Thế giới nỗ lực ngăn chặn dịch cúm gia cầm
Các Website khác - 14/09/2005
Việt Nam tiêm vaccine cho gà
nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm.
Các nhà khoa học vừa cho biết đã đủ điều kiện để sản xuất vaccine phòng cúm gia cầm hiệu quả, song rất khó có đủ thuốc đáp ứng nhu cầu ngày một tăng khi nạn dịch này ngày càng lan rộng.

Vaccine phòng H5N1 của công ty dược phẩm Pháp Sanofi-Aventis đã chứng minh hiệu quả trong tăng cường hệ thống miễn dịch ở người. Các chuyên gia cho biết, một số vấn đề kỹ thuật gây cản trở điều chế vaccine cúm gia cầm đã được giải quyết.

Mặc dù chưa điều chế được loại vaccine đặc chủng phòng cúm gia cầm cho người nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng, mục tiêu hiện nay là khống chế sự lan truyền của virus H5N1.Vaccine này có thể được điều chỉnh khi virus biến thể.

Công ty dược Chiron, thuộc một tập đoàn công nghiệp quốc tế, cũng đặt mục tiêu sẽ sản xuất thử nghiệm vaccine phòng H5N1 cho người vào cuối năm nay.

Dịch cúm gia cầm bắt đầu bùng phát từ năm 2003 và đến nay đã lây lan ở nhiều nước châu Á và châu Âu như Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Kazakhstan, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Philippines, Nga, Thái-lan và Việt Nam. Khi bệnh cúm gia cầm đã lan từ các nước châu Á tới vùng Siberia và Kazakhstan, các chuyên gia y tế trên khắp thế giới nỗ lực tập trung nghiên cứu để đối phó nhằm ngăn chặn căn bệnh này lây từ người sang người.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu virus cúm gia cầm dễ dàng lây từ người sang người, sẽ có hơn 25 triệu người có nguy cơ bị nhiễm và bảy triệu người có khả năng tử vong.

WHO cho rằng trong thời gian chờ đợi sản xuất vaccine hoặc tìm ra các biện pháp khẩn cấp khác đối phó dịch cúm gia cầm, việc giữ cho dịch bệnh này không lây lan chỉ phụ thuộc vào các kho dự trữ thuốc kháng virus, một loại thuốc ức chế sự lây lan của virus, có thể giúp giảm sự nghiêm trọng của dịch bệnh và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân.

WHO đã nhận ba triệu liều thuốc điều trị cho người nhiễm cúm gia cầm của công ty Roche, Thụy Sĩ. Công ty dược của Anh GlaxoSmithKline cho biết có thể sản xuất loại thuốc tương tự.

Tuy nhiên, trong khi các nước nỗ lực thực thi biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm thì đối với các nước nghèo, việc đối phó với bệnh dịch này vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân ở các làng quê nghèo đang lo ngại dịch cúm gà trong mùa đông tới sẽ làm kinh tế của họ kiệt quệ. Những người nghèo chờ đợi các biện pháp y tế đối phó dịch cúm gia cầm song họ không có khả năng tài chính cũng như kỹ thuật.

Các quan chức y tế lo ngại bệnh cúm gia cầm ngày càng lan rộng ở châu Á trong khi công tác đối phó gặp khó khăn do thiếu các nguồn hỗ trợ.

Châu Á là tâm điểm của dịch cúm gia cầm và khu vực này đứng trước những thách thức về tài chính. Người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới(WHO) tại Manila, Philippine Peter Cordingley nói rằng, các nước châu Á không có nguồn nhân lực, chuyên gia và tài chính để đối phó dịch bệnh trong khi sự nguy hiểm của dịch bệnh này ngày càng tăng, nhất là khi virus biến thể sẽ có thể lây từ người sang người, gây nguy hiểm tính mạng cho hàng triệu người và gây tác động xấu tới nền kinh tế toàn cầu. Nếu như các thiết bị cảm ứng ở sân bay có thể ngăn chặn được dịch SARS trước đây thì thiết bị này không thể giúp ngăn chặn dịch cúm gia cầm vì virus này có thể lây từ người sang người trước khi có biểu hiện lâm sàng.

Kế hoạch của WHO ở châu Á nhằm dập tắt dịch bệnh này ngay từ khi nó bùng phát bằng cách cử các chuyên gia y tế và thuốc kháng virus tới các khu vực bị ảnh hưởng. WHO dự báo dịch cúm gia cầm lan mạnh có thể sẽ buộc phải huy động tới hai phần ba nhân lực lao động của một quốc gia, gây lo ngại về các vấn đề vận tải và cung cấp lương thực.

Hàng chục nước châu Á tháng trước đã nhất trí xây dựng một kho dự trữ thuốc kháng virus của khu vực. Tuy nhiên việc cung cấp thuốc sẽ trở nên khó khăn hơn khi cúm gia cầm đã lan sang cả các nước châu Âu.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đối phó dịch cúm gia cầm và sẽ kiểm tra bằng cách diễn tập đưa các bệnh nhân giả tới các bệnh viện mà không báo trước để xem cách đối phó dịch bệnh này.

Thái-lan cũng có kế hoạch đối phó theo tiêu chuẩn quốc tế và nước này đã có kho dự trữ thuốc với hàng trăm nghìn liều thuốc kháng virus cúm gia cầm.

Trong khi một số nước giàu như Australia hay Singapore bắt đầu có các kho dự trữ thuốc kháng virus cúm gia cầm và có kế hoạch đối phó dịch bệnh này thì ở nhiều nước nghèo ở châu Á còn gặp nhiều khó khăn trong đối phó dịch bệnh.

Philippine vẫn chưa có kho dự trữ thuốc và dường như không có khả năng chi trả với giá qúa cao, lên tới 180 USD/người.

Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan nước ngoài để tiến hành các chương trình khẩn cấp ngăn chặn dịch cúm gia cầm, song vẫn gặp rất nhiều khó khăn về chuyên gia cũng như các nguồn lực khác.

Nhiều nước châu Á đang tiến hành chiến dịch thay mới những trang trại nuôi gia cầm quá cũ, có khi tồn tại từ hàng thế kỷ nay, vì đây là một trong những nguyên nhân gây lây lan dịch cúm gia cầm.

Hương Ly
Theo Reuters