Bắc Giang dịch lan rộng, 1 thai phụ nhiễm cúm. Hải Dương có thể là tỉnh thứ bảy tái phát dịch. Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn gia cầm trong thời gian có dịch. Dịch diễn biến lạ, thuỷ cầm chết rất nhanh, độc lực virus tăng cao. Công an, quân đội, sinh viên sẽ được huy động phòng chống dịch.
Đó là thông tin mới nhất trong hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 9/11. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Việt Nam đang đối mặt với tình huống dịch ngày càng nghiêm trọng, dịch ở đồng bằng sông Hồng có chiều hướng phát triển mạnh.
Bắc Giang dịch lan rộng, 1 thai phụ nhiễm cúm
Theo ông Lê Đắc Tá, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, kể từ ngày 3/11 công bố dịch đến nay, các xã Nham Sơn (huyện Yên Dũng), xã Thượng Sơn (huyện Lục Ngạn) tiếp tục tái phát điểm dịch mới làm hàng trăm con gà, vịt phải tiêu hủy. Như vậy, cùng với 3 xã trước đó tái phát dịch gồm Yên Lư, Vân Trung, Tăng Tiến của 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên, thì toàn tỉnh có 6 xã bị dịch tấn công.
"Điều lo ngại là huyện Việt Yên có một thai phụ 26 tuổi bị sốt cao, Bệnh viện tỉnh xét nghiệm cho kết quả âm tính và cho về nhà. Nhưng về được 1 ngày chị ta lại sốt, khi chuyển đến Viện Y học lâm sàng nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), xét nghiệm cho kết quả dương tính. Gia đình này trước đó có 200 con vịt chết vì dịch cúm", ông Tá nói.
Đối phó với dịch, toàn bộ gia cầm tại các thôn có dịch đã được tiêu huỷ. Thuỷ cầm 5-6 ngày tuổi của các huyện kể trên cũng bị tiêu diệt. Việc vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tại các xã, huyện nói trên bị tạm ngưng. Mỗi hộ dân trong tỉnh được phát 30 kg vôi bột để làm sạch môi trường. Tỉnh này đang làm rất quyết liệt để đến 20/1/2006 không còn ổ dịch nào.
Nhiều khả năng Hải Dương là tỉnh thứ 7 tái phát dịch
Từ 27/10, Hải Dương bắt đầu tiêm phòng văcxin cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, chỉ 1 ngày sau, tại xã Thanh Thuỷ, huyện Thanh Hà, một đàn gà đã lăn ra chết. Tiếp đó, một đàn gà 600 con của xã Tân Việt, huyện Thanh Hà sau khi tiêm phòng cũng bị chết. Đặc biệt, ngày 6/11, ở xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, giáp ranh với Bắc Giang, một đàn vịt đang khỏe mạnh thì đột ngột chết. "Chúng chết rất nhanh, la liệt trên cánh đồng", ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết.
"Chúng tôi sở dĩ chưa công bố dịch là vì các mẫu bệnh phẩm gửi đến Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương để xét nghiệm nay chưa có kết quả. Tuy nhiên, mổ nội tạng gia cầm thấy rất rõ biểu hiện của bệnh cúm", ông Tịnh nói. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp cho biết tuy chưa công bố dịch, nhưng tỉnh đã bố trí lực lượng chốt chặn tại các xã có dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm từ xã này ra.
Như vậy, Hải Dương rất có thể nằm trong bản đồ dịch cúm, sau Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hà Nội.
Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn thịt gia cầm
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, ông Đào Duy Tâm, cho biết, sau khi bị Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê bình, thành phố Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống đại dịch cúm. Cụ thể, từ ngày 3/11 và hạn chót là 15/11, thành phố sẽ cấm triệt để việc chăn nuôi gia cầm ở cả 9 quận nội thành. Lệnh cấm giết mổ gia cầm sống trong các chợ nội thành được thực thi từ ngày 1/11 và đến 15/11 sẽ tổng kiểm tra. Việc vận chuyển gia cầm sống trong nội thành cũng bị nghiêm cấm.
![]() |
Chợ gà Long Biên đìu hiu. Ảnh: Đ.L. |
Hà Nội đã có văn bản khuyến cáo người dân không ăn thịt gia cầm trong giai đoạn hiện nay. "3,5 triệu gia cầm của thành phố thì có thể kiểm soát được. Nhưng 65-70% gia cầm tiêu thụ trên địa bàn có nguồn gốc từ các tỉnh bạn, mà số này thì không thể kiểm soát", ông Tâm giải thích. Tuy nhiên, khuyến cáo này vấp phải phản ứng của lãnh đạo nhiều địa phương. Trước tình huống mới này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các nhà khoa học lên tiếng. Ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Thú y nói: "Người tiêu dùng chỉ nên ăn gia cầm đã qua kiểm dịch. Riêng Hà Nội là trung tâm chính trị văn hoá của cả nước, công tác kiểm dịch chưa được chặt chẽ thì khuyến cáo như vậy cũng là cần thiết".
