“Cò” làm đẹp ở cổng bệnh viện
Các Website khác - 27/09/2008

Nghe người thanh niên ở cổng Bệnh viện 108 “quảng cáo”, chị Ngọc Anh liền tới ngay phòng khám tư của bác sĩ S., trưởng khoa lazer. Sau 20 phút chịu đau để xóa những hạt mụn trên mặt, chị mới tá hỏa biết cái anh S. gì đó không phải là trưởng khoa của Bệnh viện 108…

Làm đẹp - khái niệm này không chỉ áp dụng cho phái nữ thời hiện đại nữa mà rất nhiều nam giới đã chọn phương pháp làm đẹp bằng công nghệ lazer để xóa đi những khiếm khuyết trên gương mặt.

Công nghệ lazer đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến cho việc làm đẹp hiện nay ở nhiều Spa, phòng khám tư nhân hay ở những bệnh viện chuyên ngành về da liễu, thẩm mỹ.

Thế nhưng, một số chị em lại bị sập bẫy của "cò" làm đẹp bằng công nghệ lazer rất tinh vi khi chưa kịp bước chân vào bệnh viện.

(Ảnh minh hoạ)

Xấp xỉ tuổi 40 nhưng tạo hóa ban cho chị Ngọc Anh nét đẹp trời phú với gương mặt thanh thoát, làn da trắng hồng, một nét đẹp mà bất cứ người phụ nữ nào cũng ngưỡng mộ.

Đầu tháng 9/2008, chị Ngọc Anh quyết định đi sửa lại nhan sắc do gần đây quanh vùng mắt của chị mọc lên một số mụn thịt. Chọn địa chỉ là Bệnh viện 108 - một trong những bệnh viện đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ bằng lazer để xử lý những khiếm khuyết trên.

Vừa đến bãi gửi xe của bệnh viện, chị được một thanh niên dắt hộ xe vào trong. Cứ ngỡ đó là nhân viên nhà xe, chị hỏi đường đến Khoa lazer, người thanh niên này rất nhiệt tình: "Em cho chị số điện thoại di động của bác sỹ S., Trưởng khoa lazer. Bác sỹ S. tay nghề cao lắm, chị gọi cho anh ấy đi, bác sĩ khám và xử lý luôn cho, không phải chờ đợi".

Trước sự thúc giục của người thanh niên này, tin lời anh ta, chị Ngọc Anh bấm máy gọi cho bác sỹ S. Đầu dây bên kia, giọng người đàn ông tự nhận là bác sỹ S. nói rằng vừa trực xong, đang ở phòng khám tại nhà, mời chị đến.

Nghĩ rằng đó là BS trưởng khoa, nếu điều trị tại phòng khám ngoài cũng chẳng khác gì trong bệnh viện, nên chị chẳng mảy may nghi ngờ về tay nghề của vị bác sỹ này.

Tìm đến phố C.B. theo lời chỉ dẫn của bác sỹ S., chị được một nhân viên ở đây hỏi: "Chị có hay bị dị ứng không, có dị ứng với thuốc kháng sinh nào không…?". Theo cô nhân viên này thì những người ở vùng biển thường hay bị mụn thịt và khuyên: "Nên đốt nhanh, nếu để lâu là bị ung thư da".

Chị Ngọc Anh được đưa lên tầng 2 gặp bác sỹ S. Chị thoáng giật mình vì trông bác sỹ S. trẻ hơn nhiều so với tưởng tượng. Bác sỹ chẳng hỏi han gì nhiều, bảo chị lên bàn và dùng máy lazer để lấy đi những hạt mụn trên mặt chị.

Không có dụng cụ che mắt, khoảng 20 phút chịu đựng đau đớn, chị Ngọc Anh bước ra với gần 30 nốt đỏ trên mặt. BS dặn chị ăn kiêng các thực phẩm như hải sản, rau muống, thịt bò… và kê cho chị đơn thuốc.

Trước khi về, cô nhân viên dặn: "Tốt nhất sau 1 tuần chị đến đây khám lại". Lúc bấy giờ chị mới hỏi cô nhân viên: "Có phải đó là bác sỹ S., Trưởng khoa lazer Bệnh viện 108 không?". Các cô nhân viên ngớ người ra nhìn nhau và lắc đầu: "BS S. không phải làm ở BV 108".

Liên hệ đến BV 108, chị Ngọc Anh được biết, Trưởng khoa lazer của bệnh viện là BS Nguyễn Thế Hùng, chứ không có ai là BS S. cả.

Khi biết mình bị tiếp thị lừa, chị Ngọc Anh vội vàng đến Viện Da liễu quốc gia khám lại và được bác sỹ ở đây tư vấn rất nhiều để giữ gương mặt khỏi sẹo, khỏi bị rám. Sau đó BS kê cho chị một đơn thuốc gồm rất nhiều loại để chống tăng sắc tố da.

Hiện tượng một số phòng khám tư nhân trưng biển quảng cáo hấp dẫn như: "Công nghệ lazer mới nhất, điều trị rám má, tàn nhang, mụn thịt hiệu quả nhất" hay "thẩm mỹ bằng công nghệ lazer, hết tàn nhang, nám má lại rất an toàn"… đang đánh vào thị hiếu làm đẹp của rất nhiều chị em phụ nữ.

Để cạnh tranh, một số phòng khám còn thuê người tiếp thị tận cổng các bệnh viện, giả danh là bác sỹ có uy tín của bệnh viên để dụ bệnh nhân về phòng khám của họ. Trường hợp chị Ngọc Anh bị tiếp thị lừa là một ví dụ.

Mong rằng đây là bài học cảnh giác cho các chị em khi muốn làm đẹp, đừng tin lời tiếp thị ở cổng bệnh viện để sập bẫy.

Theo Hằng Bình
CAND_Online