Dòng chảy chất xám đổi chiều
Các Website khác - 22/02/2006
Ông Võ Trọng Thủy, Phó TGĐ
Ngân hàng Á Châu (ACB)
(người ngoài cùng bên phải).
Khoảng ba năm trở lại đây xuất hiện một làn sóng các công ty trong nước hút nguồn lao động cao cấp từ các công ty nước ngoài. Một loạt các thương hiệu trong nước như Kinh Đô, Trung Nguyên, Nutifood... đã trở thành nơi "đổ bộ" của các "manager", "director" đến từ các công ty nước ngoài tên tuổi như Unilever, Pepsi, Tiger beer, Nestle, Dutch Lady...
Sự chuyển dịch ngoạn mục

Anh Trần Hữu Đức, được đào tạo chuyên ngành về tư vấn tâm lý ở nước ngoài, đã ba lần làm giám đốc nhân sự của những công ty lớn như BAT, Pepsi, Bệnh viện Việt-Pháp... nay trở thành Giám đốc hành chính nhân sự của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ G7. Nguyễn Duy Vũ từng làm việc ở tám công ty nước ngoài, giữ những vị trí quan trọng như giám đốc bán hàng, giám đốc phát triển kinh doanh, giám đốc tiếp thị thương mại... nay là Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ G7. Một đồng nghiệp của Đức và Vũ là anh Trần Đại Cát từng là giám đốc thương hiệu ở hai công ty Unilever và Công ty liên doanh bia Việt Nam.

"Trong tất cả các yếu tố để người lao động đi đến quyết định về làm việc cho các ngân hàng trong nước, có ba yếu tố quan trọng là thu nhập, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến. Người lao động trẻ cần môi trường làm việc tốt, cơ hội thăng tiến rõ ràng... Các ngân hàng trong nước hiện nay đã hoạt động hiệu quả hơn, xây dựng chiến lược phát triển bền vững hơn. Đây là khối nam châm thu hút chất xám về". (Ông Võ Trọng Thủy - PTGĐ ACB)
"Từ khi còn là đối tác của Sacombank, tôi thấy ngân hàng này có những quan điểm, chiến lược vạch ra cho tương lai rất hay và quyết tâm thực hiện những điều này nên đã lôi cuốn tôi về". (Bà Phan Bích Vân - TGĐ Sacombank)


Một ví dụ khác, sau hơn ba năm làm việc tại Ngân hàng Hồng Công và Thượng Hải (HSBC), hơn hai năm tại Công ty tài chính quốc tế (IFC), ông Võ Trọng Thủy nay đang giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB). Trong một thời gian dài trước đây, các ngân hàng nước ngoài luôn chiếm ưu thế trong việc thu hút những nhân sự giỏi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác. "Các ngân hàng trong nước đi sau nên tận dụng được những kinh nghiệm, sử dụng nguồn lực tốt hơn, xây dựng hệ thống quản lý tốt hơn trước đây... Chính vì vậy mà tôi và một số bạn bè của tôi đã quyết định làm việc cho các ngân hàng trong nước", ông Thủy cho biết. Tương tự, bà Phan Bích Vân, sau gần sáu năm làm việc tại IFC và một số nơi khác nay đang là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank)...

Ngày càng có nhiều công ty trong nước đầu tư lớn cho việc tuyển dụng nhân sự phục vụ cho việc thực hiện những chiến lược phát triển lớn. Bà Đặng Thu Thủy - Giám đốc khối quản trị nguồn lực Ngân hàng ACB cho biết: "Trong tổng số 120 nhân viên ở cấp quản lý của ACB có khoảng 30 người từng làm cho các ngân hàng nước ngoài". Bà Thủy cũng nhận định: "Giữa các ngân hàng đang có một cuộc cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực của nhau rất lớn. Đây có thể là vấn đề nóng của các ngân hàng trong năm 2006". ACB đang có kế hoạch tuyển thêm khoảng 1.000 nhân viên để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn nền kinh tế đất nước hội nhập lớn sắp tới.

Đâu là sức hút?

Xu hướng người lao động cao cấp từ các công ty nước ngoài quay về làm việc cho các công ty trong nước, nơi mà họ từng từ đó ra đi theo ông Thái Quang Hy - Phó tổng giám đốc Công ty dịch vụ Tường Minh (TMA) - là chuyện không có gì khó hiểu. Như chính ông cũng trải qua 10 năm làm việc cho các tập đoàn viễn thông, phần mềm nước ngoài như Alcatel (Pháp), Tunet, BDF (Đức), ParagonSolutions (Mỹ)...

"Trong xu hướng toàn cầu hóa, vấn đề chuyển dịch lao động là chuyện bình thường. Ước muốn được đóng góp vào sự phát triển của các công ty trong nước, cho đất nước, cũng như nhu cầu được thể hiện mình của nhiều người lao động có tài năng là chuyện có thật", ông Thái Quang Hy nói.

