Chuyện Ma Bay vươn lên làm giàu
Các Website khác - 28/09/2005
Buôn Ly xã Ea Trol là một trong những buôn giàu nhất huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên). Còn hỏi ai giàu nhất buôn thì mọi người đều chỉ Ma Bay.

Quả thật người đàn ông dân tộc Ê Ðê 41 tuổi này đang có một cơ ngơi mà nhiều người ước mơ: một ngôi nhà xây cùng hai nhà sàn rộng gần 300 m2 với nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền. Anh còn là chủ nhân của một trang trại rộng 100 ha với đàn bò gần 200 con, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, thuở nhỏ phải đi chăn bò, lớn lên lập gia đình, Ma Bay chỉ có cái cuốc, cái rựa đi làm lúa rẫy, bắp khoai chỉ đủ sống qua mùa. Ðến năm 1990, nhờ có chính sách của Ðảng và Nhà nước về ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp miền núi, gia đình Ma Bay được nhận 1,5 ha lúa nước sản xuất hai vụ. Bản tính cần cù chịu khó lại biết làm theo lời cán bộ khuyến nông nên ruộng lúa của Ma Bay vụ nào cũng cho năng suất cao. Phấn khởi vì đã no cái bụng, Ma Bay dành dụm tiền bán lương thực, nông sản dư thừa hằng năm đầu tư vào nuôi bò sinh sản.

Kinh nghiệm chăn nuôi thuở nhỏ đã giúp Ma Bay rất nhiều. Bò của anh luôn được ăn no, tắm mát, ngủ ngon trong chuồng trại sạch sẽ nên con nào cũng khỏe, lớn nhanh, đẻ đều, cứ thế tăng dần lên hằng tháng, hằng năm. Từ chỗ chỉ vài ba con, sau năm năm, anh đã có hơn 30 con bò. Ðàn bò ngày càng nhiều mà chuồng trại nuôi nhốt gần nhà quá chật chội, nên anh nảy ra ý tưởng phải có nơi ở rộng rãi thích hợp cho đàn bò phát triển.

Qua nhiều ngày lội rừng tìm kiếm, Ma Bay phát hiện khu vực dưới chân núi Hòn Ðen có đồng cỏ tự nhiên rộng rãi và còn có cả suối nước mát rất thuận tiện cho việc chăn nuôi bò đàn quy mô lớn. Anh xin phép chính quyền lập trang trại trên diện tích 100 ha. Ðưa đàn bò lên trang trại, Ma Bay lại ra sức đắp bờ dẫn nước, cải tạo đất đai đưa vào sản xuất 2 ha ruộng lúa, diện tích còn lại trồng cỏ nuôi bò, nuôi dê. Quãng năm 2000, trang trại của Ma Bay đã có hơn 150 con bò và vài chục con dê. Lúc này phong trào nuôi bò lai phát triển, Ma Bay liền bán bớt số bò lớn, mỗi năm từ 15 đến 20 con, mua lại bò đực giống lai sind nhằm cải tạo đàn bò có giá trị kinh tế cao hơn. Ðến nay, Ma Bay có đàn bò xấp xỉ 200 con, trong đó có 50% là bò lai sind.

Vài năm gần đây, từ nguồn thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, Ma Bay đã sửa sang lại nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt cải thiện đời sống gia đình, đồng thời mua được máy cày đại có rơ-mooc kéo, máy tuốt lúa và máy xay gạo. Với máy móc đó, công việc sản xuất của Ma Bay càng có hiệu quả hơn. Mỗi sáng sớm, anh lái máy cày lên trang trại chăm sóc đàn bò hoặc đi làm đất cho những ai có nhu cầu, còn vợ con ở nhà xay lúa gạo cho bà con dân làng.

Ði lên từ nghèo khó, nay "ăn nên làm ra", Ma Bay không quên giúp đỡ những người còn khó khăn. Ðối với bà con trong buôn, Ma Bay sẵn sàng cho mượn bò cày kéo để sản xuất; tuốt lúa, xay gạo đến cuối vụ thu hoạch mới trả nợ. Anh còn giúp cho 10 hộ nghèo chưa có bò mượn bò giống và hướng dẫn họ cách làm ăn, đến khi bò sinh sản thì trả lại con giống hoặc cùng chia lợi. Nhờ đó mà số hộ này cũng đã có được vài ba con bò và phong trào nuôi bò ở buôn Ly phát triển mạnh nhất trong huyện, đạt bình quân 8 con/hộ. Nhiều người học cách lập trang trại như Ma Bay mà cũng có đàn bò từ 50 con đến 100 con như Ma Lé, Thái Văn Hùng...

Ma Bay tâm sự: "Từ một người chăn bò thuê, nhờ nghe theo Ðảng, Bác Hồ mà gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, trở thành khá giả. Tôi xin cảm ơn và mong muốn Ðảng, Chính phủ, các đoàn thể quan tâm hơn nữa giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, để cuộc sống của người dân tộc thiểu số ấm no hạnh phúc hơn theo ý Ðảng và Bác Hồ".

NGUYÊN TRƯỜNG