Cuộc đọ sức kiên cường với bão
Các Website khác - 28/09/2005
Tối 26-9, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã về Nam Ðịnh chỉ đạo việc phòng, chống bão số 7. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đã đến những nơi có đê biển xung yếu như thị trấn Thịnh Long, xã Hải Hòa (Hải Hậu) chỉ đạo việc di  dời  dân  đến  nơi an toàn và chống bão.
Bão số 7 đổ bộ vào đúng lúc triều cường. Dù đã chuẩn bị kỹ về lực lượng, phương tiện, nhưng sức gió mạnh cộng với triều cường đã làm vỡ, sạt lở nhiều đoạn đê, cống. Một phần của ba xã Giao Nhân, Giao Hải, Giao Long bị ngập nặng. Bí thư Ðảng ủy xã Bạch Long Nguyễn Trường Thọ cho biết: Lúc 8 giờ, sóng biển bắt đầu tràn qua đê, gây xói lở từ phía trong. Ðến 11 giờ, tuyến đê biển bắt đầu sạt lở, lực lượng xung kích nỗ lực ứng cứu, nhưng gió lớn quá, phải quay về.

Năm giờ chiều ngày 27-9, mưa đã ngớt, những đợt sóng lớn vẫn phầm phập lao vào bờ. Tại đoạn đê cống Thanh Niên, cả một vùng rộng lớn ngập trắng băng; nước biển mấp mé trần vài ngôi nhà bê-tông. Trên đê, các lực lượng dân quân tự vệ, công an, biên phòng, đoàn thanh niên đã di chuyển đến những nơi đê xung yếu khác, chỉ còn hai đại đội với hơn 200 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) đang gia cố những đoạn đê sạt lở. Trung úy Nguyễn Công Tuấn, chỉ huy Trung đội 4, Ðại đội 10 cho biết: "Ðơn vị đang diễn tập ở Hải Phòng thì được lệnh điều động vào đây từ sáng ngày 26. Ngoài việc tập trung di chuyển bà con đến nơi an toàn, đơn vị tham gia thả rọ đá, rồng đá, hàn vá đê. Ðến nay, sức gió đã bớt, áp lực của sóng biển lên đê đã giảm, trong những ngày tới, đơn vị sẽ trụ lại đây 7-10 ngày giúp địa phương khắc phục hậu quả".

Lẫn trong nhiều người dân đang tranh thủ thu nhặt những ống tre, luồng dạt vào bờ, các anh Nguyễn Văn Long và Lại Văn Ðề ở xóm Nam Hải, xã Bạch Long cho biết, vợ con các anh đã được di chuyển an toàn đến xã Giao Yến, các anh ra đây góp sức để hộ đê. Mặc dù vỡ và sạt lở nhiều tuyến đê, nhưng thiệt hại tài sản đã được hạn chế xuống mức thấp. Khi chúng tôi đến, những người dân đi tránh bão đã dần trở về. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Giao Thủy đang họp bàn, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão lụt, ổn định đời sống nhân dân.

Xã Hải Hòa - xã thuần nông, 70% số dân ở đây là giáo dân. Buổi chiều ngày 27-9, chúng tôi được biết, nhiều ngày qua hơn 2.000 hộ của xã đã huy động hàng vạn ngày công nhằm bảo vệ ba km đê biển. Cơn bão số 7 về, triều cường đã san phẳng hai khúc đê Táo Khoai và Cồn Tròn, với tổng chiều dài hơn 1.000 m. Ðê vỡ, dòng nước xoáy xiết ngầu đỏ đã làm ngập hơn 1.300 hộ ở tám thôn của xã. Nhà thờ họ Xuân Hòa; nhà thờ Xuân Thịnh, khu vực trụ sở UBND là nơi bà con dồn về tránh lũ đông hơn cả.

Cụ Trần Hoàng cho biết: 81 ha ruộng muối, gần 100 ha đầm tôm bị "xóa sổ", hàng vạn cây cảnh, là cây hàng hóa của bà con cũng bị ngâm trong dòng nước mặn. Các hộ như ông Tiến, ông Sơn, ông Canh, bà Hòa, thiệt hại đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng vốn. Ðê vỡ, lũ dâng cao chỉ với một xã Hải Hòa, cùng bà con chúng tôi nhẩm tính được gần 1.500 hộ phải sơ tán, lo ăn từng ngày, cả trăm hộ mất hết tài sản.

Sáng 27-9, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã về kiểm tra việc sơ tán dân ở thị xã Ðồ Sơn (Hải Phòng), đến Trường tiểu học Ngọc Xuyên - nơi tập kết người dân xã Bàng La, thăm hỏi, động viên nhân dân khắc phục khó khăn, bình tĩnh trước những diễn biến bất thường của bão số 7. Ở trường Ngọc Xuyên, có gần 1.000 người già, phụ nữ và trẻ em đang tránh bão.

