Phải đến 31/12, TP HCM mới bắt đầu bán vé Tết các tuyến ôtô từ Nam ra Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Nhưng mấy ngày nay, các hãng vận tải, bến bãi, quán ăn dọc tuyến Nam - Bắc bắt đầu sôi động. Phóng viên VnExpress đã có chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô khách và ghi lại những điều tai nghe mắt thấy.
Hơn 15h ngày 28/12, tại Bến xe Miền Đông (TP HCM), sau khi mua chiếc vé ra Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) chuyến 16h hết 248.000 đồng, tôi tạm biệt Sài Gòn, lên đường.
![]() |
Hành khách vào quán cơm Phú ở thị trấn Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ảnh: Việt Hùng |
Dù đã được cô bán vé khuyến cáo đây là xe loại 3, chất lượng khá nhưng vừa lên xe tôi như bị dội gáo nước lạnh. Chiếc xe 53N-38... trông bên ngoài còn khá mới với màu sơn xanh trắng bắt mắt, nhưng bên trong các hàng ghế đóng sát sạt nhau, không máy lạnh, không quạt... Ngay cả những chàng trai trẻ cũng phải ớn lạnh khi nghĩ đến hành trình hơn 1.700 km mà mình sắp phải trải qua trên chiếc xe này.
Vừa lên xe, Tuấn - chàng trai quê xã Quang Trung, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, đã kêu: "Trời ơi, ghế đã chật lại còn xếp kín hàng dưới gầm thế này thì lấy đâu ra chỗ mà duỗi chân...". Chưa kịp dứt lời, Tuấn đã bị một cái vỗ vai "thân mật" của tay lơ: "Nín ngay giùm đi cưng. Không đi thì xuống, làm gì mà la dữ vậy?". Nói rồi, gã đẩy Tuấn vào ghế và ngồi chắn ngay bên ngoài với khuôn mặt lạnh tanh. Một hành khách ngồi cạnh Tuấn an ủi: "Đi luôn thôi cậu ạ. Xe nào cũng thế ấy mà. Tránh vỏ dưa thì cũng gặp vỏ dừa thôi".
Đúng 15h55, lái xe lên nổ máy, hành khách bắt đầu thở phào nhẹ nhõm, vậy là nhà xe đúng giờ, chỉ 5 phút nữa là xe xuất bến. Sau khi thắp 3 nén hương và sì sụp khấn vái, mất 20 phút chờ tàn hương, chiếc xe mới nặng nhọc chuyển bánh rời Bến Miền Đông. Trên xe đã có 32 hành khách và 5 người nhà xe.
Vừa rời khỏi bến, tay lơ chạc 28-30 tuổi mở ngay cửa xe và luôn miệng: "Tới luôn, tới luôn. Xe chạy suốt Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh đây". Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, chiếc xe vượt được... gần 20 km ra đến Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), trên xe có 40 khách. Chợt nhác thấy bóng công an, tay lơ xe đóng cái "rầm" cửa lên xuống. Rồi cùng với một lơ khác đi dọc xe: "Mỗi người ai có vali, hòm to cho nhà xe xin 20.000 đồng cước vận chuyển". Một hành khách thắc mắc: "Tôi đã mua vé trong bến rồi cơ mà". Tay lơ ném cho anh ta một cái nhìn sắc lạnh: "Không đi thì xuống, ông nhìn lại trong vé có ghi chở hành lý không". Bất lực, vị khách đó đành móc túi lấy 40.000 đồng trả cho hắn.
Đã hòm hòm cái khoản "đầu tiên", một người đàn ông đứng tuổi ngồi phía cuối, có lẽ là chủ xe, ra hiệu cho tăng tốc. Chiếc xe từ từ lách khỏi rìa đường đi ra phần đường dành cho mình và bắt đầu nhập vào đoàn xe chạy với tốc độ của... rùa bò. Một nữ hành khách tỏ vẻ sốt ruột: "Đầy khách rồi sao không chạy nhanh lên bác tài ơi?". Không thèm ngoái lại, tay lái xe gắt: "Đi xe lần đầu à? Công an bắn tốc độ dọc đường thế này, bằng của tôi không có chỗ đâu mà bấm lỗ nữa".
Chiếc xe lại rì rì với tốc độ khoảng dưới 30 km/h. Cái nắng chiều phương Nam khiến không khí trong xe hầm hập. Dù đã mở hết các cửa kính nhưng cũng chẳng mát được là bao, nhiều thanh niên bắt đầu cởi áo, ở trần. Nhiều người tỏ ra mệt mỏi. Sau gần 3 giờ "bò" ngoài đường, đến 19h, chiếc xe cũng vượt qua gần... 80 km và dừng lại ở quán cơm Thanh Thúy, nằm ở khu Căn Cứ 4, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đó là một khu quán rộng, không hề có hàng rào hay cổng sắt, một hành khách phấn khởi: "May quá, mình không phải ăn cơm tù".
