Hàng chục nghìn lượt khách mua sắm trong những ngày cuối năm đã tạo điều kiện cho đạo chích trà trộn để ra tay. Mặc dù hầu hết các siêu thị đều đã đầu tư đến hàng chục nghìn USD để trang bị camera quan sát, nhưng tình trạng mất cắp chỉ giảm chứ không hết hẳn.
Vờ chúi vào giữa đám đông khách đang chọn mua hàng trong siêu thị, Tiến, khoảng 15-16 tuổi, nhanh tay thó ngay chiếc bàn là rồi giấu vào quần. Camera ghi được hình. Tiến bị bảo vệ tóm ngay cửa ra vào. Khám xét, không chỉ bàn là, còn có kem đánh răng, dầu gội đầu... được Tiến chôm bằng cách nhét cả vào chiếc quần 5 đáy. Sau khi bị lập biên bản, Tiến được chuyển giao sang cho Công an điều tra buôn lậu và an ninh trật tự, xử lý. Sự việc xảy ra đúng dịp rằm tháng Chạp vừa qua tại một siêu thị ở quận 1.
Trước đó cũng ở siêu thị này, camera ghi lại được hình ảnh một người lấy cắp hàng nhưng khi bảo vệ khám xét không tìm được bằng chứng. Thì ra, khi hành nghề những người này thường đi thành một nhóm. Một tên trộm hàng, chuyển cho đồng phạm để phi tang và dễ dàng qua mặt bảo vệ.
![]() |
Những món hàng nhỏ trong siêu thị rất thuận lợi cho đạo chích chôm chỉa. Ảnh: P.A. |
Đó là dân trộm cắp chuyên nghiệp, bảo vệ các siêu thị đều nhẵn mặt. "Có những băng nhóm giang hồ, trộm cắp ở quận 2, Thủ Thiêm, sang hành nghề, chúng tôi biết ngay và chặn tại cửa chứ không cho phép vào siêu thị", anh Hàng, bảo vệ một siêu thị ở quận 10, cho biết.
Có nhiều trường hợp, thủ phạm lại là các sinh viên, trẻ con, cả bà nội trợ quá mê món hàng nhưng không đủ tiền mua, hoặc thậm chí có người chỉ thích cầm nhầm để... chơi. Những món đồ như dầu gội đầu, sữa tắm, kẹo, xà phòng, chocolate... thường xuyên bị cầm nhầm vì nhỏ, gọn, dễ lấy, dễ giấu.
Tại một siêu thị ở Thủ Đức, trong năm qua, 2/3 vụ mất cắp đã phát hiện được thủ phạm trộm hàng là sinh viên. "Chỉ có thể mời riêng xử lý một cách tế nhị bằng cách khuyên bảo các cháu lần sau không nên làm như vậy, chứ không xử lý mạnh hay giao cho công an", Phú, một bảo vệ có nhiều kinh nghiệm ở siêu thị này cho biết. Theo anh, sinh viên là những người có học thức, có thể chỉ lỡ tay mới cầm nhầm chứ bản chất không phải là người xấu. Do đó cách giải quyết là khuyên bảo, giáo dục. "Nếu xử lý không nhẹ nhàng có thể khiến họ mặc cảm, xấu hổ suốt đời", Phú nói.
Theo nhiều nhân viên bảo vệ, so với 3 năm trước, nạn trộm cắp trong siêu thị hiện đã giảm đi nhiều, nhất là sau khi các đơn vị trang bị những thiết bị quan sát hiện đại như camera quan sát có mắt thần, xoay, hoặc áp dụng những biện pháp tăng cường an ninh. Tuy nhiên, tệ nạn này vẫn xảy ra, khoảng hơn chục vụ trộm cắp mỗi năm phát hiện được ở từng siêu thị. Nhiều siêu thị phải áp dụng biện pháp cho nhân viên bảo vệ mặc thường phục giả dạng như khách mua sắm bình thường để dễ dàng theo dõi kẻ khả nghi.
Phan Anh
▪ Thị trường hoa Hà Nội nhộn nhịp ngày giáp Tết (25/01/2006)
▪ Thầy thuốc ở Trường Sa (25/01/2006)
▪ "Phù thủy" 100 món bò (25/01/2006)
▪ Hà Nội là nơi nào? (25/01/2006)
▪ Hạnh phúc đón xuân trên quê hương (25/01/2006)
▪ Côn Ðảo - khát vọng chuyển mình (25/01/2006)
▪ Sẽ giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người (25/01/2006)
▪ Xe công... lòng vòng Lao Bảo (25/01/2006)
▪ Cho thuê điện thoại di động chơi Tết (25/01/2006)
▪ Trốn công sở đi sắm Tết (25/01/2006)