Việt Nam là nước có tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường nhanh nhất thế giới, với số bệnh nhân trẻ tuổi ngày một cao. Kết quả điều tra toàn quốc vừa thực hiện vào tháng 10 cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người mắc tiểu đường, ước tính đến năm 2025 là 7 triệu người, trong đó tiểu đường type 2 chiếm hơn 90%.
![]() |
Người bị tiểu đường đang chữa trị tại Bệnh viện Nội tiết. Ảnh: Đức Long. |
Bệnh “nhà giàu”
Theo tiến sĩ Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người Việt Nam mắc tiểu đường tăng nhanh là do hoạt động thể lực ít và ăn nhiều thực phẩm năng lượng cao, gây dư thừa lượng đường và mỡ. Tiền sử gia đình, hút thuốc lá, uống rượu…cũng là những yếu tố nguy cơ. Bệnh đang gia tăng ở người trẻ, tập trung nhiều ở thành thị. Nếu như trước đây, bệnh nhân thường ở độ tuổi từ 40 trở lên, thì ngày nay rất nhiều người ở lứa tuổi từ 25 - 35.
Ông Bình cảnh báo, tiểu đường được coi là căn bệnh thứ hai sau HIV/AIDS, có nguy cơ hủy diệt nhân loại bởi nó gây ra những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như cắt cụt chân tay, mù mắt, suy thận, các bệnh lý về tim mạch… Khoảng 80% bệnh nhân chết do các biến chứng tim mạch, 36% mắc bệnh thận giai ở đoạn cuối.
Y học hiện nay chưa có khả năng ngăn ngừa hoàn toàn các biến chứng của tiểu đường, chỉ có thể làm giảm mức độ và làm chậm thời gian xảy ra biến chứng. Thuốc điều trị tương đối đắt, người bệnh lại phải “chung sống suốt đời” với bệnh, nên tiểu đường được coi là “bệnh nhà giàu”.
Chết vì không biết có bệnh
Tiến sĩ Tạ Văn Bình cho biết, có đến 65% người mắc tiểu đường ở Việt Nam không biết mình đã bị bệnh này, khiến số người tử vong và tàn tật do tiểu đường tăng lên từng năm. Nguyên nhân phát hiện muộn là bệnh nhân ít để ý đến các biểu hiện bất thường trên cơ thể, và cũng do thực trạng chẩn đoán, chữa trị tại Việt Nam đang ở mức báo động. Toàn quốc chỉ có 86 bác sĩ được đào tạo chính quy về nội tiết, tiểu đường.
Nằm co quắp trên giường bệnh của khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, với chân trái bị cắt cụt gần đầu gối, bà T., 57 tuổi ở Quỳnh Mai, Hà Nội chưa hết bàng hoàng. Đến giờ, bà vẫn chưa thể chấp nhận được sự thật phũ phàng là chỉ sau một ngày nhập viện đã thành người tàn phế. Nhìn cẳng chân cụt ngủn, bà T. nói trong đau đớn: “Thấy thèm ăn, thèm uống, đi tiểu nhiều, sút đến gần 20 kg trong vòng chưa đầy một năm, tôi chủ quan nghĩ mình tuổi già, mất ngủ nhiều nên vậy. Chỉ đến khi cắt móng chân bị xước da, ngâm rửa nước muối, uống kháng sinh mãi mà chân vẫn bị thối móng, tím đen, tôi mới đến bệnh viện…”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, bà T. nhập viện trong tình trạng sốc nặng do nhiễm trùng, tụt huyết áp, toàn bộ gan bàn chân hoại tử... Các bác sĩ đã phải truyền máu, truyền đạm, kiểm soát đường huyết, phẫu thuật cắt bỏ các tổ chức đã hoại tử…mới bảo toàn được mạng sống cho bà T.
Trước khi vào điều trị tại khoa Chăm sóc bàn chân, ông K., 62 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, không hề biết mình bị tiểu đường. Ông sụt 15 kg chỉ trong vòng 6 tháng, nhưng nhất quyết không đi khám. “Tôi còn mắng mấy đứa con vì bắt bố đi khám bệnh, trong khi bố đang ăn khỏe, ngủ tốt. Đến khi giẫm phải cái đinh, loét đến hàng tháng không khỏi, tôi mới tới bệnh viện”.
Một nam bệnh nhân khác là T., 30 tuổi, ở Phú Thọ, nặng hơn 100 kg, buồn rầu kể, do đặc thù công việc ở văn phòng nên anh ít vận động, di chuyển. Thời gian rảnh còn lại, anh dành cho việc nằm nhà xem phim. Cuối cùng, T. đã phải nhập viện trong tình trạng đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, béo phì và suy tim.
Để phát hiện sớm tiểu đường, các chuyên gia nội tiết khuyến cáo người dân đi khám ngay khi có những dấu hiệu như tiểu nhiều, khát nhiều, ăn nhiều mà vẫn gầy, quan sát nước tiểu thấy có ruồi bâu, kiến đậu.
Muốn phòng chống bệnh tiểu đường hiệu quả, cần có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý như sử dụng nhiều rau và các loại quả, ăn cá ít nhất 2-3 lần/tuần, chọn sữa gầy, sữa đậu nành, các loại pho mát ít béo; không nên ăn quá no hay quá nhiều đồ ngọt, tuyệt đối không hút thuốc lá. Ngoài ra, cần kiểm soát cân nặng và hoạt động thể lực hợp lý, duy trì lối sống năng động…
Đối với những người đã có chẩn đoán tiểu đường, cần dùng thuốc điều trị theo phác đồ, kiểm tra đường huyết hằng ngày bằng máy đo cá nhân, luyện tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ…
▪ TP.HCM bình thản... chờ bão (17/11/2008)
▪ “Chúng tôi lớn lên nhờ cơm Bác Mao, trưởng thành nhờ cơm Bác Hồ” (17/11/2008)
▪ TPHCM, Tiền Giang, Bạc Liêu gấp rút sơ tán dân (17/11/2008)
▪ Đâm xe máy, xe khách chở 50 người lật xuống nước (17/11/2008)
▪ Gần 50% số người chết ở xã Tế Thắng do ung thư (17/11/2008)
▪ Đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức (17/11/2008)
▪ Quan hệ kiểu "dịch vụ", chiếc phong bao và những điều mới (17/11/2008)
▪ Đổ xô đi xem táo thường hóa... "táo Phật" ở Hà Nội (17/11/2008)
▪ Bão số 10 sẽ càn quét hầu hết các tỉnh Nam Bộ (17/11/2008)
▪ Ngày đầu bị "siết", mũ bảo hiểm thời trang vẫn dạo phố (15/11/2008)