Quan hệ kiểu "dịch vụ", chiếc phong bao và những điều mới
Các Website khác - 17/11/2008
Thời kinh tế thị trường và hội nhập, khi xã hội và nền giáo dục mỗi ngày một chuyển biến sâu sắc, dù sớm hay muộn cũng sẽ kéo theo quy luật tất yếu là quan hệ thầy - trò thay đổi...


Chúng ta có nhìn nhận và chuyển biến thế nào để thấyđược một điều là thầy ra thầy, trò xứng là trò và giữa hai chủ thể của giáo dục ấy là sự tôn kính, nâng niu từ phía gia đình và xã hội...? Trong thời đại tri thức ngày nay, hẳn đó là ai cũng muốn có câu trả lời.

Chuyên đề "Quan hệ thầy - trò và trung tâm của giáo dục" với cái nhìn từ bên trong và bên ngoài mở đầu với bài viết vế ý kiến của các du học sinh Việt Nam, so sánh về quan hệ thầy trò ở Việt Nam và ở các nước khác.

(Ảnh nguồn: corbis)


Quan hệ kiểu "dịch vụ" là lệch "trung tâm giáo dục" (?)


Có một điều khá rõ ràng, là tình cảm thầy trò ở Việt Nam gắn bó hơn ở Anh rất nhiều. Đạo thầy trò, dù có thể lúc này lúc khác, ở đâu đó có những méo mó, sai lệch... nhưng về cơ bản, đó vẫn là một truyền thống đẹp.

Ở Việt Nam, theo tôi biết, có nhiều nơi học sinh còn xưng con với thầy cô. Ngoài việc dạy kiến thức, thầy cô còn dạy cho học sinh những điều khác, tạo cho học sinh cảm giác gần gũi, thân thiện, khi học xong, trò vẫn nhớ đến thầy cô, vẫn rất gắn bó.

Theo tôi, có thể nền giáo dục của Anh được “chuyên nghiệp hóa” tốt hơn, nghĩa là đến trường chỉ để học kiến thức - kỹ năng; những thứ khác như quan hệ xã hội, đạo đức, ứng xử... thì bản thân mặt bằng chung của người ta đã tốt, và thường được giáo dục thông qua những kênh khác nữa. Học sinh được coi là trung tâm của giáo dục, người thầy chỉ là người truyền đạt kiến thức và tạo môi trường tương tác cho học sinh.

Trần Anh Tú

Quan hệ thầy trò ở Việt Nam thời điểm hiện tại, tôi nghĩ nó cũng giống như nhiều loại quan hệ khác ở Việt Nam. Nói là đang trong giai đoạn chuyển tiếp thì không phải, nhưng đang có rất nhiều thay đổi.

Rõ ràng là việc dạy thêm, học thêm đã tác động nhiều đến việc người ta nghĩ gì về nghề giáo. Người ta bắt đầu nghĩ rằng giáo dục là dịch vụ, và họ bỏ tiền đi mua dịch vụ. Người dạy cũng bắt đầu nghĩ rằng, tôi có thể cung cấp dịch vụ (dạy thêm), nên tôi là người bán. Và thường ở các lò luyện, dạy thêm, quan hệ thầy trò theo nghĩa cổ điển là không có.

Nhưng khổ một nỗi, ở Việt Nam, quan hệ ấy đang chuyển tiếp, nghĩa là người dạy gần như vẫn là trung tâm, học trò vẫn học thụ động, nhưng quan hệ thầy trò lại bị ảnh hưởng.

Xu hướng coi giáo dục là công nghiệp dịch vụ thì khó tránh khỏi, tôi đảm bảo điều ấy. Thế nên theo tôi, cách giải quyết tốt nhất là thay đổi cái “trung tâm của giáo dục”.

Tất nhiên, chuyện thay đổi không phải ngày một ngày hai, cũng không phải 1, 2 năm. Quan trọng là người có ảnh hưởng phải là người có tầm nhìn, và định hướng tốt. Thêm nữa, một mình nền giáo dục thay đổi thì cũng là không thể.

Thực ra, ở bậc học mầm non, phương pháp dạy của chúng ta đang là khá tốt. Các bé thường xuyên được tự do, thoải mái “nghịch ngợm”, khám phá, lớp học cũng không gò bó. Nhưng không hiểu sao, lên lớp 1 thì lại đóng bàn đóng ghế, các cháu ngồi dưới, ở trên cô giảng, khác biệt hẳn với mẫu giáo (giai đoạn đã có tiền đề tốt cho việc lấy học sinh làm trung tâm). Mọi thứ cứ thụ động và im lìm như thế suốt những năm phổ thông.

Ở các giảng đường Việt Nam, sinh viên đến lớp phần lớn để điểm danh, giảng viên đến lớp để giảng cho hết giáo trình “mày học hay không kệ mày”. Thậm chí quan hệ thầy trò còn có kiểu “đi chùa thầy”. Quan hệ theo kiểu dịch vụ, nhưng khách hàng không phải là Thượng đế, mà người bán mới là Thượng đế.

(Trần Anh Tú, cựu Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Anh, cựu sinh viên Bath University, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam)

"Sao cô giáo lớn rồi vẫn nhận... mừng tuổi?"

Học sinh, sinh viên ở Hàn Quốc rất tôn trọng thầy giáo, nhưng không phải thầy giáo nói gì cũng nghe. Ví dụ học sinh cấp 3 hút thuốc lá (chưa đủ 18 tuổi không được hút thuốc), thấy thầy giáo là rất sợ, vội dập thuốc ngay, dù thầy chẳng làm gì cả.