Bà Đỗ Anh Thư - Trưởng phòng Tư vấn nhân sự Navigos Group nhận xét: "Quả thực hiện nay có một số công ty Việt Nam sẵn sàng trả một mức lương rất hấp dẫn để thu hút các nhân sự đã từng làm việc tại các công ty nước ngoài, tuy con số đó chưa phải nhiều". Điều đáng mừng là sự phát triển nhanh của nhiều công ty trong nước giúp họ xây dựng một chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài và môi trường làm việc gần như không còn quá chênh lệch so với các công ty nước ngoài.

Ở góc độ người lao động, anh Trần Đại Cát tâm sự: "Thật sự mà nói, sau nhiều năm làm thuê cho các công ty nước ngoài tôi ngẫm nghĩ thấy buồn cho các công ty trong nước. Chẳng lẽ vì lý do duy nhất là tiền mà chúng ta là người Việt Nam với nhau lại không thể ngồi lại với nhau? Bây giờ tôi và nhiều bạn bè của mình rất muốn cùng bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho các công ty trong nước".

Anh Trần Hữu Đức cũng chia sẻ: "Tất nhiên "cơm áo gạo tiền" là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Nhưng chúng tôi không xếp nó ở vị trí thứ nhất trong thứ tự ưu tiên khi chọn công việc nữa". "Lúc mới ra trường, tôi không để ý đến các công ty trong nước mà lên sẵn một kế hoạch tìm các công ty nước ngoài để đưa đơn xin việc. Vì tôi nghĩ muốn học kinh doanh, quản lý thì phải học người nước ngoài bởi họ có nhiều kinh nghiệm hơn ta. Tôi rất thích được thách thức nên đặt ra phương châm tìm "cái số 2" để xây lên "số 1", không chút ngần ngại, anh Trần Đại Cát thổ lộ.

Còn anh Nguyễn Duy Vũ thì sau khi tốt nghiệp cao học kinh tế vĩ mô ở Hà Lan về, Vũ khát khao được làm việc trong một cơ quan nhà nước để có thể "đóng góp chút gì đó" nhưng cuối cùng vỡ mộng chỉ vì rào cản "không có hộ khẩu thành phố". Bây giờ sau khi đã trải qua một thời gian làm việc ở các công ty nước ngoài, Vũ lại nghĩ đến chuyện "làm gì đó cho đất nước" mà trước đây chưa làm được. Rất nhiều người lao động có trình độ cao cho biết yếu tố thực sự thu hút họ ở các công ty trong nước là sự phát triển vững chắc và những tham vọng trong tương lai của các công ty đó.

Đất lành chim đậu

* "Chúng tôi sẵn sàng trả lương xứng đáng cho nhân tài, đủ cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi tạo môi trường cho họ sáng tạo, thi đua. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của những người trẻ, dù những ý kiến đó đôi khi không giống mình. Họ là cốt lõi của công ty nên điểm mấu chốt là tạo điều kiện thoải mái cho họ thể hiện năng lực". (Tổng giám đốc Công ty cà phê Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ)

* "Chúng tôi không hề chạy đua trong chuyện trả lương nhưng hệ thống lương bổng của TMA đã được nâng lên và có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Đối với những sinh viên mới ra trường, sự khác biệt giữa mức lương 3,5 triệu đồng/tháng với mức lương 5 triệu đồng/tháng cũng là lớn. Nhưng đối với những người đã có kinh nghiệm, có một vị trí cao hơn ở các công ty thì đôi khi sự chênh lệch 300-500 USD/tháng cũng chưa phải là nhiều. Do đó, chúng tôi theo chủ trương "đất lành chim đậu". "Điều quan trọng nhất là xây dựng được uy tín, xây dựng thương hiệu của công ty để các ứng viên có mong muốn trở thành một thành viên của công ty mình. Những công ty thành công đa số đều có chính sách đãi ngộ nhân viên tốt và tạo điều kiện để nhân viên phát triển chuyên môn, nghề nghiệp của họ". (Ông Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty TMA)

* "Ngoài mức lương thưởng đủ để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, nhiều công ty Việt Nam mời những nhân tài đảm nhiệm những vị trí khá cao trong công ty, họ có thực quyền để có thể tự chủ điều hành công việc và phát huy năng lực của mình. Phải nói rằng lãnh đạo những công ty như thế là những người có tầm nhìn chiến lược, họ hiểu được tầm quan trọng của nhân tài trong việc phát triển công ty. Quan trọng hơn, các công ty này có đủ thực lực về mặt tài chính để trả lương cao và về tiềm năng phát triển để mang đến cơ hội phát huy tài năng thực sự cho các nhân tài đó". (Bà Đỗ Anh Thư - Trưởng phòng Tư vấn nhân sự Công ty Navigos Group)

Theo Thanh niên