Ông Nguyễn Quang Nhỉnh, 88 tuổi ở thôn Ðồng Tiến, xã Bàng La xúc động nói: "Qua bão lớn, chúng tôi càng cảm động khi thấy chính quyền chăm lo cho dân từng miếng ăn, manh áo". Chị Phạm Thị Nguyệt, ở thôn Quyết Tiến, xã Bàng La cho biết: "Chiều qua, gia đình tôi được lực lượng dân quân hướng dẫn cặn kẽ, tạo phương tiện di dời đến nơi an toàn. Các cháu nhỏ cũng được chăm lo về lương thực, nước uống, thuốc men bảo đảm sức khoẻ". Trước khi bão đổ bộ, trời trở nên lặng gió và mưa cũng nhỏ, nhiều người sốt ruột tưởng bão không gây ảnh hưởng gì nên có ý muốn trở về nhà.

Chính quyền thị xã Ðồ Sơn đã thông báo cho nhân dân bình tĩnh tránh bão, đề phòng nước triều dâng cao khi bão đổ bộ. Người dân trước khi đi sơ tán đã kịp xếp các bao cát, xây chắn cửa ra vào, nhằm hạn chế sóng và nước mặn xâm nhập. Tại khu 1 Ðồ Sơn, lúc 11 giờ 30 phút, nước đã dâng cao tràn qua mặt đường tới hơn nửa mét, từng cột sóng vượt qua nóc nhà hai tầng đã làm đường vào khu du lịch hư hỏng nặng. Trên tuyến đê biển I, lúc 8 giờ 30 phút, sóng lớn cộng triều dâng đã gây ra sạt kè, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 50 và lực lượng dân quân cố căng bạt chắn sóng tránh xô sạt.

Các ông Nguyễn Văn Xuyên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Ðồ Sơn và Ðào Quang Thức, Ðồn trưởng Ðồn biên phòng 38 cho biết: Lực lượng quân đội có mặt tại thị xã hiện có hơn 600 người, đã được tăng cường thêm lực lượng quân đội của Trung đoàn 50 (Bộ CHQS Hải Phòng), Trung đoàn 2 (Sư đoàn 365). Toàn bộ lực lượng đã tham gia di chuyển dân đến các khách sạn, nhà nghỉ cao tầng. Ðến 8 giờ sáng 27-9, 130 cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 9 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động đông bắc thủ đô đã huy động 11 lượt xe ô - tô, hoàn thành việc vận chuyển hơn 400 người dân ở xã Bàng La và các xã ven biển của thị xã Ðồ Sơn đến nơi an toàn. Tiểu đoàn mang theo chín ô-tô, một xuồng máy, lương thực đủ trong năm ngày, sẵn sàng túc trực trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND thị xã Ðồ Sơn Lê Khắc Nam thông báo: Trước 8 giờ sáng, hơn 300 tàu, thuyền đã được neo đậu và chằng chống; toàn bộ các hộ dân ở vùng trũng thấp, ven biển đã được sơ tán đến vị trí cao, an toàn. Lương thực, thuốc men cũng đã được dự trữ, cấp phát tại các nơi tập trung đông người sơ tán. Ðến 17 giờ, gió đã giảm nhiều, triều cường đã rút, hệ thống đê biển được giữ an toàn. Cuộc đọ sức với bão đã thắng lợi vượt dự kiến.

Năm xã Ða Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Thái Lộc, Hòa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) là quãng đê xung yếu. Ðường vào Hậu Lộc lúc 8 giờ 30 phút ngày 27-9 la liệt cột điện đổ gục trong nước. Có những đoạn cả 10 cột điện đổ rạp. Lúa đổ. Cột điện đổ. Cây đổ. Những chiếc xe máy đi xiêu vẹo chống đỡ gió giật, thổi ào ạt. Ngược chiều với những chuyến xe biển quân đội, xe cứu thương, xe công an là những người dân trong áo mưa mỏng manh, tay xách, nách mang bồng bế trẻ em đi sơ tán.

Tại chốt Minh Lộc, cán bộ huyện, công an, bộ đội cương quyết ngăn chặn người dân đã đi sơ tán lại quay trở lại vùng tâm bão vì ảo tưởng bão đã ngớt. Tại bờ kè Minh Lộc, tuyến vững nhất của tuyến kè Hậu Lộc, từng đợt sóng biển đục ngầu đánh ào ạt qua kè, trùm lên những nóc nhà nằm ngang lưng sóng. Những người dân được phân công trụ lại mặt tái nhợt, nước mưa ròng ròng trên mặt đầy lo lắng về khả năng vỡ đê. Anh Ðồng Thuần, người dân Minh Lộc nói: "Nếu đây vỡ thì Minh Lộc và cả huyện Hậu Lộc hỏng hết". Anh nói: "Chúng tôi đã sơ tán hết rồi, ra đây để kiểm tra tình hình kè".

Tại nhà anh Nguyễn Văn Thanh, Bùi Thị Quyên ở xã Minh Lộc, chị Quyên cho biết, gia đình chị có 12 khẩu đã đi sơ tán hết chỉ còn lại hai vợ chồng. Một cán bộ dân quân tự vệ hét lên: "Chị không đi ngay đi. Chỉ để lại chồng ở nhà thôi. Phụ nữ và trẻ em không ai được ở lại". Nhưng có vẻ những con bò trong chuồng, lợn đang chờ ăn và bếp lửa nồi cơm đang xôi vẫn níu kéo chân người phụ nữ.

Yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng người dân và nỗi lo tài sản bị mất đã làm cho công tác sơ tán dân tại nhiều xã của Hậu Lộc gặp khó khăn. Tại trụ sở UBND xã Minh Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi đã ra lệnh cho các lực lượng phải cương quyết động viên, hối thúc và thậm chí cưỡng chế người dân, đặc biệt là phụ nữ, người già và trẻ em, nhanh chóng di dời. "Lấy loa mà gọi. Bật còi xe cảnh sát lên. Phải làm cho người dân di dời càng sớm càng tốt. Tính mạng con người quý hơn tất cả". Tiếng một người rất rõ trong mưa gió ào ào. Trong mưa, chúng tôi thấy hai người mặc áo mưa và phao cứu sinh áp tải một trung niên mặt đã bợt. "Hắn uống rượu say. Còn ra biển. Không bắt vào, chết ra đấy ai đền".

10 giờ sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi chính thức yêu cầu nhân dân không quay về nhà cũ để tránh rủi ro khi nước tiếp tục ngầu bọt đánh ào ào qua những đoạn kè mong manh. Một lát sau, lệnh phong tỏa khu vực đã được ban bố. Tại trụ sở huyện Hậu Lộc, 11 giờ kém 15 phút, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Lợi điện thoại về tỉnh yêu cầu cấp ngay 10 nghìn gói mì tôm cho Hậu Lộc "Làm sao cho mỗi người được cơ số 2-3 gói". Trước mắt, đưa ngay vào sáu điểm tập trung sơ tán của dân tại các trường học, trụ sở cơ quan. 11 giờ 30 phút đi Hoằng Hóa. Người ta nói đây cũng là điểm nóng. Nước biển đang rình rập năm xã Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Thanh, Hoằng Phú, Hoằng Trường. Ðến 19 giờ ngày 27-9, tỉnh khẳng định không có người chết nào. Nhưng còn những người dân đang tranh thủ bắt cá trên đoạn đê vỡ ở thôn Ðông Xuân Vi, xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa lại làm người ta lo lắng...

Tại Ban Chỉ huy PCLB huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nơi được coi là địa bàn xung yếu và chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 6 vừa qua, các cán bộ ban, ngành đang túc trực điều hành 24/24 giờ thu thập những thông tin từ 14 xã ven biển gửi về. Rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với cơn bão trước, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành ở tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu những ngày qua đã đôn đốc, chuẩn bị tất cả các lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống cơn bão số 7. Trong các ngày 25, 26-9, công tác di dân được đặt lên hàng đầu, hàng nghìn hộ vùng bãi ngang và vùng bãi dọc như Quỳnh Thuật, Quỳnh Phương, Sơn Hải, Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Hưng, Quỳnh Diễn... được di chuyển đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Phạm Văn Tấn cho biết, huyện đã hợp đồng với các công ty đóng trên địa bàn chuẩn bị phương tiện ứng cứu cho các xã có đê, đập xung yếu. Công tác gia cố đê, đập được nhiều xã triển khai sớm, như xã Ngọc Sơn, trong hai ngày 25 và 26-9, cán bộ và nhân dân đã gia cố đập Khe Ngang 500 m; tại xã Quỳnh Lộc huy động 600 lao động địa phương tham gia đắp những đoạn đê xung yếu, chuẩn bị 2.000 bao tải, cọc cho việc ứng cứu kịp thời nếu có sự cố do bão số 7 gây ra. Lực lượng quân đội được tăng cường tuyến xã. Ðến 2 giờ sáng ngày 27-9, các lực lượng tăng cường đã hoàn thành công việc di dời gần 2.000 hộ đến nơi ở mới an toàn, sống xen ghép với những gia đình trong vùng lân cận.

Xã Quỳnh Thọ là một trong những địa bàn xung yếu của huyện, ngay trong đêm 26-9, rạng sáng ngày 27-9 đã đưa hơn một nghìn người già, trẻ em các thôn, xóm sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chủ tịch UBND xã Trần Huy Bá cho biết: "Trong cơn bão số 6 vừa qua, đê sông và biển của xã bị sạt lở, nước mặn ngập vườn. Nay lại gặp cơn bão số 7, song chúng tôi nhất định vượt qua thử thách này". Ông Trần Huy Bá cho biết thêm, xã thành lập sáu đội ứng cứu, phân công tuần tra, trực từng mét đê, quyết tâm không để xảy ra sự cố nguy hiểm. Ðến 15 giờ, bão ngớt, nước triều rút. Thiên tai lúc căng thẳng nhất đã qua, Nghệ An lại bắt tay vào công việc mới, khắc phục hậu quả thiên tai.

TỔ PHÓNG VIÊN CƠ ÐỘNG BÁO NHÂN DÂN