Trộm đột nhập ngày càng tinh vi
Các Website khác - 27/09/2008

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ kẻ gian đột nhập nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp vào ban đêm để trộm cắp tài sản. Qua các vụ trộm xảy ra cho thấy, hoạt động của loại tội phạm chuyên “đột nhập” có diễn biến mới với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt...

Dùng công cụ phá khóa

Theo các điều tra viên thụ lý các vụ trộm đột nhập lấy cắp tài sản, đối tượng gây án hầu hết là chuyên nghiệp, đi từ 2 tên trở lên, phân công nhau cảnh giới để thực hiện hành vi trộm cắp. Thời gian gây án thường vào ban đêm, nhất là thời điểm trời mưa, ít người qua lại trên đường.

Nhiều trường hợp, kẻ gian theo dõi, nắm được qui luật ban đêm “không có người trông coi” tại các cửa hàng, chỉ khóa cửa, nên đã dùng các phương tiện như kìm cộng lực, mỏ lết bẻ gãy tai khóa, tai cửa sắt xếp, thậm chí dùng xà beng cậy phá cửa cuốn nhôm, cửa gỗ để đột nhập lấy trộm tài sản.

Đêm 6, rạng sáng 7-8-2008, kẻ gian đã dùng công cụ bẻ gãy tai khóa cửa cuốn, vào cửa hàng ở 16A phố Lý Nam Đế, trộm cắp 10 máy tính xách tay các loại, trị giá gần 300 triệu đồng. Trước đó, cùng với thủ đoạn trên, kẻ gian mở được cửa cuốn, đột nhập cửa hàng ở 17 phố Lý Quốc Sư vào ban đêm, trộm cắp  gần 2.400 mét lụa tơ tằm và nhiều quần áo may sẵn trị giá khoảng 65 triệu đồng... ở 2 vụ trộm cắp tài sản trên, chủ các cửa hàng kinh doanh không bố trí người ngủ lại.

Một số vụ đối tượng sử dụng đèn khò cắt khóa cửa, phá két sắt để lấy trộm tài sản như vụ trộm xảy ra tại trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Sau khi dùng đèn khò cắt đứt khuy khóa cửa bằng sắt bên ngoài, kẻ gian đột nhập vào Phòng Tài vụ trên gác 2, tiếp tục dùng đèn khò phá khóa két sắt, cắt cánh cửa sắt bên trong lấy toàn bộ số tiền trên 200 triệu đồng. Mặc dù nhà trường có bảo vệ, khóa cổng; nhưng do người bảo vệ ngủ say ở dưới tầng 1, đến 5h thức dậy mới phát hiện sự việc...

Đột nhập từ trên cao

Phương thức này được kẻ gian “tận dụng” vào mùa hè, lợi dụng các nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp vào ban đêm nóng bức thường không đóng cửa ban công, đã tìm cách trèo từ cột điện, cây xanh, hàng rào... sát ban công để vào nhà, lấy cắp tài sản gọn nhẹ như ví tiền, ĐTDĐ, quần áo, túi xách... rồi thoát ra ngoài theo lối cũ.

Trong tháng 8-2008, tại khách sạn SALUTE ở phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm xảy vụ mất trộm tài sản của người nước ngoài thuê phòng trên tầng 3 và tầng 4 của khách sạn. Tài sản bị mất gồm máy tính xách tay, máy nghe nhạc, ĐTDĐ, kính, camera, đồng  hồ, khoảng 20 triệu đồng Việt Nam và hơn 600 USD...

Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, ban đêm khách đi ngủ không khóa cửa ra ban công, lợi dụng sơ hở này, kẻ gian đã trèo qua tường nhà bên cạnh (đang xây dựng) sang ban công của khách sạn, vào phòng lấy cắp tài sản.

tinhvilam2
tinhvilam3
Gậy có móc dính để khều trộm cắp tài sản

Có những vụ, chủ nhà khóa cửa ra ban công, nhưng lại mở cửa sổ; lợi dụng sơ hở này, chúng đã dùng sào, gậy có đính móc để khều lấy trộm tài sản. CAQ Hoàng Mai đã khám phá 2 ổ nhóm, bắt giữ 5 đối tượng chuyên trộm cắp tài sản nhà dân bằng thủ đoạn này. Ban ngày, bọn tội phạm “đóng vai” hành nghề đánh giày hoặc đi xe đạp chở sọt như người lao động thời vụ, lang thang dạo quanh các khu vực dân cư “tăm tia” hộ gia đình nào sơ hở, đến đêm sẽ gây án.

