Sáng nay đoàn kiểm tra số 2 bắt đầu làm việc tại Sở Tài nguyên Nhà đất Hà Nội. Gần 100 người dân đã kéo đến đưa đơn khiếu nại. Đến cuối giờ trưa vẫn còn người chầu chực để chờ đến lượt phản ánh bức xúc. Tại TP HCM, tình hình cũng tương tự.
![]() |
Người dân kéo đến gửi đơn khiếu nại. |
Ông Đinh Quang Vinh, đại diện cho người dân phường Nam Đồng nằm trong dự án Kim Liên - Ô Chợ Dừa phản ánh, giá đất đền bù thành phố áp cho các hộ dân quá thấp. Cụ thể, mặt đường Nguyễn Lương Bằng giá đền bù 30 triệu đồng trong khi giá thực tế là 90 triệu, ngõ Xã Đàn 2 giá 16,5 triệu trong khi thực tế là 56 triệu. "Nghị định 188 quy định giá đất đô thị loại 1 là 67,5 triệu/m2 và có quyền tăng 20%, chúng tôi yêu cầu thành phố thực hiện đúng luật", ông Vinh kiến nghị.
300 hộ dân phường Nam Đồng đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi khiếu kiện việc chính quyền quận cho thi công con đường đi qua phần đất nhà họ, sai so với thông báo ban đầu là đi qua Nhà in Ngân hàng (hơn 3.500 m2 đất nhà in đã giải tỏa xong hiện để không). Người dân cử hẳn một ban đại diện chuyên đi khiếu kiện và đã gửi đơn tới đủ các cấp từ quận, thành phố đến trung ương. Chính phủ đã có một công văn kết luận quận Đống Đa giải quyết sai chính sách đền bù, yêu cầu sửa nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Khiếu nại về giá đền bù thấp cũng là bức xúc của bà con phường Phương Liên. Họ dẫn chứng giá đền bù đường Phạm Ngọc Thạch, Đê La Thành từ 7,5 triệu đến 15 triệu đồng trong khi giá đất đấu thầu khu vực này từ 27 đến 45 triệu/m2. Sau nhiều lần khiếu nại, mới đây thành phố đã nâng mức đền bù lên ít nhất 11,2 triệu đồng nhưng người dân thấy vẫn chưa thỏa đáng.
Trong đơn khiếu nại, bà Nguyễn Thị Hà, tổ 47 phường Phương Liên trình bày, chính quyền thu hồi hơn 6.000 m2 khu vực hồ Ao Đấu và có quyết định cho 123 hộ tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, chỉ có 11 hộ được tái định cư, một số lô đẹp được phân chia cho cán bộ quận, huyện, phần còn lại được đem ra đấu thầu cho dân nơi khác vào. "Trong khi dân không có đất ở thì vẫn còn hơn 1.400 m2 bỏ không quây kín. Nếu đoàn cần danh sách cán bộ được phân đất ở đó, chúng tôi sẽ thống kê lại ngay", bà Hà tố cáo.
Người dân có chỗ tái định cư rồi cũng bức xúc không kém. Ông Nguyễn Văn Chân, phường Nam Đồng cho hay, khu tái định cư không có trường học và trạm y tế, nhà lún nứt dân không biết kêu đâu. Về quận cũ hỏi thì được trả lời "đã bàn giao các bác cho Cầu Giấy, về đó mà hỏi", về Cầu Giấy thì kêu không quản lý vì không có hộ khẩu ở đó.
Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Tài nguyên Nhà đất, Sở đã phối hợp với UBND các quận huyện phường xã giải quyết dứt điểm các điểm nóng về khiếu kiện.
Báo cáo như vậy nhưng Phó giám đốc Sở Tài nguyên Nhà đất Trịnh Kiên Đĩnh vẫn đề nghị: "Tôi đọc báo thấy ở Đồng Nai, Bình Dương người dân kéo ùn ùn đến khiếu nại, ở Hà Nội còn đông hơn nhiều, vì thế đề nghị đoàn đến đâu thì tổ chức tiếp dân ở đó, chứ không để tập trung". Ông Đĩnh cho rằng khiếu nại tại Hà Nội chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, để giải quyết vấn đề này một mình Sở không kham nổi vì còn liên quan đến nhiều ngành nhiều cấp khác. Về giá đất, đoàn kiểm tra phải làm việc với Sở Tài chính, chứ Sở Tài nguyên chỉ có vai trò đóng góp ý kiến.
