Khi biết ông Huỳnh Thái Dương, chủ cơ sở cơ khí nông nghiệp Minh Thành ở xã Hàm Ðức, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) có ý định cải tiến máy tuốt lúa thành máy bóc bẹ (vỏ), tẽ (tách) hạt ngô, nhiều người cho là chuyện viển vông. Thế rồi, chiếc máy này đã thành hiện thực, ngoài sự tưởng tượng của bà con nông dân, và "chuyện viển vông" của người nông dân - thợ cơ khí mới học hết lớp 9/12 này chưa dừng ở đó...
Câu chuyện kể trên diễn ra hồi năm 1998. Ðã gần tám năm, nhưng nhiều bà con nông dân ở xã Hồng Liêm vẫn còn nhớ như in ngày ông Huỳnh Thái Dương cho chạy thử máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô được cải tiến từ máy tuốt lúa. Từ một đống bắp ngô to tướng còn nguyên bẹ, trong chốc lát đã được máy tách sạch thành một đống hạt. Lúc ấy, nhiều lão nông đã đến ôm chầm lấy ông, không ngớt lời thán phục. Cũng từ đó, tên tuổi và sản phẩm của ông Huỳnh Thái Dương và cơ sở Minh Thành được nhiều vùng trong nước biết đến.
Năm nay đã bước vào tuổi 61, quê gốc ở tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Thái Dương ra Bình Thuận lập nghiệp từ năm 1989. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí, khi đến Bình Thuận, ông Dương tiếp tục mở cơ sở chuyên lắp ráp, sửa chữa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ý tưởng chế tạo máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô đến với ông cũng rất tình cờ. Khoảng tám, chín năm trước, ông Dương đến thăm một gia đình khách hàng ở huyện Tánh Linh đúng vào dịp bà con đang thu hoạch ngô. Nhìn thấy bà con sau khi bẻ ngô về, phải dùng tay bóc vỏ lẩy hạt, vừa cực nhọc, đau tay, tốn nhiều công lại mất thời gian, một ý nghĩ chợt lóe lên trong ông: Máy móc đã giúp nông dân tuốt được lúa, vậy có thể giúp bà con bóc tách hạt từ bắp ngô mới thu hoạch còn nguyên cả bẹ không?
Liên tưởng đến các chi tiết của máy tuốt lúa, bộ phận trục, lưới chắn, răng đập... ông Dương bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm. Ông đã dành nhiều thời gian bên cỗ máy, loay hoay chỉnh sửa chi tiết này, thay đổi bộ phận kia, thay thế vật liệu nọ. Sau năm, sáu lần làm đi, làm lại nhưng vẫn thất bại, số vốn của gia đình dành cho việc mày mò nghiên cứu này cũng mòn dần. Ông Dương đã bán chiếc xe máy duy nhất của gia đình để tiếp tục dồn vốn nghiên cứu làm thử.
Ðến lần thứ bảy, chiếc máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô cải tiến từ máy tuốt lúa do ông Huỳnh Thái Dương nghiên cứu, lắp ráp cơ bản đã hoạt động và một năm sau, hoàn thiện chiếc máy đầu tiên. Máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô đã giúp nông dân giảm sức lao động rất nhiều trong khâu sau thu hoạch. Máy tẽ được từ 4 đến 5 tấn hạt/giờ, thất thoát rất thấp, chỉ dưới 3 kg/tấn hạt ngô và mức tiêu hao nhiên liệu chỉ là một lít dầu/3 tấn hạt ngô. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Bình Thuận: Trong một ngày hoạt động, chiếc máy này thực hiện khối lượng công việc tương đương với một nghìn công lao động thủ công.
Từ năm 1998 đến nay, cơ sở Minh Thành của ông Huỳnh Thái Dương đã chuyển giao 500 máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh Bình Thuận, tiếp tục nhận tiền "đặt cọc" mua máy của nhiều nông hộ khác. Vài năm gần đây, doanh thu hằng năm của cơ sở Minh Thành từ 1,6 đến 2,2 tỷ đồng; lợi nhuận từ 150 đến 250 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức lương bình quân mỗi tháng của một người khoảng 1,2 triệu đồng.
Với kết quả này, ông Huỳnh Thái Dương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; nhiều bộ, ngành T.Ư, tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận thành tích, trao kỷ niệm chương và nhiều danh hiệu khác cho ông. Sản phẩm này cũng đã đạt Huy chương Vàng chất lượng tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2004 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; đoạt cúp vàng tại Hội chợ triển lãm Festival Tây Nguyên năm 2005.
Từ thành công của máy bóc bẹ, tẽ hạt ngô, ông Dương lại nghĩ đến "chuyện viển vông" khác là chế tạo máy bứt củ lạc và cũng đã thành công vào đầu năm nay. Qua chạy thử nghiệm, chiếc máy này đã bứt sạch củ lạc ra khỏi gốc khi bỏ nguyên cả bụi lạc mới nhổ vào máy. Thời gian máy bứt hết củ lạc của một ha khoảng từ hai đến hai giờ rưỡi, tương đương với 80 công lao động bứt bằng tay và tỷ lệ thất thoát dưới 1%. Ðến thời điểm này, ông Dương đã chuyển giao cho nông dân hai máy, nhiều đơn đặt hàng từ Long An, Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cũng đã tới tấp đến với cơ sở Minh Thành. Ông Dương cũng cho biết thêm: Sắp tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến, chế tạo thêm các máy phục vụ sau thu hoạch các loại nông sản, trước hết là máy lấy hạt dưa, một loại cây trồng phổ biến ở vùng cát Bình Thuận.
Việc ông Huỳnh Thái Dương và những "Hai Lúa" khác sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ thiết thực cho bà con nông dân, giờ không còn là chuyện hiếm. Sự say mê sáng tạo và hiệu quả thiết thực của những sáng chế này cần được nhân rộng nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
|