Ở trường học, học sinh rất tôn trọng thầy, gặp thầy là cúi gập người chào, nói chuyện kính thưa rất lễ phép và không cãi lại, nhưng bảo trò làm bài thì có khi trò không làm, vì không thích thì không làm, vì môn đấy không thích nên không học (còn môn thích thì chẳng cần nói trò cũng học rất chăm chỉ). Thầy giảng trò nghe, nhưng không chép, và có hỏi lại thầy nhiều hơn.

Đào Vũ Kiên


Ngoài giờ học, trò và thầy rất ít tiếp xúc, gần như là không. Ở ĐH, thầy và trò chẳng có mối liên hệ gì ngoài bài giảng, vì các thầy thường là giáo sư, không có thời gian. Nhưng cả xã hội rất tôn trọng các giáo sư, vì học vị, trình độ và đạo đức. Đó là sự tôn kính chứ không phải vì sợ cho điểm thấp (soạn đề thi và chấm bài thi là những người hướng dẫn, giáo sư chỉ giảng dạy là chính).

Ở đây cũng không có chuyện “xin điểm”, trượt thì học lại, đi thi cũng chẳng có ai coi thi, giáo viên vừa coi vừa ngủ gật hoặc đi chơi. Cũng chẳng có ai quay cóp hay hỏi bài nhau. Có thể học trò không quay cop vì thấy ngượng nếu người khác thấy (còn nếu làm bài một mình thì tôi chẳng biết được).

Có thể từ bé học trò đã được dạy là không được gian lận. Ở Hàn Quốc thì trung thực và nghiêm túc là hai điều quan trọng nhất trong một kỳ thi. Nhưng cơ bản, học trò xa cách với thầy giáo, vì có thể thầy ở trên cao quá, không với tới được.

Còn ở Việt Nam, đứa cháu tôi học lớp 1, sau Tết nó về hỏi mẹ: mẹ ơi, sao mẹ không mừng tuổi cô giáo? Mẹ nó bảo là cô giáo lớn rồi, không phải mừng tuổi. Nó liền bảo sao bố mẹ các bạn con đến lớp vẫn mừng tuổi (lì xì - TG)cô giáo, mà cô giáo lớn rồi vẫn nhận?

(Đào Vũ Kiên, Du học sinh Việt Nam tại ĐH ICU, Hàn Quốc)

"Quan hệ thầy trò bây giờ cũng có nhiều nét mới hay hơn"

Thực ra ở Singapore, quan hệ thầy trò cũng có nhiều kiểu. Vì tính chất công việc, có người gần gũi với sinh viên hơn những người khác. Ví dụ các giáo sư mà công việc chủ yếu của họ là nghiên cứu, thì họ không thể gần gũi với sinh viên bằng những người trực tiếp hướng dẫn sinh viên làm bài tập được.

Tất nhiên, vẫn có luật bất thành văn là sinh viên đã hỏi thì giáo sư phải trả lời. Và môn nào cũng thế, đến giữa kỳ và cuối kỳ, sinh viên bắt buộc phải đánh giá về môn học và giáo sư. Thầy nào không nhiệt tình với các câu hỏi của sinh viên thì bị chấm điểm thấp thôi. Còn những trợ giảng là những người gần gũi nhất, thì cũng chat chit với sinh viên trên MSN, có khi còn cùng chơi game trên Facebook với sinh viên nữa.

Nguyễn Thi Dương

Tôi nghĩ ranh giới giữa thầy và trò cũng là tự do mình tạo ra hay tự mình phá vỡ. Các giáo sư hầu như chỉ chủ động gần gũi sinh viên những sinh viên đáng để họ để ý - những người học rất giỏi hoặc rất kém. Còn nếu bạn học bình thường, không quá tệ nhưng cũng không phải dạng đứng đầu lớp và cũng không có gì để hỏi thầy thì chắc cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi nghĩ thế là hợp lý.

Những sinh viên không có nhu cầu gặp giáo sư để hỏi bài, mà giáo sư cứ cố gắng gần gũi thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thời gian đó để dành cho hai đối tượng kia thì thích hợp hơn.

Một lớp học ở trường tôi, dù chỉ có 25-30 sinh viên thì giáo sư cũng không thể quan tâm đến hết tất cả các sinh viên được. Tất nhiên các thầy vẫn luôn cố gắng nhớ tên cả lớp, và khi không nhớ thì thường thường sẽ nói xin lỗi luôn.

Chuyện "đi thầy" thì chắc chắn không bao giờ xảy ra được. Có người bảo lương giáo sư khoảng 10.000 - 20.000 SGD/tháng thì "đi thầy" thế nào được, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn vẫn là văn hóa và hệ giá trị của các thầy. Trung thực (integrity) luôn được các thầy nhấn mạnh là điều quan trọng nhất để thành công.

Tất nhiên, quan hệ thầy trò ở Việt Nam cũng có rất nhiều điểm tốt độc đáo mà ở Singapore hay các nước khác không có được. Một ví dụ là chuyện các thầy cô gần gũi với mình đến mức coi như con cháu trong nhà.

Hồi còn học cấp 2, cô giáo dạy tiếng Anh rất hay giữ tôi lại ăn cơm với cả nhà, rồi còn dạy mình học thêm không lấy tiền, hay mình cũng thân với con cô như anh em ruột. Bây giờ chắc những chuyện như thế ít hơn, vì có nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng nói bây giờ quan hệ thầy trò không được như ngày xưa e là hơi chủ quan.

Có thể bây giờ không gần gũi được bằng ngày xưa, nhưng bây giờ cũng có nhiều nét mới hay hơn. Ví dụ các thầy cô có thể tôn trọng cái tôi của học sinh hơn, lắng nghe ý kiến và để học sinh chủ động hơn ngày xưa.

(Nguyễn Thi Dương, Ngành Hệ thống thông tin, ĐH Quản lý Singapore)