Ông Nguyễn Văn Nguyên, 52 tuổi, ở xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) nhớ lại một thời lầm lỗi với vẻ bình tĩnh xen lẫn chút xót xa.
Những ngày tháng trong tù dài lê thê, nhiều đêm thức trắng, nhớ về một thời gian khổ mà vinh quang, ông cảm thấy ân hận, hối tiếc, và xác định quyết làm lại cuộc đời.
Ðúng ngày Quốc khánh 2-9-1998, do cải tạo tốt, ông được Nhà nước khoan hồng, cho ra trại trước thời hạn 18 tháng. Bước chân ra khỏi trại giam, một phần vui vì đã được ra tù, nhưng lớn hơn vẫn là nỗi buồn vì vợ chồng ly tán, con cái mỗi người một nơi, không nhà, không cửa. Thấy cảnh éo le của ông, gia đình bên vợ đã họp bàn và quyết định chia cho quả đồi để sinh cơ lập nghiệp.
Với số vốn ban đầu 1,8 triệu đồng, ông Nguyên sống một thân một mình trong căn lều 8 m2 lợp lá cọ giữa rừng lau cỏ ngập lút đầu người. Nghề nông ông chưa hề biết. Cuộc sống ở rừng quá vất vả nên nhiều khi ông hoang mang, dao động, định bỏ cuộc.
May thay, năm 1999-2000, Ðảng và Nhà nước có chủ trương trồng cây gây rừng, hỗ trợ nông dân xóa đói giảm nghèo. Gia đình ông đã tự nguyện nhận trồng 7 ha thông theo Dự án PAM 5322 và được hỗ trợ mỗi ha 500 kg gạo. Từ đó, có gạo để ăn, có cây để trồng, vợ chồng hăng hái tham gia sản xuất. Ðể tăng gia được tốt, ông đã mạnh dạn tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của nhiều người, đồng thời trực tiếp hỏi ý kiến cán bộ kỹ thuật của Hội Nông dân thị xã, tìm tài liệu về kỹ thuật nuôi trồng và chăm sóc cây con để nghiên cứu, nhằm nâng cao sự hiểu biết, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.
Do chăm chỉ lao động, gia đình ông Nguyên trồng được nhiều cây ngắn ngày như khoai lang, sắn, chuối, đu đủ... để bán, gom góp được số vốn nhỏ nhoi. Muốn đi xa hơn, ông mạnh dạn xuống Chí Linh (Hải Dương) tham quan và mua giống cây vải về trồng. Ông cải tạo, quy hoạch khu đất của mình thành lô để trồng cây lâu năm. Ðể chống xói mòn, hai vợ chồng ngày ngày cuốc đất tạo băng. Mỗi băng rộng từ 1,6 - 2 m. Sau 3 năm lao động miệt mài, vợ chồng ông đã đào được số băng trên diện tích 3 ha, nếu tính chiều dài dải băng cộng lại phải hàng chục km.
Trên các dải băng đã đào, ông trồng vải, chanh, hồng... Tận dụng bờ khe, đất dốc, trồng mít, trám, tre, vầu, nứa, trúc... và các loại cây ăn quả khác.
Ðể chủ động nguồn nước tưới, gia đình ông đào mương, mua ống nhựa dẫn nước cách xa gần 1 km về nhà, đồng thời đào ao thả cá sau lưng đồi, giữa vườn cây, tích nước để tưới mùa khô. Tận dụng nguồn nước sẵn có, gia đình đã đặt máy phát điện nhỏ để đêm đêm giữa rừng hoang, trong căn nhà bé nhỏ vợ chồng, con cái vui vầy bên chiếc ti-vi với ánh điện sáng lung linh, nghe tiếng nói của Ðảng và Chính phủ mà cảm thấy ấm lòng.
Phải nói thêm rằng, năm 2000, trong Dự án PAM 5322, Ðảng và Nhà nước đã đầu tư một con đường nhỏ dài 2 km, với vốn đầu tư là 13 tấn gạo. Ông Nguyên xin nhận thi công con đường ấy. Sau ba tháng có máy móc hỗ trợ, con đường đã hoàn thành. Tận dụng con đường mới mở, vợ chồng ông vay mượn được ít tiền để mua gạch, xi-măng để xây dựng nhà ở ngay tại vườn. Ông Nguyên xúc động: "Ngày đầu tiên bước vào căn nhà mới, vợ chồng tôi đã khóc, vì từ đây gia đình tôi đã có thể bắt đầu cuộc sống mới".
Năm 2003-2004, gia đình ông Nguyên được xã Duyệt Trung quan tâm, Ngân hàng Nhà nước đã cho vay 10 triệu đồng, mua được 4 con bò sinh sản về nuôi. Ðược chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật, nên bò mẹ đẻ bò con. Ðến năm 2005, đã có 15 con bò. Nhờ có đàn bò, ông đã trang trải hết nợ nần, và trả được một phần tiền vay của Ngân hàng trước kỳ hạn. Doanh thu năm 2004 đạt hơn 20 triệu đồng. Năm 2005, dự tính hơn 30 triệu.
Ông Nguyễn Văn Nguyên nay đã trở thành một nông dân thực thụ, hăng hái lao động sản xuất, làm ra của cải cho gia đình và xã hội, được xã Duyệt Trung công nhận là gia đình văn hóa. Ngoài ra, còn hỗ trợ bà con chung quanh (nhất là đồng bào Mông, Dao) các loại cây con giống và hướng dẫn cách nuôi trồng, cải thiện đời sống gia đình. Năm 2004, ông là ủy viên Ủy ban MTTQ xã Duyệt Trung và là ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2004-2009.
Theo lời ông Nguyên thì "cái được lớn nhất đối với tôi là đã trở về với cuộc sống bình dị, vất vả khó khăn nhưng thật là thanh thản. Ðược xã hội tin cậy, bà con bạn bè quý mến; con cái tự tin, cố gắng học hành, gia đình đầm ấm hạnh phúc. Sau lần vấp ngã, tôi đã đứng dậy được, làm lại cuộc đời".
|