'Cò' xe máy vào mùa làm ăn Tết
Các Website khác - 16/01/2006
Xếp hàng đến lượt nộp hồ sơ đăng ký xe máy. (Anh Tuấn)
Xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký xe máy. Ảnh: Anh Tuấn

Mặc dù thoả thuận chỉ có 100 nghìn đồng tiền công làm dịch vụ đăng ký xe nhanh, nhưng khi khách nhận lời thường bị cò 'quay' thêm 200 nghìn đồng gọi là mua hoá đơn. Thực ra số tiền này các cò dành chia cho nhân viên thu thuế.

Vừa dừng trước cửa Phòng thu thuế trước bạ trên đường Nguyên Hồng, một thanh niên cao ráo ra chào đón ngay: "Nộp thuế dịch vụ không, 15 phút có ngay". Thoáng nhìn vào bên trong, căn phòng chừng 100 m2 chật cứng người, chưa kể ngoài sân cũng đông nghẹt xe và người chờ đợi. "Bao nhiêu?" khách hỏi, "50 nghìn đồng công nộp thuế. Bao trọn gói 100 nghìn. Chỉ cần người đứng tên có mặt lúc bốc biển, làm xong mới lấy tiền".

Vừa gật đầu đồng ý, Tuấn - tên người thanh niên này - ngoắc tay, 2 người khác trong quán chạy ra. Một người cà số khung, số máy, một người đặt chỗ trước với nhân viên, còn Tuấn ngoáy bút điền những thông tin cần thiết vào mấy tờ khai để sẵn trong túi. Cầm tiền, Tuấn thản nhiên kêu đưa thêm 200.0000 để mua... hóa đơn (trong quy định không có khoản này).

Bà hàng nước cho biết, giới "cò" ở đây hoạt động khá tấp nập. Đặc biệt từ khi thành phố quyết định cho phép người dân được đăng ký xe máy thì số người đến nộp thuế, làm thủ tục đăng ký ngày càng đông, đám "cò" từ dạo đó cũng đắt hàng. " Mỗi ngày có mấy trăm người đến nộp thuế, chờ xếp hàng làm thủ tục thì phải mất cả ngày. Nhờ dịch vụ thì chỉ mấy nửa tiếng là cùng. Mọi thứ có dây cả rồi Tiền họ bảo mua hoá đơn chính là tiền ăn chia cho nhân viên phòng đấy. Ở đây có 3 nhóm chuyên làm dịch vụ", vừa chêm nước, bà chủ quán vừa rỉ rả.

Những người đợi xếp hàng nộp thuế tỏ ra khá căng thẳng và mệt mỏi. Ông Hùng, ở Cầu Giấy, ngồi chờ từ sáng nói vẻ bức xúc: "Khách thì đông mà nhân viên thu thuế cứ bận tiếp hết lượt người quen này đến lượt người nhà khác, thật vô lý".

Anh Hiếu ngồi gần đó nhấp nhỏm: "Hôm qua 8h tôi đến mà vẫn không chen nổi, cuối buổi người ta lại hẹn đến hôm nay, vậy mà mãi vẫn chưa xong".

Sau chừng 20 phút mất hút, cò Tuấn quay lại cười hỉ hả trả tôi hồ sơ và gạ, bao luôn đăng ký. "Chỉ cần anh trình chứng minh thư rồi vào bốc thăm biển số thôi". Sau đó, cũng chỉ với 15 phút Tuấn đã hoàn thiện các khâu. Thêm chừng 10 phút dành cho chủ xe bốc thăm biển số, mọi thủ tục để đăng ký đã hoàn thành.

Theo Tuấn, trung bình mỗi ngày anh ta làm thủ tục cho khoảng 20 xe. Dịp Tết, lượng người mua xe mới càng đông nên những cò như Tuấn coi đây là mùa làm ăn.

Một cò ở 1234 đường Láng cho biết, ngoài những "khách tươi" (khách đến làm thủ tục tại phòng đăng ký), họ còn nhận "thầu" cho khá nhiều cửa hàng bán xe. Bởi rất nhiều khách mua xe ngại đi đăng ký, đã thuê luôn cửa hàng với giá 300-400 nghìn đồng, và cửa hàng lại thuê lại đội ngũ cò 100-150 nghìn đồng. Sau khi chia chác cho các công đoạn thì mỗi xe, cò thu được khoảng 30-50 nghìn.

Trước khi chia tay, Tuấn gạ, nếu thấy ai cần biển đẹp Tuấn sẽ "bao" luôn. "Biển đẹp chẳng bao giờ có trong thùng phiếu đâu. Muốn có số đẹp thì phải mua, rẻ nhất cũng là 1,5 triệu đồng, có biển lên đến 4-5 triệu đồng".

Trao đổi với VnExpress, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, thừa nhận có tình trạng môi giới đăng ký xe máy tại một số điểm. Ông cho biết, tình trạng này xuất hiện đã lâu, lãnh đạo công an cũng đã nhiều lần dẹp bỏ, nhân viên nào có sai phạm đều bị nhắc nhở, xử lý. Tuy nhiên, do nhiều người ngại xếp hàng và muốn làm nhanh, có nhu cầu nhờ cò nên cứ xóa bỏ được một thời gian lại tái diễn. "Tệ nạn này cứ như dịch ruồi muỗi vậy, cứ xua tan một thời gian lại xuất hiện", ông Nhanh ví von.

Về việc mua bán biển số đẹp, Đại tá Nhanh khẳng định 99% biển số là được thực hiện đúng phương thức gắp thăm. Song ông cũng cho hay, một số biển số dễ nhớ được cấp theo diện... ưu ái.

Trịnh Vũ