, với mục đích giảm sức ép cho tuyến trung ương và cấp tỉnh, đồng thời đỡ đầu cho y tế cấp xã; chi cho văn hóa cũng tăng lên để tập trung vào việc tôn tạo, tu bổ các di tích. Như thế giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, thủy lợi sẽ tăng mạnh trong năm 2006.
* Chi cho các vấn đề xã hội tăng như thế thì việc đầu tư phát triển được tính toán thế nào để bảo đảm tốc độ tăng trưởng?
- Năm 2005 tốc độ tăng trưởng GDP dự báo vào khoảng 8,2-8,3%. Có nghĩa là chúng ta sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm năm qua xấp xỉ 7,5%/năm. Năm 2006 tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tính toán vào khoảng 8,5%. Như thế, tăng chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách cũng phải cao nhưng số chi này sẽ chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Muốn bảo đảm mức chi cho đầu tư phát triển sẽ phải tăng thêm các nguồn từ phát hành công trái, vốn vay ngân hàng, giải ngân vốn ODA, huy động từ các doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp, vay vốn nước ngoài... để mức chi cho đầu tư phát triển đạt khoảng 38-39% tổng chi ngân sách nhà nước.
* Việc chi thực hiện cải cách tiền lương sẽ được tính toán thế nào trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
- Riêng năm 2005 sẽ chi thêm 3.600 tỷ đồng, còn năm 2006 là 20.000 tỷ đồng, nguồn thì đã lo đủ rồi. Cũng cần nói thêm là lần tăng lương này sẽ không bị chậm, lần trước bị chậm là do tháng mười hai mới ban hành các nghị định, còn lần này ngay từ tháng mười Thủ tướng đã ký các nghị định về điều chỉnh tiền lương.
Tăng chi phải thấy hiệu quả Tại hội nghị đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách thảo luận về dự toán ngân sách năm 2006, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: “Trong dự toán chi ngân sách năm 2006, việc bố trí tăng chi phải tập trung vào các đối tượng gắn với đầu tư phát triển chứ không phải tăng chi gắn với bộ máy nhà nước”. “Tăng chi là cần thiết, nhưng những lĩnh vực được tăng chi cũng phải cho thấy chương trình của mình ra sao, mục tiêu của tăng chi là gì, có như vậy thì QH cân nhắc, quyết định mới sát được, nếu không thì quyết định của QH chỉ là cảm tính” - phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân đề nghị. Đề cập tới tiết kiệm chi, đại biểu Trần Công Kích (Ninh Bình) cho rằng cần phải xem xét lại phần chi cho các hoạt động lễ hội, kỷ niệm ngày truyền thống, đón huân chương… “Phải siết chặt ngay từ chủ trương, vì cấp trên phải có chủ trương thì các địa phương mới dám làm” - đại biểu Kích nhấn mạnh.
|
(Tuổi trẻ)
|