Hà Nội gặp nhiều khó khăn về tiến độ cấp sổ đỏ do đất đai liên tục biến động. Có trường hợp đang trình hồ sơ cho thành phố, người dân lại bán đất, đến khi ký xong giấy cho chủ cũ thì chủ mới lại đòi. Có trường hợp người dân ở tận Sóc Sơn cách Sở Tài nguyên tới 40 km, sai cái tên đệm phải lặn lội vài ba lần đến xin sửa. Sở Tài nguyên cho hay, đã thiết lập 2 đường dây nóng để giải đáp thắc mắc về chính sách đất đai, tuy nhiên khi đoàn kiểm tra đề nghị cho biết hiệu quả ra sao thì Sở xin khất báo cáo sau.
Buổi chiều, đoàn kiểm tra làm việc tại quận Thanh Xuân. Dù lịch đã được thông báo đến Hà Nội từ tuần trước, nhưng khi đoàn đến nơi quận không hề biết. Lúc đó họ mới nhốn nháo đi chuẩn bị tài liệu lập từ hồi tháng 5.
Do tình hình thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm nhiều vấn đề phức tạp, đoàn kiểm tra dành tới 8 ngày làm việc (từ 22 đến 30/8), gấp đôi so với các tỉnh thành khác.
Ngay từ sáng sớm 22/8, hàng trăm người dân đã có mặt tại Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM xin gặp Bộ trưởng Mai Á Trực và Đoàn kiểm tra để trình bày và đưa đơn khiếu nại. Mặc dù trưởng đoàn kiểm tra Nguyễn Khải giải thích chức năng, nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc thi hành luật Đất đai, không phải giải quyết khiếu kiện, nhưng nhiều người dân vẫn không giải tán mà tụ tập đến trưa.
![]() |
Ông Khải nhận đơn khiếu nại. |
Trong buổi sáng, trưởng đoàn kiểm tra Nguyễn Khải đã nhận hàng trăm đơn thư khiếu nại của các hộ dân ở một số dự án mở rộng xa lộ Hà Nội ở quận 2, khu công viên phần mềm Quang Trung, khu dân cư Miếu Nổi. Các đơn thư khiếu nại trên chủ yếu liên quan đến công tác đến bù giải toả và tái định cư chưa hợp lý. Theo Sở Tài nguyên Môi trường, các khiếu nại trên đã ngoài thẩm quyền giải quyết của Sở vì đã được giải quyết đền bù rồi nhưng người dân vẫn khiếu nại lên UBND thành phố.
Nói trong buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng đoàn kiểm tra phải đến những nơi có nhiều khiếu kiện về đất đai, những nơi đang quy hoạch, thu hồi nhiều đất để nghe dân nói cho sát hơn. Trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, theo ông Trực, đa số là những chuyện cũ, tuy nhiên phải giải quyết để không kéo dài khiếu kiện thêm nữa.
Theo Bộ trưởng, hiện nay vi phạm về đất đai quá nhiều. Tình trạng giao đất trái thẩm quyền như cấp quận, huyện giao đất cho tổ chức, cấp phường xã cho thuê đất, giao đất xảy ra phổ biến. Các tổ chức sử dụng đất nhận đất rồi để đó, chờ thời cơ chuyển nhượng kiếm lời. Một số quận huyện đã thu hồi đất tràn lan để làm dự án, chuyển nhượng. Tuy nhiên, thu hồi nhiều nhưng làm không tốt lại phát sinh khiếu kiện. Bản thân việc thu hồi đất để thực hiện phân lô, bán nền nhằm mục tiêu quy hoạch đô thị, nhưng tình trạng mua bán sang nhượng lại tràn lan khó kiểm soát.
Đoàn kiểm tra sẽ làm việc tại TP HCM từ 23 đến 30/8.
Phong Lan - Việt Hòa
▪ Đừng "ném đá ao bèo" (22/08/2005)
▪ Quốc hội sẽ thảo luận 4 văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (22/08/2005)
▪ Dạy con làm chị, làm anh (22/08/2005)
▪ Xốc lại đội ngũ, vượt qua thử thách (22/08/2005)
▪ Dẹp nạn quảng cáo "khoan cắt bê-tông" (22/08/2005)
▪ Một lựa chọn trúng cho giao thông công cộng ở Ðà Nẵng (22/08/2005)
▪ Một lựa chọn trúng cho giao thông công cộng ở Ðà Nẵng (22/08/2005)
▪ Nhân vật trong bài "Sáu năm cõng bạn đến trường" đã trúng tuyển ĐH (22/08/2005)
▪ Những “nguyên thủ” tuổi 20 (22/08/2005)
▪ Làm lành vết thương quá khứ, đầu tư cho tương lai (22/08/2005)