“Chúng tôi lớn lên nhờ cơm Bác Mao, trưởng thành nhờ cơm Bác Hồ”
Các Website khác - 17/11/2008

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Hồ Càn Văn đến chào từ biệt. (Ảnh website Chinhphu)

Kính chào Đại sứ Hồ Càn Văn, trước hết xin chúc mừng Đại sứ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác của mình tại Việt Nam.

 

Xin cám ơn đồng chí đã chúc mừng tôi hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Mặc dù tôi rất lưu luyến đất nước Việt Nam tươi đẹp nhưng đây cũng là quy định của Đảng và Chính phủ, đến thời hạn thì cũng phải về. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi còn có nhiều dịp để sang thăm các đồng chí.

 

Xin Đại sứ cho biết các bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt-Trung thời gian qua?

 

Gần 3 năm qua kể từ khi tôi đến công tác tại Việt Nam, quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước chúng ta có những bước tiến rất lớn. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên đi lại với nhau. Trên cương vị Đại sứ, tôi đã vinh dự nhiều lần được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã hai lần sang thăm chính thức Trung Quốc, lần thứ nhất vào tháng 8/2006 sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ 10 và lần thứ 2 diễn ra tháng 5/2008 vừa qua.

 

Có thể nói hai lần được tháp tùng đồng chí Tổng bí thư là một vinh dự rất lớn cho một Đại sứ. Cần nhấn mạnh rằng, trong chuyến thăm tháng 5 vừa qua, Lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước và hai Chính phủ đã đưa ra những quyết định chiến lược hết sức quan trọng, đó là việc thiết lập quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước theo phương châm 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Như vậy đã đưa quan hệ toàn diện của hai nước chúng ta lên một tầm cao mới và đây là một mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Chính phủ và hai Nhà nước chúng ta.

 

Cũng trong thời gia gần ba năm qua, các đồng chí Lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam đã sang thăm chính thức Trung Quốc. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm tháng 5/2007, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm tháng 4/2007. Trong thời gian làm Đại sứ, tôi đã hai lần tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc. Lần thứ nhất, sang Nam Ninh, Quảng Tây dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và thăm Quảng Tây và Vân Nam. Lần thứ hai vào tháng 10/2008 vừa qua và là chuyến thăm chính thức đầu tiên của đồng chí Thủ tướng sau khi đồng chí được nhận trọng trách là Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Sau khi hai đồng chí Tổng bí thư thiết lập quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện thì lần này đồng chí Thủ tướng sang thăm nhằm cụ thể hóa, làm phong phú thêm nội hàm của quan hệ đối tác đó. Trong chuyến thăm này, hai bên chúng ta đã ký được 8 Hiệp định và thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và đối ngoại nhân dân,… Đặc biệt, chúng ta đã đồng ý thiết lập đường dây nóng giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là sự kiện lịch sử. 

 

Về hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước, tháng 11/2006 khi đồng chí Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào của chúng tôi sang thăm Việt Nam, lãnh đạo hai nước đặt mục tiêu là phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch buôn bán hai chiều sẽ đạt 15 tỷ USD. Nhưng vì phát triển rất mạnh mẽ cho nên đến năm 2007 kim ngạch buôn bán giữa 2 nước đã vượt mức và đạt 16 tỷ USD, như thế là đã vượt kế hoạch trước 3 năm và cao hơn mục tiêu đề ra là 1 tỷ USD. Năm nay, trong tình hình tài chính, tiền tệ thế giới biến động nhưng quan hệ thương mại giữa 2 nước chúng ta cũng vẫn rất sôi nổi. Chín tháng đầu năm chúng ta đã đạt tới 16 tỷ USD. Dự kiến đến cuối năm nay, quan hệ thương mại giữa 2 nước sẽ đạt 21 tỷ USD.

 

Trong hội đàm tại Bắc Kinh tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhất trí đưa ra mục tiêu mới là đến năm 2010 kim ngạch buôn bán thương mại giữa hai nước sẽ đạt 25 tỷ USD, nhiều hơn 10 tỷ so với dự định trước đây, điều đó chứng tỏ rằng quan hệ kinh tế thương mại của chúng ta phát triển rất mạnh. Thực tế là những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn của Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đầu tư nhiều dự án, công trình tại Việt Nam.