Sau khi được nhân viên nhà hàng "mời" vào phía sau vệ sinh cá nhân, khách ra bàn và gọi đồ ăn theo ý muốn. "Các bác gọi cơm, mì hay phở nhà hàng phục vụ hết. Giá đồng hạng chỉ 15.000 đồng/suất...", vài cậu bé phục vụ chừng 13 tuổi vừa đi khắp các bàn, vừa liến thoắng mời khách. Tôi và 4 người ngồi cùng bàn bảo nhau gọi cơm ăn cho chắc dạ.
Chưa đầy 5 phút, trước mặt mỗi người chúng tôi đã là một đĩa cơm giống y hệt nhau. Khẩu phần ăn 15.000 đồng gồm: 1 miếng thịt vàng màu nghệ, 2 miếng đậu kho mỏng tang và dăm cọng dưa cải mới xào còn bốc khói những trông qua cũng biết nó vừa "chạy qua hàng mỡ". Vừa đưa thìa cơm lên miệng, bác Trần Ngọc Phú, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá, than: "Không hiểu cơm nấu bằng thứ gạo gì? Có khi cơm còn không ngon bằng thời bao cấp".
Quả thực, những hạt cơm đã được người ta phù phép cho nở hết cỡ có màu trắng đục, rời rạc, lã chã. Bụng bảo dạ, phải cố ăn còn lấy sức đi tiếp, tôi gọi thêm một bát canh măng để đưa đẩy. Thằng bé bồi bàn khá nhanh nhẹn đưa ra một bát canh như... bát nước sôi, lãng đãng 3 lát măng chua, một dúm hành lá và muối cùng một chút mỡ nhầy nhậy. Cậu ta "quát" 5.000 đồng. Không còn cách nào khác, tôi gạt 1/3 chỗ cơm vào bát canh lùa vội. Ngồi cạnh tôi, 4 vị khách kia cũng đang cố gẩy những thứ thức ăn cho trôi họng.
Đúng 19h30, từ trong một phòng kín, 5 người nhà xe ngật ngưỡng đi ra. Xe chạy chưa đầy 15 phút, thị tứ Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận hiện ra với nườm nượp quán xá. Hành khách trên xe không ai bảo ai đều ngó vào các quán ăn với con mắt thèm thuồng.
Bắt đầu từ lúc đó, lợi dụng trời tối, chiếc xe phi với tốc độ chóng mặt. Trên xe, tiếng đầu va đập cồm cộp, tiếng úi á sau mỗi cú dúi xe phanh gấp của tay lái. Khổ cho những kẻ chân dài, đầu gối cứ phải quắp lại vì không có chỗ duỗi chân.
Chỉ 12 tiếng đồng hồ, đến 9h30 ngày 29/12, chiếc xe đã đưa hành khách đến quán cơm Phú ở thị trấn Phổ Châu, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Vẫn phải bỏ trên 20.000 đồng để ăn những xuất "cơm đắng, phở chém" như quán cơm ở Bình Thuận vì hành khách chẳng có sự lựa chọn nào ở nơi chỉ có duy nhất một quán mà nhà xe đã "lựa chọn". Loan, một công nhân làm việc ở Bình Dương, nói: "Em đi xe nhiều nên quen rồi. Vài năm nay người ta đã đổi từ cơm tù thành quán chém". Còn bác Phú động viên mọi người: "Xảy nhà ra thất nghiệp. Cố lên các anh ạ! Chỉ một bữa nữa là mình về đến nhà".
Cứ như vậy, chiếc xe lại "bò" từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình chờ trời tối rồi tiếp tục "phi" nước đại để về Giáp Bát lúc 5h30 sáng. Sau gần 38 tiếng đánh vật trên xe, hành khách đặt chân xuống đất mới biết là mình đã ra đến Hà Nội an toàn. Trước khi đóng rầm cảnh cửa xe, tay lơ cười hỉ hả: "Đi xe nhà em là các bác còn may vạn lần xe dù đấy".
Việt Hùng
▪ Cấm ấp mới thủy cầm đến hết tháng 2/2007 (27/12/2005)
▪ Cảnh giác với bánh ngoại giá rẻ (30/12/2005)
▪ Quỹ vì người nghèo: Năm năm, xây mới và sửa chữa gần 345 nghìn ngôi nhà cho người nghèo (30/12/2005)
▪ Xưởng mộc đặt trong khu tập thể (30/12/2005)
▪ Cơ chế "một cửa" ở Long An còn nhiều vướng mắc (30/12/2005)
▪ "Dũng sĩ xóa đói nghèo" (30/12/2005)
▪ Tiếp tục nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội (30/12/2005)
▪ Gặp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội (30/12/2005)
▪ Xe công phải làm việc công (30/12/2005)
▪ Vòng Thành phố (30/12/2005)