* Cuộc sống diễn ra như thế nào trong những ngày đầu anh trở về từ chiến trường?
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì Đại văn hào L.Tônxtôi có nói: Đừng bao giờ trông chờ vào quà tặng bất ngờ từ cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống. Cuộc đời đã cho tôi một cơ may là trở về với quê hương và quãng đời còn lại phải do mình dựng nên. Năm 1976, tôi được đi học lớp Trung cấp thương nghiệp và sau đó về công tác tại Công ty rau quả Hải Phòng, rồi trở thành Phó giám đốc của công ty. Nhưng cuộc sống thời bao cấp đã dạy cho tôi bài học: Nếu không tự đổi mới thì rất khó tồn tại. Nhìn cảnh những chiến sĩ thương binh, những đồng đội của tôi một thời, cứ phải xếp hàng, cạy cục để có một chỗ làm, tôi rất bức xúc. Nếu là người "an phận thủ thường" thì với cái chức Phó giám đốc như tôi đã là tuyệt rồi còn phải suy nghĩ gì nữa, nhưng không thể như vậy được .
* Và anh đã bứt phá?
Trần Hồng Quảng, sinh năm 1953, quê Vĩnh Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới ngày 5- 9-2005. Hiện anh là Giám đốc Xí nghiệp thương binh Quang Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất, kinh doanh người tàn tật Việt Nam.
| - Năm 1996, tôi quyết định đứng ra thành lập xí nghiệp thương binh mang tên Quang Minh, chuyên làm vật liệu xây dựng. Nơi sản xuất là Thanh Hóa. Vạn sự khởi đầu nan. Lúc đầu Xí nghiệp chỉ có 35 người, toàn là anh em thương binh, vốn liếng hùn hạp lại chỉ có 250 triệu đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ 35 triệu đồng. Sức khỏe là vấn đề rất đáng quan tâm. Vào những ngày trái nắng trở trời, nhiều anh em vết thương tái phát, đau nhức, có lúc tưởng như không thể tiếp tục làm việc được nữa. Không phải chỉ có những người công nhân mà ngay cả tôi cũng bị vết thương "hành" cho khổ sở. Nhưng nếu người đứng đầu mà nản chí, đầu hàng thương tật thì sự nghiệp sẽ đổ vỡ. Vì vậy, rèn luyện sức khỏe, nâng cao nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong "trận chiến đấu mới" này thực sự cần thiết. Lúc nào chúng tôi cũng lấy lời dặn của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Lúc đầu, Xí nghiệp chúng tôi làm vận tải, thu mua các loại nguyên vật liệu bán cho các Xí nghiệp xi-măng Thạch Lam, nhà máy xi-măng Hoàng Thạch và họ trả chúng tôi bằng clinker.
Thế rồi công cuộc đổi mới của đất nước ta ngày càng phát triển, lượng xi-măng cần nhiều cho xây dựng các công trình: Điện, đường, trường, trạm, tăng nhanh. Xí nghiệp Quang Minh chúng tôi dùng lượng "Clinker đối lưu" sản xuất xi-măng nhãn hiệu Lam Sơn. Sản phẩm của xí nghiệp cũng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những năm đầu xí nghiệp chỉ sản xuất hơn 100.000 tấn/năm, rồi nâng lên 250.000 tấn/năm. Hiện nay công suất 360.000 tấn/năm, đồng thời mở rộng kinh doanh sang các ngành nghề khác như vận tải, san lấp mặt bằng, sản xuất tấm lợp... Xí nghiệp nay đã có gần 100 người làm việc, trong đó phần lớn là thương binh, con em các gia đình chính sách. Lương của công nhân trước đây chỉ có 400.000đồng/tháng nay tăng lên gần triệu đồng. Xi-măng của xí nghiệp sản xuất ra đến đâu tiêu thụ tới đó.
Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, tôi lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, chiến đấu trong chiến dịch Nguyễn Huệ ở khu vực Bình Long (1972). Cuộc chiến đấu với quân ngụy Sài Gòn diễn ra cực kỳ ác liệt. Sau nhiều giờ vật lộn với địch bằng đủ các loại vũ khí như súng 12,7 ly, súng cối B40... đơn vị tôi đã tiêu diệt sinh lực của địch, bắn cháy xe bọc thép, máy bay lên thẳng của chúng. Kết thúc trận chiến đấu, Trung đoàn chỉ còn lại 15 đồng chí. Tôi là người may mắn còn sống. Sau trận thắng đó tôi tiếp tục tham gia các trận đánh ở Kiến Phong, Kiến Xương... và thật vinh dự được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi cùng với đơn vị tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập và bị thương lúc 11 giờ 10 phút, chỉ còn có 20 phút nữa là quân ta tuyên bố hoàn toàn giải phóng miền nam, thống nhất đất nước - ngày 30-4-1975.
| * Người ta vẫn nghĩ, được sự ưu tiên của Nhà nước, được sự ưu ái của nhân dân sản phẩm của các xí nghiệp thương binh thương dễ tiêu thụ?
- Ý nghĩ này có thể phù hợp với thời bao cấp. Làm kinh tế theo kiểu bao cấp ở nước ta đã qua rồi. Bây giờ, một sản phẩm làm ra phải được khách hàng chấp nhận. Mặc dù trên nhãn hàng có ghi của xí nghiệp thương binh này... thương binh khác, nhưng nếu chất lượng không bảo đảm thì khách hàng cũng chỉ "thương" lần đầu, lần sau thì chào tạm biệt ngay. Xi-măng nhãn hiệu Lam Sơn của xí nghiệp chúng tôi đạt các tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam. Nếu như sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì xí nghiệp chúng tôi không thể tồn tại đến bây giờ...
* Hiện nay, xí nghiệp phát triến theo hướng nào, thưa anh?
- Năm 2004, Xí nghiệp đã đề nghị với Chính phủ và Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng cho xây dựng Nhà máy xi-măng tại Thủy Nguyên với công suất 400.000 tấn/năm. Tổng giá trị nhà máy 28 triệu USD, máy móc, công nghệ hiện đại được nhập từ Italy. Chính phủ đã phê duyệt và quý II 2005 chúng tôi đã khởi công san lấp mặt bằng. Khi xây dựng dự án chúng tôi dự kiến, năm 2008 sẽ đưa nhà máy vào hoạt động, nhưng do đẩy nhanh tiến độ thi công nên cuối năm 2007 sẽ cho ra lò mẻ xi-măng đầu tiên. Sản phẩm mang tên Trường Sơn.
* Từ Lam Sơn tới Trường Sơn sản phẩm của Xí nghiệp Minh Quang đã có bước tiến dài về chất lượng và công nghệ, các anh có định sản xuất thêm mặt hàng gì?
- Sau hơn 10 năm phấn đấu không ngừng, vượt qua bao khó khăn, chúng tôi đã trưởng thành và có thể tự hào là sánh vai được với nhiều xí nghiệp, nhà máy sản xuất cùng loại sản phẩm. Với nhà máy mới này chúng tôi sẽ sản xuất các loại xi-măng mác từ P.300 đến P.500 và các loại đặc biệt. Với sự ra đời của nhà máy này chúng tôi có cơ hội giải quyết công ăn việc làm ổn định cho nhiều thương binh và con em gia đình chính sách.
* Là một trong những đại biểu về dự đại hội thi đua lần này, anh có suy nghĩ gì?
- Khi nhập ngũ vào miền nam chiến đấu, tôi nghĩ mình cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở về với quê hương. Người ta bảo "có chí thì nên" khi trở về quê hương tôi có nuôi chí, nhưng chỉ nghĩ không để phí quãng đời còn lại mà mang hết sức lực xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc chứ không bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành một người anh hùng như tôi nhận được danh hiệu ấy hôm nay. Vinh dự này có sự đóng góp không nhỏ của đồng đội tôi, của những người thương binh. Thật tự hào, tôi đã có dịp thay mặt cho đồng đội mình, kể cả những người đã hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc, được báo công trước Bác Hồ, Đảng và Nhà nước, rằng chúng tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho trong chiến đấu và ngày nay đang nỗ lực trong sản xuất để góp phần mình xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh hơn. Tôi nghĩ, một Đại hội thi đua toàn quốc không chỉ dừng lại như một hội nghị báo công, ghi nhận thành tích của mỗi cá nhân, tập thể mà phải phổ biến những kinh nghiệm, bài học quý tới nhiều người để cùng nhau nhân rộng những điển hình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôi mong muốn làm một người như vậy.
* Xin cảm ơn anh!
|