 

Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương cũng càng ngày càng sôi nổi. Các ngành quan trọng của hai nước như: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, An ninh, Thương mại…đều có cơ chế trao đổi, hợp tác chặt chẽ lẫn nhau. Hợp tác giữa các địa phương cũng rất sôi động, nhất là các tỉnh biên giới. Có được điều đó là do chúng ta kiên trì thương lượng trên những vấn đề tồn tại do lịch sử để lại; những vấn đề mới nảy sinh được giải quyết rất thận trọng, thỏa đáng. Hiện nay, biên giới trên bộ về cơ bản đã hoàn thành, sẽ kết thúc trong năm nay. Vấn đề rất lớn là làm sao để chúng ta xây dựng đường biên giới giữa hai nước thành biên giới của hòa bình hữu nghị như là cầu nối cho quan hệ hữu nghị hai nước.

 

Còn các vấn đề trên biển, thưa Đại sứ?

 

Hiện nay, vùng Biển Bắc bộ chúng ta hợp tác đã tốt đẹp, có sự tuần tra chung của Hải quân hai nước, ngư dân đánh cá, công tác khai thác dầu khí đều tiến hành thuận lợi. Còn các vấn đề khác trên biển tôi cho rằng đó là vấn đề phức tạp và rất là nhạy cảm, nhưng các đồng chí lãnh đạo của cả hai bên đều rất coi trọng, còn các bộ ngành hữu quan cũng tiếp xúc thường xuyên, giữ được cái đà qua những thương lượng mang tính anh em, mang tính bước đầu. Cái đó cũng dễ hiểu vì đây là quan hệ của hai nước, mỗi nước đều có cái nhìn của nước mình, đó là chuyện bình thường và cũng là vấn đề lâu dài, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Nhưng cái quan trọng là qua thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo, chúng ta đều là nước Xã hội Chủ nghĩa, qua thương lượng hữu nghị chúng ta giữ được hòa bình, ổn định trên biển.

 

Tôi thấy đối ngoại nhân dân của chúng ta phát triển càng ngày càng tốt đẹp hơn. Bất cứ hai nước phát triển như thế nào, chúng tôi cũng tin tưởng quan hệ hai nước chúng ta ngày càng tốt đẹp. Tôi cho rằng, đối ngoại nhân dân cần cố gắng làm nhiều việc thực tế để nhân dân hai nước hiểu biết nhau, qua đồng chí tôi cũng xin cảm ơn Hội hữu nghị Việt - Trung và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, bất cứ trong trường hợp nào cũng kiên trì và triển khai đối ngoại nhân dân là những hoạt động được các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đánh giá rất cao. Trong thời gian làm Đại sứ tại Việt Nam, tôi thấy các hoạt động của Hội hết sức tốt đẹp, tôi tràn đầy tin tưởng rằng trong những năm tới, chúng ta tiếp tục có những hoạt động thiết thực cho đất nước, cho nhân dân hai nước chúng ta.

 

Đúng là một nhiệm kỳ nhiều sự kiện và ấn tượng, trong đó có những đóng góp của Đại sứ. Đại sứ là người rất quan tâm và ủng hộ hoạt động đối ngoại nhân dân, vừa qua Tổ chức đối ngoại nhân dân của hai nước ký được “Thỏa thuận hợp tác hữu nghị giai đoạn 2009 - 2010”. Đây là lần đầu tiên hoạt động đối ngoại nhân dân của hai nước có được chương trình hoạt động “có tầm vóc” như vậy, xin cho biết cảm nhận của Đại sứ về sự kiện này?

 

Đúng như vậy, ở phần trên tôi cũng nhắc đến những hoạt động rất sôi nổi và có hiệu quả của ngoại giao nhân dân của hai nước chúng ta. Trong thời gian Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Trung Quốc (tháng 10/2008), đồng chí Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam đã ký một Thỏa thuận hợp tác với đồng chí Trần Hạo Tô, Hội trưởng Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc trước sự chứng kiến của hai đồng chí Thủ tướng. Tôi cho rằng đó là một văn kiện rất quan trọng.

