Mệt với tây quậy!
Các Website khác - 27/09/2008
 

Ban ngày vật vờ ở công viên, ban đêm lang thang ở vỉa hè, hoặc chen nhau trong những khu nhà trọ rẻ tiền, giở trò lừa đảo, trộm cắp, ăn quỵt, xù tiền trọ, đánh lộn… những ông tây quậy này đang là nỗi ám ảnh với cư dân phố tây ba lô ở Sài Gòn.

Hiện nay, ở khu vực phố tây, mỗi ngày có khoảng hai mươi ông tây quậy thường tụ tập ngoài công viên 23.9 và hẻm 241 Phạm Ngũ Lão. Họ lân la đến đâu, người dân cảnh giác cao độ đến đấy, bởi không ai còn xa lạ gì với những trò ăn cơm, uống nước “xù tiền”. Một chủ nhà trọ ở quận 1 cho khoảng một chục tây quậy mướn căn gác nhỏ với giá 100 USD/tháng. Ở trọ tháng đầu, họ trả tiền đầy đủ; tháng sau, họ không trả tiền. Bực mình, chủ nhà chỉ còn cách đuổi họ ra khỏi nhà.

Cách đây không lâu, một phòng trọ của giới tài xế ở phố tây đường Phạm Ngũ Lão vào nửa đêm bị ông tây quậy lẻn vào, lấy mấy chiếc quần treo trong phòng, trong đó có chiếc bóp đựng các thứ giấy tờ, tiền bạc. Trong lúc chạy ra đường Đề Thám, ông ta bị người dân phát hiện tri hô nên quăng lại chiếc quần không còn chiếc bóp. Một điều đáng chú ý là nhiều ông tây quậy hay đi lảng vảng xung quanh nhà dân để nhanh tay ra nghề “đạo chích”. Nhiều cư dân cho biết họ thường thủ sẵn gậy gộc trong nhà để phòng khi “xung trận”.

Hình ảnh tây lang thang ở khu Phạm Ngũ Lão ngày càng thường xuyên hơn

Nguyên tắc “tiền trao cháo múc” được áp dụng triệt để với các đối tượng này vì người bán đã có quá nhiều kinh nghiệm bị quỵt. Ở hẻm chợ chiều đường Phạm Ngũ Lão, chúng tôi thấy ông tây quậy mua chỉ có hai điếu thuốc mà cô bán hàng chỉ giao thuốc sau khi lấy tiền xong. Nhưng ngay cả khi cầm tiền của mấy ông tây này, người bán cũng chưa an tâm vì sợ gặp tiền giả. Các chủ hàng quán cũng đều ngán ngẩm với đội ngũ “tây bụi đời” này, bởi chỗ nào có họ đến thì tây du lịch “loại xịn” lảng tránh sang chỗ khác.

Khó khăn khi xử lý vi phạm

Từ 2005 trở lại đây, những ông tây này ngày càng xuất hiện nhiều. Theo thống kê từ cục Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM (PA18), trong sáu tháng đầu năm 2008, đã có hơn 200 trường hợp buộc xuất cảnh, bao gồm các đối tượng chủ yếu đến từ các nước châu Phi như: Nigeria, Congo, Cameroon, Ghana… do họ có hành vi gây rối trật tự công cộng, không xuất trình hộ chiếu, khai báo tên giả, quậy phá, lừa đảo, cướp giựt và kể cả mại dâm nam. Và thêm một loại tội phạm mới có tổ chức do người nước ngoài cầm đầu: dùng hộ chiếu giả để rút tiền ngân hàng ở các quận 7, quận 10, Gò Vấp trong thời gian gần đây.

Trung tá Phạm Ngọc Tiến, đội trưởng đội Quản lý người nước ngoài thuộc PA18 nói: “Để xử lý hoặc hạn chế những người nước ngoài vi phạm pháp luật, cần phải có một hành lang pháp lý chặt và phối hợp đồng bộ từ khâu cấp thị thực nhập cảnh, kiểm tra kỹ lưỡng xuất xứ người nhập cư. Cơ quan xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu phải rà soát cẩn thận đối tượng đến từ các nước nghi vấn, điều tra lý do nhập cảnh để du lịch, hay làm việc. Cơ quan hàng không cần có những quy định yêu cầu khách du lịch phải mua vé khứ hồi. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng nhập cư của những phần tử xấu”.

Khi phát hiện những ông tây quậy vi phạm, công an địa phương cũng rất khó xử lý, bởi họ là người nước ngoài. Xử lý nhẹ thì không đủ biện pháp răn đe, xử lý nặng bằng hình thức phạt hành chính thì họ không có tiền nộp phạt. “Hiện nay, trường hợp người nước ngoài vi phạm hành chính, việc giam giữ không được phép quá 24 giờ đồng hồ. Nếu người vi phạm không hợp tác, khai tên giả mạo, là không giải quyết được vì thời gian 24 tiếng không kịp xử lý. Với những đối tượng đã nhập cảnh vào Việt Nam mà vi phạm pháp luật, phải có nơi lưu giữ họ với những quy chế cụ thể để có thêm thời gian xử lý vụ việc, hạn chế việc đi lại của cá nhân vi phạm, cũng như hạn chế họ gây thêm những phiền toái khác”, trung tá Tiến nói thêm.

Theo Lam Phong
saigontiepthi