Cụ thể, sau khi phát hiện cửa sổ tầng 2 của một gia đình trong khu tập thể Công ty Xây dựng dụng cụ chỉnh hình ở phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy mở, các đối tượng Nguyễn Quang Tùng (SN 1984), Lê Văn Lập (SN 1981), Đào Đình Bảy (SN 1991) đều trú ở Quảng Xương, Thanh Hóa đã công kênh để cho tên Lập trèo lên ban công tầng 2, lấy gậy tre buộc móc có chất dính ở phía ngoài (loại móc treo dính tường) thò qua cửa sổ, khều dính chiếc túi xách của chủ nhà để trên bàn trang điểm, vứt xuống cho đồng bọn rồi nhanh chóng tẩu thoát, chia nhau số tiền gần 36 triệu đồng...

Đấu tranh, khai thác mở rộng vụ án, CAQ Hoàng Mai đã làm rõ 2 ổ nhóm trộm đêm chuyên dùng sào “dính” đã gây ra gần chục vụ trộm cắp tài sản tại các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Qua tuần tra đêm, CAP Thịnh Quang, quận Đống Đa cũng đã bắt giữ 3 đối tượng trú ở Quảng Xương, Thanh Hoá và Tam Kỳ, Quảng Nam chuyên trộm cắp tài sản nhà dân, thu trong người chúng 1 cuộn băng dính, 1 đèn pin, 4 chiếc móc treo quần áo.

Các đối tượng thú nhận dùng gậy đầu có băng dính 2 mặt và móc sắt, thò qua cửa sổ khều lấy trộm tài sản. Bằng thủ đoạn này, chúng đã gây ra nhiều vụ trộm ở các quận Đống Đa, Hoàng Mai...

Nâng cao ý thức tự phòng ngừa

Theo các chuyên gia nghiên cứu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, khi người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm trộm cắp đột nhập bằng việc gia cố các loại cửa trong gia đình và sử dụng các loại khóa chống trộm hữu hiệu, loại tội phạm chuyên đột nhập trộm cắp tài sản nhà dân sẽ giảm.

Chấn song sắt lắp ở các cửa phải dùng loại sắt có phi trên 14 kìm cộng lực không thể cắt được. Đối với khóa các cửa sắt xếp, dù khóa có chống được kìm cộng lực, nhưng do tai cửa có mối hàn, bọn tội phạm chỉ cần dùng cờ lê là có thể lắc, đánh gẫy, phá được mối hàn.

Do vậy, biện pháp tốt nhất là nên sử dụng thêm tấm bảo hiểm hình chữ U, được làm bằng thép ốp bên ngoài cửa sắt xếp. ở 2 cạnh chữ U khoan lỗ để sỏ một thanh sắt cỡ phi trên 14 qua. Thanh sắt sỏ này lại khoan tiếp lỗ để khóa cửa (chọn loại khóa cầu ngang để khi khóa không có khe hở) sẽ đảm bảo chống được việc tội phạm dùng kìm cộng lực phá khóa bên trong và bên ngoài.

Cũng lưu ý các gia đình khi sử dụng khóa cửa, không nên dùng loại khóa cầu ngang bằng gang, vì gang ròn, dễ vỡ nên bọn tội phạm có thể bậy phá được.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần củng cố hệ thống tường rào, hệ thống cửa có khóa đảm bảo an toàn. Tủ, két sắt cất giữ tài sản phải được đặt ở nơi an toàn, có khóa chắc chắn. Nếu tài sản có số lượng lớn thì phải phân công rõ trách nhiệm cho cá nhân (thủ kho, thủ quỹ...) quản lý, yêu cầu lực lượng bảo vệ phải tập trung thực hiện nhiệm vụ vào các múi giờ ban đêm để kịp thời phát hiện trộm đột nhập, trực tiếp bắt giữ hoặc báo cơ quan công an phối hợp vây bắt.

Cùng với ý thức tự phòng, người dân cũng nên tham khảo, sử dụng các thiết bị an ninh phòng chống trộm hiệu quả, nhất là phòng chống trộm đột nhập ban đêm khi mọi người trong nhà ngủ say. Một số thiết bị thông dụng được bán trên thị trường hiện nay như hệ thống báo động tự cảm quan, hệ thống từ, công tắc từ (công tắc bảo vệ), đầu cảm nhận sóng ngắn hồng ngoại với phần mềm kỹ thuật mới... có thể gắn ở cửa sổ, cửa ra vào, két sắt... Khi có người lạ vào nhà, các thiết bị báo động trên sẽ đổ chuông, còi báo hiệu, hoặc báo tới các địa chỉ đã cài đặt sẵn như ĐTDĐ của chủ nhà, Trung tâm CS113...

Theo Trung Hiếu
anninhthudo