 

Tôi thấy rằng bây giờ chúng ta đang đi sâu đổi mới tư duy, các cơ quan đối ngoại của hai nước đều đi sâu đổi mới, trong quan hệ đối ngoại nhân dân cũng đổi mới. Nếu đi sâu vào nội dung của bản Thỏa thuận tôi thấy nó vừa quan trọng, vừa thực tế.

 

Trong các nội dung của Thỏa thuận, Đại sứ ấn tượng với nội dung nào nhất?

 

Tôi thấy có ba nội dung, thứ nhất là trong năm tới chúng ta tổ chức giao lưu hữu nghị nhân dân biên giới nhân việc hai bên hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, đó là mong muốn bao nhiêu năm của hai nước chúng ta. Thứ hai là thành lập Diễn đàn hữu nghị nhân dân. Thứ ba là tổ chức gặp gỡ giao lưu các nhân sĩ hữu nghị. Tôi ấn tượng nhất ba điểm này, dĩ nhiên là tất cả nội dung của Thỏa thuận đều quan trọng.

 

Như đồng chí Vũ Xuân Hồng có nói là cứ 6 tháng chúng ta gặp nhau một lần, kiểm điểm lại những cái gì chúng ta làm tốt và cái gì chúng ta làm chưa tốt và đi sâu vào quan hệ nhân dân. Hai bên đều mời những đồng chí lão thành trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ tham gia Diễn đàn. Năm nay hai bên đã phối hợp tổ chức tốt hoạt động “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ”, có ảnh hưởng rất tốt đẹp, được đồng chí Nông Đức Mạnh và đồng chí Hồ Cẩm Đào đánh giá rất cao trong cuộc Hội đàm chính thức. Tôi thấy nếu thực hiện được Thỏa thuận nói trên sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác hữu nghị giữa hai nước, góp phần to lớn vào sự nghiệp chung của hai Đảng, hai Nhà nước chúng ta.

 

Là người trực tiếp được nghe ý kiến của hai Tổng bí thư về sự kiện “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ” trong Hội đàm chính thức, xin Đại sứ cho biết thêm thông tin.

 

Hai đồng chí Tổng bí thư có nói là bây giờ chúng ta phải tăng cường hoạt động của đối ngoại nhân dân. Quan hệ hữu nghị của chúng ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng, qua mấy thế hệ lãnh đạo rồi truyền đến thế hệ hiện nay, mà cái quan trọng hơn chúng ta phải truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nhất là trong thanh niên, cho nên bây giờ phảitổ chức nhiều hoạt động tương tự như “Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ” mà Hội hữu nghị Việt - Trung vừa tổ chức gần đây. Sau khi sang dự hoạt động tại Việt Nam, các nhân sỹ Trung Quốc đã kể lại cho người thân về sự phát triển của Việt Nam hiện nay, về việc Việt Nam mong muốn có mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc như thế nào, vì vậy chúng tôi mong muốn có nhiều những hoạt động như vậy. Đó là điểm sáng cho Hội đàm vừa qua, xin cám ơn các đồng chí.

 

Là một người công tác tại Việt Nam trong nhiều năm, nhân đây xin Đại sứ cho biết những kỷ niệm sâu sắc của Đại sứ với Việt Nam?

 