Ông Tâm băn khoăn là Hà Nội có kế hoạch xây dựng 10 lò giết mổ (thay vì 2 lò như dự kiến trước đó) ở 5 huyện ngoại thành, nhưng chỉ sợ "hàng chục tỷ đầu tư rồi lại bỏ không vì người dân tẩy chay gia cầm, sẽ chẳng ai dám vào đó mà giết mổ". Một băn khoăn khác là gia cầm của Hà Nội đã tiêm phòng mũi 1, theo quy định 28 ngày sau tiêm mới được bán. Nhưng đến 15/11 khi tổng kiểm tra thì gia cầm mới tiêm được 12-15 ngày, chưa đủ điều kiện bán. "Mình vận động mãi bà con mới đem gia cầm đi tiêm phòng, bây giờ lại đưa đi tiêu huỷ thì không đành. Thà rằng cứ tiêu huỷ ngay từ đầu", ông Tâm nói.
Thủy cầm chết rất nhanh, độc lực virus rất cao
Các tỉnh thành và Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh đề nghị Viện Thú y cần đến Bắc Giang, tỉnh đang bùng phát dịch, nghiên cứu virus đã biến đổi như thế nào, tại sao dịch năm nay diễn biến rất lạ, vịt chết nhiều và nhanh, trong khi trước đó không hề có biểu hiện dịch? "Bây giờ chúng ta chôn toàn là vịt chết chứ không phải vịt sống như năm ngoái", ông Quanh Anh phản ánh. Bộ trưởng Cao Đức Phát bổ sung: "Có tới 1,5% đàn gà mang virus, nhưng cũng không phát bệnh. Điều này cực kỳ nguy hiểm".
Viện trưởng Thú y Trương Văn Dung thông báo: Độc lực của virus H5N1 có chiều hướng tăng mạnh. Giám sát dịch tễ học cho thấy, virus lưu hành rộng rãi. "Các mẫu bệnh phẩm lấy từ 15 tỉnh thành trọng điểm ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đều cho tỷ lệ virus rất cao. Ngay chợ Long Biên (Hà Nội), chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo với Sở Nông nghiệp là các mẫu bệnh phẩm lấy ngẫu nhiên ở chợ đều có virus", ông Dung nói.
Tuy nhiên, cơ chế lây truyền, khả năng biến đổi của virus như thế nào thì các nhà khoa học Việt Nam vẫn chưa trả lời được. Giải pháp được Viện này đưa ra là lôi kéo tất cả nhà sinh vật học có tâm huyết để cùng nghiên cứu, tìm ra lời giải.
Huy động cả công an, quân đội, sinh viên vào phòng chống dịch
Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: "Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đều cho rằng những việc chúng ta đang làm chưa tương xứng với yêu cầu cấp bách của tình hình dịch, các giải pháp phòng chống đại dịch cúm chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt". Ông Phát chỉ ra điều lo ngại nhất là 65% gia cầm của toàn quốc là chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, gia cầm ở lẫn với người. Vì thế, các thông tư, quyết định của bộ trong mấy ngày nay đều nhắm vào mục tiêu chuyển hướng chăn nuôi gia cầm từ nhỏ lẻ sang tập trung, có kiểm soát.
Nhiều tỉnh thành phản ánh lực lượng thú y quá mỏng, như Hải Dương mỗi huyện chỉ có 2-4 nhân viên, toàn Chi cục có 18 người; hay cán bộ chuyên trách về thú y của Sở Nông nghiệp Vĩnh Phúc chỉ 3 người. Bộ trưởng Phát gợi ý: "Nếu lực lượng quá mỏng, cán bộ thú y, dân quân địa phương không làm xuể thì Sở cần đề nghị với Chủ tịch UBND tỉnh huy động cả công an, quân đội vào phòng chống dịch. Chính phủ đã chỉ đạo như vậy rồi".
Riêng những công việc đòi hỏi chuyên môn về thú y, Bộ trưởng cho biết trong tình huống nguy cấp sẽ huy động cả sinh viên ngành thú y, chăn nuôi của các trường ĐH, CĐ, Trung học chuyên nghiệp vào công tác phòng chống dịch. "Nếu vẫn chưa đủ, tôi đề nghị các địa phương tính toán lại lực lượng, xem cần biên chế bao nhiêu để đề xuất. Riêng về kinh phí phòng chống dịch, nếu thiếu những khoản nào cũng phải đề xuất. Phải huy động mọi lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống dịch. Chính phủ đã thể hiện rất rõ tinh thần này qua chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây là nếu cần sẽ điều chỉnh cả kế hoạch ngân sách, thậm chí dừng cả công trình trọng điểm để tập trung vào phòng chống dịch", ông Phát chốt lại hội nghị.
Như Trang
Theo dòng sự kiện: |
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Làng Triều Khúc đối mặt với nguy cơ dịch cúm gia cầm (09/11/2005)
▪ Danh thắng Yên Tử (09/11/2005)
▪ Dốc toàn lực phòng, chống đại dịch cúm gia cầm (09/11/2005)
▪ Bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động, tại sao không? (09/11/2005)
▪ Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân (09/11/2005)
▪ Ðồng chí Xuân Thủy, một cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và sôi động (09/11/2005)
▪ Nhà sư có nhiều đóng góp cho đời (09/11/2005)
▪ Nữ hoạ sĩ Dương Thuý Liễu sẽ có một triển lãm tranh từ 11 - 15.11 tại Bảo tàng Dân tộc học VN (09/11/2005)
▪ Chụp ảnh để làm từ thiện (09/11/2005)