Độ tuổi nào được can thiệp y học để chuyển đổi giới tính?
Báo Tiếng chuông - 15/05/2017
Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất 3 giải pháp liên quan đến độ tuổi can thiệp y học để chuyển đổi giới tính. Mỗi độ tuổi có những tác động về kinh tế-xã hội khác nhau và gây nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ về quy định độ tuổi can thiệp y chuyên đề chuyển đổi giới tính. Ảnh Nhật Thy

 

Cụ thể, giải pháp thứ nhất Bộ Y tế đưa ra là quy định người đủ 18 tuổi trở lên được sử dụng hormone, được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Điều này phù hợp với quy định về độ tuổi của người thành niên tại Điều 18, 19 Bộ luật Dân sự. Người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ một số trường hợp. Được coi là trưởng thành nên người từ 18 tuổi trở lên đã phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ. Người này hoàn toàn ý thức được việc mình đang làm cũng như nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Tuy nhiên, việc quy định người đủ 18 tuổi trở lên mói được sử dụng hormone sẽ làm chậm lại quá trình tiếp cận của người có mong muốn chuyển đổi giới tính với việc được công nhận là người chuyển đổi giới tính để làm các thay đổi về giấy tờ hộ tịch, thực hiện quyền cơ bản của công dân. Bên cạnh đó, gây khó khăn cho người có mong muốn chuyển đổi giới tính do để được phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì người này phải sử dụng hormone ít nhất 1 năm. Như vậy, mặc dù không quy định nhưng thực tế là người ít nhất từ đủ 19 tuổi trở lên mới được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Quy định này sẽ không logic trong quy trình chuyển đổi giới tính của người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Giải pháp thứ hai Bộ Y tế đưa ra là quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Người từ đủ 16 tuổi trở lên được sử dụng hormone. Tác động tích cực của giải pháp này là nếu các em 16 tuổi được tiếp cận sớm với hormone, đến khi đến tuổi trưởng thành là 18 tuổi các em sẽ có quyết định tiếp là có thực hiện phẫu thuật chuyển giới hay không. Đây cũng được coi là giai đoạn các em sống thử với giới tính mới và sự nhìn nhận của mọi người xung quanh. Quy định này sẽ giúp cho người có nhu cầu chuyển đổi giới tính sớm được là chính mình cũng như phù hợp với quy định về độ tuổi của Luật Trẻ em, Luật Hình sự…Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái vì đối với người đủ 16 tuổi, sử dụng hormone theo đường tiêm hoặc đường uống sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Một giải pháp nữa là quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và sử dụng hormone. Trường hợp chưa đủ 16 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Với giải pháp này, người có mong muốn chuyển đổi giới tính sẽ sớm tiếp cận với dịch vụ sử dụng hormone và phẫu thuật chuyển đổi giới tính; phù hợp với quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, vẫn được coi là người chưa thành niên vì chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tâm sinh lý đối với cả nam và nữ. Việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính là không thể trở về hình dáng ban đầu nên cần phải ở độ tuổi suy nghĩ chín chắn.

Việc cho phép tiêm hormone hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính khi trẻ chưa đủ 16 tuổi với sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ có thể sẽ để lại những hậu quả đáng tiếc như trẻ phải mang giới tính mà cha mẹ mong muốn chứ không phải giới tính mà bản thân trẻ mong muốn.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, độ tuổi rất quan trọng vì đây là quyền nhân thân của mỗi người, không ai đứng ra bảo lãnh được. Luật Chuyển đổi giới tính tuân theo Luật Dân sự nên khi cá nhân có mong muốn thay đổi giới tính bản thân mà phải được bố mẹ cho phép thì không hợp lý. Do đó, quy định độ tuổi từ 18 là hợp lý, khi đó cá nhân mỗi người đủ năng lực hành vi dân sự để quyết định có chuyển đổi giới tính hay không.

Hiện nay, theo nghiên cứu của iSee có khoảng 270.000 người tại Việt Nam có mong muốn chuyển đổi giới tính. Do đó, chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính được đặt ra có tính nhân đạo, nhằm bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn chuyển đổi giới tính.