Vâng, tôi xin nói đơn giản, ngày 7/11, đồng chí Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng tặng tôi Kỷ niệm chương “Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc”. Lần đầu tiên tôi sang Việt Nam là vào tháng 11/1965, sang học tiếng Việt. Hồi đó Việt Nam đang trong hoàn cảnh chiến tranh, Mỹ đang ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Ba tháng sau khi sang Việt Nam (tháng 2/1966), đích thân Bác Hồ đã mời lưu học sinh Trung Quốc chúng tôi đến Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác, Bác ân cần hỏi từng người một. Nếu ai quê ở Quảng Đông thì Bác nói tiếng Quảng Đông, nếu quê ở Bắc Kinh thì Bác nói tiếng phổ thông, quê ở Thượng Hải thì bác nói tiếng Thượng Hải. Bác có thể nói được rất nhiều tiếng địa phương của Trung Quốc và chúng tôi cảm thấy rất thân mật. Sau đó chúng tôi cử một đại biểu đại diện phát biểu với Bác và tôi là người được vinh dự đứng lên phát biểu. Kỷ niệm đó đối với tôi không bao giờ quên. Sau này, chúng tôi còn được gặp Bác hai lần nữa, một lần Bác vào thăm Đại sứ quán Trung Quốc và một lần Bác đi thăm học sinh chúng tôi, sau đó thì Bác sức khỏe yếu nên chúng tôi không được gặp Bác nữa.

 

Còn có những kỷ niệm khó quên nữa đối với tôi trên cương vị Đại sứ. Một là, tháng 7/2006 có một trận bão lớn bất ngờ hình thành ở ngoài khơi, hồi đó Việt Nam có hơn 100 tàu đánh cá với 1500 ngư dân bị nạn. Chính phủ Việt Nam đã qua tôi nhờ Chính phủ Trung Quốc cứu trợ, tôi đã báo cáo về nước và chúng tôi đã tổ chức một cuộc cứu trợ lớn nhất kể từ khi thành lập Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi đã đưa những tàu lớn ra và cứu được 15 tàu đánh cá cùng 330 ngư dân của Việt Nam. Tôi thấy như vậy là quan hệ của hai nước chúng ta rất là tốt đẹp, hoạn nạn có nhau, việc của các đồng chí cũng là việc của chúng tôi, cái khó của các đồng chí cũng là cái khó của chúng tôi. Điều ấn tượng thứ hai là trong năm nay, Trung Quốc gặp nhiều thiên tai mà nặng nhất là trận động đất tại Tứ Xuyên. Khi động đất xảy ra, cả nước Việt Nam đã hành động ngay, từ lãnh đạo của Đảng, các cơ quan, tổ chức cũng như các địa phương đã tích cực quyên góp ủng hộ nhân dân vùng bị nạn trong đó có Hội Hữu nghị Việt - Trung và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Vịêt Nam. Điều đó thể hiện tình cảm rất chân thực và cho thấy rằng, khi có khó khăn lớn hai nước chúng ta luôn đứng bên cạnh nhau để cùng khắc phục.

 

Xin Đại sứ chia sẻ cảm nghĩ của mình với bạn đọc của chúng tôi nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ của mình và dự định trên cương vị công tác mới, Đại sứ sẽ làm gì để tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta?

 

Năm nay tôi đã 62 tuổi rồi, theo quy định 60 tuổi sẽ được nghỉ hưu. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cuộc đời tôi rất gắn bó với Việt Nam cho nên với khả năng của mình tôi sẽ tiếp tục quan tâm đóng góp cho tình hữu nghị giữa 2 nước chúng ta. Rất nhiều người trong đó có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai nước đều nói rằng, trong con người tôi thì một nửa là người Trung Quốc, một nửa là người Việt Nam, thời gian tôi sinh sống ở Việt Nam cũng ngang bằng thời gian sinh sống ở Trung Quốc.

 

Lớp học sinh sang Việt Nam học tiếng Việt cùng tôi có hơn 60 người, một số người đã mất, những người khác đều đã nghỉ hưu, chỉ còn mình tôi vẫn đang làm việc. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau và đều có chung một nhận định : Chúng tôi lớn lên nhờ cơm Bác Mao và trưởng thành nhờ cơm Bác Hồ. Nói như vậy là hoàn toàn thực tế vì chúng tôi được học đại học tại Việt Nam (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) - một bậc học rất quan trọng cho sự trưởng thành của mỗi con người. Cho nên sau này, bất cứ lúc nào có điều kiện là tôi sẽ hoạt động cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước, cho lợi ích căn bản, lợi ích chiến lược của hai nước chúng ta.

 

Xin cám ơn Đại sứ, kính chúc Đại sứ và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích trên cương vị công tác mới!

 

Đào Xuân Sinh