- PV: Quyết định này chưa có hiệu lực nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại vì nguy cơ Việt Nam trở thành "bãi rác" của nền công nghiệp ô-tô thế giới là có thật. Ông suy nghĩ thế nào?
- Ông Đỗ Hữu Đức: Nhập khẩu ô-tô đã qua sử dụng không phải là vấn đề mới. Trước đây, Chính phủ đã cho nhập khẩu xe cũ. Lần này, nhập xe dưới 16 chỗ mới cho nhập vì cần thời gian cho sản xuất trong nước vững lên. Còn xe tải trên 5 tấn, xe chở người trên 16 chỗ ngồi gần đây mới có nguồn cung trong nước. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nhập mà có trở thành "bãi rác" đâu!
- PV: Việc kiểm định ô-tô nhập khẩu hiện nay được tiến hành ra sao, thưa ông?
- Ông Đỗ Hữu Đức: Mặt hàng ô-tô nằm trong danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan và đã có sự chuẩn bị rất đầy đủ cả về văn bản pháp quy lẫn chỉ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Về kỹ thuật, Bộ GT-VT năm ngoái vừa soát xét lại và ban hành Quyết định số 35/2005 quy định rõ tiêu chí kiểm tra, chỉ tiêu cụ thể để đánh giá xe nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là ô-tô đã qua sử dụng. Đối với xe mới thì kiểm tra theo lô, kiểm tra kiểu loại trên một xe mẫu. Nhưng đối với xe cũ, phải kiểm tra từng chiếc nhằm ngăn chặn xe cũ nát không đủ tiêu chuẩn lọt vào thị trường.
Về tiêu chuẩn môi trường, Chính phủ mới có Quyết định 249/2005 về lộ trình áp dụng khí thải với ô-tô, xe máy. Tiêu chí của cả hai văn bản này đều nâng cao hơn so với trước đây. Như vậy, bất kỳ chiếc ô-tô nào nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đáp ứng yêu cầu cơ bản về cả chỉ tiêu an toàn (phanh, lái, đèn) và chỉ tiêu về môi trường.
- PV: Trong thực tế đã có khá nhiều vụ nhập khẩu "xe rác" vào Việt Nam, ngành đăng kiểm hạn chế các thủ đoạn này như thế nào, thưa ông?
Ông Đỗ Hữu Đức: Gian lận đã xảy ra nhiều. Rất nhiều trường hợp đục số khung, số máy để nâng đời xe lên, khi kiểm tra thấy không đạt buộc phải tái xuất hết. Mỗi đời xe có đặc điểm kỹ thuật riêng, đoán cụ thể sản xuất năm nào thì khó nhưng nhìn hình dáng cũng ước tính được đời xe. Trường hợp nào khả nghi, khi kiểm tra trước thông quan, chúng tôi đều chuyển sang Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định. Việc này phải phối hợp với công an vì nếu đục sửa số khung thì không thấy ngay được, phải chụp phân lớp mới phát hiện. Các hành vi gian lận chỉ tiêu kỹ thuật môi trường kiểm tra thấy không đạt sẽ bắt buộc phải tái xuất.
Năm 2004, có DN nhập cả lô 50 xe tải từ Mỹ về đã buộc phải tái xuất vì cũ quá. Gian lận thì có nhiều cách, chẳng hạn như thay đổi số chỗ, nâng tải để giảm thuế. Các nước đánh thuế theo phân khối. Việt Nam đánh thuế theo loại, theo tải trọng, ghế ngồi. Biểu thuế càng chia nhỏ thì càng có nhiều hành vi gian lận.
- PV: Theo ông, chất lượng xe cũ dưới năm năm nhập khẩu về chất lượng thế nào? Về tiêu chí kỹ thuật, môi trường có cần quy định khác không?
- Ông Đỗ Hữu Đức: Nói về so kilomet xe đã sử dụng thì vô cùng, chúng tôi chỉ coi đó là thông số tham khảo, bởi người ta có thể "gảy" lại số km trên đồng hồ. Xe nhập khẩu đã sử dụng dưới năm năm thường chạy không quá 70.000 kilômét và họ bảo dưỡng, bảo trì tốt, phụ tùng chuẩn nên chất lượng vẫn tốt. Tiêu chí kỹ thuật ô-tô, xe máy lưu hành ở Việt Nam tương đương tiêu chuẩn ASEAN. Theo tôi, về mặt kỹ thuật, việc cho phép nhập khẩu ô-tô cũ dưới 16 chỗ sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên cần phải tăng cường phối hợp giữa đăng kiểm, hải quan và công an để phát hiện những thủ đoạn nhập xe rác.
- PV: Ông đánh giá thế nào về số lượng xe cũ nhập về theo quyết định này?
- Ông Đỗ Hữu Đức: Chúng tôi chỉ là cơ quan kiểm định chất lượng nên không có bình luận gì về số lượng nhập khẩu xe cũ.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Số liệu thống kê trong năm 2005, Việt Nam nhập khẩu 17.031 chiếc ô-tô, trong đó có 3.826 xe mới, 13.205 xe cũ. Việc nhập khẩu ô-tô cũ sẽ do bộ này cấp hạn ngạch chứ không phải doanh nghiệp (DN) nào cũng được nhập. Hiện nay, có khá nhiều DN nhập khẩu ô-tô nhưng thực chất đó là chiến lược "chia nhỏ" của một vài công ty lớn đứng ra thâu tóm thị trường ô-tô nhập khẩu. DN nhập ủy thác sau khi lấy lãi sẽ bán lại cho đại lý, sau đó mới đến lượt các salon. Thực tế có rất nhiều khâu trung gian trước khi một chiếc xe nhập khẩu tới được tay người tiêu dùng. |
|