Bộ trưởng Bộ GTVT được quyền ký thành lập hãng hàng không?
(NLĐ)- Trong ngày đầu tiên của phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), hôm qua, 22-8, dự án Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật bổ sung 3 chương mới là An ninh hàng không, Hàng không chung và Trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đồng thời bỏ 2 chương gồm Thanh tra hàng không, Xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp vì đã được quy định ở các luật khác.
Vấn đề được nhiều ủy viên quan tâm nhất là việc quản lý vùng trời. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh cho rằng cần phải quy định hết sức rõ ràng, bởi lâu nay, việc quản lý vùng trời vẫn do Bộ Quốc phòng đảm nhiệm. Do đó, trong lần sửa đổi này, dự Luật Hàng không dân dụng cần phải quy định rõ Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý vùng trời. Không thể khi xảy ra sự việc rồi lại quy trách nhiệm cho ngành hàng không. Ông Nguyễn Phúc Thanh cũng bác bỏ quy định của dự luật để UBND tỉnh, TP quản lý các vấn đề trong sân bay, bởi quy định như vậy quá rộng, chỉ nên để cho lực lượng an ninh hàng không lo là đủ. Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình khi trình dự án luật này đã nêu ra vấn đề mới hiện nay là việc thành lập các hãng hàng không. Theo ông Bình, với việc thành lập các hãng hàng không, đây là một loại hình doanh nghiệp phải tuân theo quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hàng không có nhiều đặc thù, nên giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT ra quyết định thành lập hãng hàng không.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI. Theo chương trình dự kiến, kỳ họp QH tới sẽ diễn ra trong 39 ngày, với 14 dự án luật dự kiến đưa ra hội trường để thảo luận, trong đó có một số dự án luật được quan tâm như Bộ Luật Thi hành án, Luật về Luật sư, Luật Đăng ký bất động sản, Luật Phòng, chống virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)... Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh cho biết, Văn phòng QH vừa có công văn xin ý kiến và đề nghị các đại biểu QH cho phép thực hiện việc cải tiến cách thức thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật. Thời gian thảo luận các dự án được tăng lên, thảo luận sâu hơn, tập trung vào các vấn đề quan trọng để có thể thống nhất những vấn đề cơ bản của dự luật. Tại kỳ họp này, ngoài các phiên họp được truyền hình trực tiếp như thông lệ (khai mạc, bế mạc, trả lời chất vấn), Văn phòng QH đề nghị truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phiên họp nghe Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn từ năm 2001 đến nay.
Văn phòng Trung ương Đảng cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ QH bố trí thời gian để QH thảo luận, cho ý kiến 4 dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, gồm: Đề cương Báo cáo chính trị; Đề cương Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010); Đề cương Báo cáo công tác xây dựng Đảng; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
A.Phương
▪ Đừng "ném đá ao bèo" (22/08/2005)
▪ Dạy con làm chị, làm anh (22/08/2005)
▪ Xốc lại đội ngũ, vượt qua thử thách (22/08/2005)
▪ Dẹp nạn quảng cáo "khoan cắt bê-tông" (22/08/2005)
▪ Một lựa chọn trúng cho giao thông công cộng ở Ðà Nẵng (22/08/2005)
▪ Một lựa chọn trúng cho giao thông công cộng ở Ðà Nẵng (22/08/2005)
▪ Nhân vật trong bài "Sáu năm cõng bạn đến trường" đã trúng tuyển ĐH (22/08/2005)
▪ Những “nguyên thủ” tuổi 20 (22/08/2005)
▪ Làm lành vết thương quá khứ, đầu tư cho tương lai (22/08/2005)
▪ Chú trọng giải quyết khâu tái định cư (22/08/2005)