Tử vong vì chữa vết chó dại cắn bằng nước lã và dầu gió
Các Website khác - 27/09/2008

Sau khi cắn cháu Nam, con chó nhà anh Tân tiếp tục cắn thêm 5 người khác. Trong số những nạn nhân này chỉ có cháu Nam tử vong do không tiêm huyết thanh kháng dại mà chỉ được gia đình "xử lý" bằng cách lấy dầu gió xoa lên vết cắn.

Ông Nguyễn Văn Thính bên di ảnh của cháu Nam

Trong mấy ngày qua, người dân xóm 4, thôn Đông Lao, xã Đông La (huyện Hoài Đức), chưa hết bàng hoàng và xót thương trước cái chết của cháu Nguyễn Văn Nam, 5 tuổi sống cùng thôn do bị chó dại cắn. Em mất đi, không chỉ khiến cho người thân đau xót mà nó còn là lời cảnh tỉnh cho công tác phòng chống bệnh dại ở các địa phương thuộc địa phận Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung...

Buổi chiều định mệnh

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thính (75 tuổi, ông trẻ cháu Nam) cho biết, vào chiều 3/8, sau khi cháu Nguyễn Văn Nam được gia đình đón từ nhà trẻ về, rồi ra ngõ chơi đùa như thường ngày.

Trong lúc chơi ngoài cổng, cháu Nam đã bị con chó (chó ta) nhà anh Nguyễn Tài Tân (47 tuổi) hàng xóm nhảy lên cắn vào cánh tay trái, khiến cho vùng da ở phía trên cánh tay bị trầy xước và thâm tím.

Thấy cháu kêu la, gia đình đã chạy ra và đưa cháu về nhà, sau đó dùng khăn mặt nhúng nước lã rửa vết thương cho cháu. Đến tối, khi thấy vết trầy xước trên vùng da bị sưng tấy, anh Nguyễn Văn Phong (32 tuổi, bố cháu Nam) liền lấy dầu gió xoa xung quanh chỗ mà Nam kêu đau.

Những ngày sau đó, cháu Nam vẫn đi học bình thường, chỉ đến khi biết tin con chó nhà anh Tân tiếp tục cắn một số người trong xóm và đột nhiên chết không rõ nguyên nhân, gia đình anh Phong mới tá hỏa đưa cháu Nam đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại.

"Đêm 13/8, sau khi được ông Nghiên (ông nội cháu Nam) gọi sang nói rằng cháu Nam bị sốt nên tôi đã dùng cặp nhiệt độ đo nhiệt độ cơ thể cháu. Nhiệt độ trên cơ thể cháu lúc đó đã lên đến 39,5 độ C, tôi cùng mọi người cho cháu uống sữa nhưng chỉ một lúc sau cháu nôn ra hết. Đồng thời nước dãi từ hai khóe miệng cứ thế chảy ra không ngừng".

"Trước hiện tượng như vậy, gia đình chúng tôi ngỡ là do thể trạng của cháu mệt nên đã ru cháu ngủ. Đến rạng sáng 14/8, khi thấy chân của cháu bị cứng, mắt thì nhìn ngước lên, chúng tôi liền gọi xe đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tây (cũ) để cấp cứu, và sau đó vài tiếng cháu đã ra đi vĩnh viễn...", vừa kể ông Thính vừa dùng vạt áo lau nước mắt.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã Đông La, chúng tôi được biết, sau khi cắn cháu Nam, con chó của nhà anh Tân tiếp tục cắn thêm 5 người khác (trong đó có cả cháu Nguyễn Tài Thực (8 tuổi), là con trai của anh Tân).

Số người bị cắn này đã được đưa đi tiêm huyết thanh kháng dại và hiện chính quyền xã cùng các cán bộ thú y của huyện đã tiến hành các biện pháp khoanh vùng dịch bệnh.

Theo ông Mừng, rất có thể con chó trên mắc bệnh dại là vì trước đó không được gia đình anh Tân đưa đi tiêm phòng dại vào đợt đầu năm.

Cần đề cao công tác phòng chống bệnh dại

Về vấn đề liên quan đến bệnh dại, PGS.TS Đinh Kim Xuyến, Phó Chủ nhiệm Thường trực Dự án Phòng chống bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh dại là một bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật (chủ yếu là chó, mèo) lây lan sang người bởi chất tiết (nước bọt bị nhiễm virus dại).

Nguy cơ tử vong của người mắc bệnh này là rất cao nếu như không được theo dõi, chữa trị kịp thời. Con đường lây truyền virus dại thường là thông qua da, niêm mạc bị chảy máu.

"Bệnh dại ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng trên khắp các tỉnh thành, đặc biệt Hà Nội kể từ sau khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập vào hiện là nơi có tỷ lệ mắc bệnh dại cao nhất trong cả nước", PGS.TS Xuyến nhấn mạnh.

Cũng theo như PGS.TS Xuyến, để đề phòng bệnh dại không gì khác đó chính là hạn chế việc nuôi chó, mèo. Nếu nuôi thì phải xích, nhốt rọ mõm lại, tránh để chó, mèo chạy rông, nuôi không có chủ quản lý. Hằng năm, khi có đợt tiêm phòng dại, các hộ dân phải đưa chó, mèo đến các cơ sở y tế đóng trên địa bàn để tiêm phòng.

Nghiêm cấm việc buôn bán chó tại những nơi đang bị nghi là có dịch, cũng như đang phát dịch. Tại nơi có dịch bệnh, nhân viên thú y cần phải tiêu hủy ngay những con chó, mèo có biểu hiện của bệnh dại.

Đối với những trường hợp bị chó cắn nghi là dại, cần phải nhanh chóng rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, dội nước sạch nhiều lần, rồi sau đó bôi các chất sát khuẩn như cồn vào chỗ trầy xước của vết thương.

Tuy nhiên, khi rửa không được làm cho vết thương bị dập nát. Sơ cứu xong, cần đưa ngay người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để các thầy thuốc chuyên khoa khám và có các biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt, chúng ta không nên dùng thuốc nam để điều trị, bởi thuốc nam sẽ là một trong những nguyên nhân khiến người bệnh không những không khỏi bệnh mà lại còn nguy cơ đối mặt với "tử thần".

Qua đó có thể thấy rằng, nếu như mỗi chúng ta, đặc biệt là những người nuôi chó, mèo không chú trọng đề cao thông điệp "Hãy cùng nhau đẩy lùi bệnh dại" của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hiệp hội Thú y thế giới (OIE) thì chắc chắn trong một tương lai không xa sẽ có rất nhiều sự vụ đáng tiếc giống như trường hợp của cháu Nam ở trên xảy ra.

Theo Trần Huy
CAND_Online