Giải nỗi lo án tử ở làng ung thư
Các Website khác - 05/11/2005

(VietNamNet) - Trước sự việc hơn 100 người dân xã Thạch Sơn chết vì ung thư, 14 người khác đang chống chọi với căn bệnh này, Bộ Tài nguyên & Môi trường về chuyện trò với dân và đối thoại với nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao.

Bộ trưởng Mai Ái Trực tới thăm và chia sẻ với ông Quản Văn Thực.

100 + 14 + còn nữa...

Trong chuyến ''thị sát'' mới đây tại khu vực tam giác ô nhiễm ở Thạch Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ- nơi có ''làng ung thư'' như báo chí đã nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường không khỏi buồn lòng...

Gia đình ông Quản Văn Thực, một trong 10 bệnh nhân ung thư của làng là nơi Bộ trưởng Trực cùng đoàn cán bộ ghé thăm. Người đàn ông mới hơn 50 tuổi lặng lẽ kể cho Bộ trưởng và đoàn cán bộ nghe về nỗi bất hạnh ập xuống gia đình mình.

Năm 2001, ông Thực phát hiện ra một cục hạch nhỏ, đi khám được chẩn bệnh là viêm hạch. Cái hạch to dần, cho đến lần khám bệnh năm 2003, đã trở thành u ác tính giai đoạn hai. Lúc đấy, ông Thực và gia đình mới hay cái án tử hình treo lơ lửng trên đầu...

Đau lòng hơn, có một gia đình họ Đào đã mất đến 25 người vì căn bệnh quái ác, Mới đây nhất, anh Đào Văn Hùng, 40 tuổi qua đời cũng vì ung thư.

Cả xã Thạch Sơn, đã có hơn 100 người đã chết vì ung thư, trong đó có một em bé mới 15 tháng tuổi.

Trong vòng chưa đầy tháng, con số báo chí nêu là 12 người dân Thạch Sơn đang sống và chiến đấu hàng ngày với bệnh ung thư đã thay đổi. Số liệu mới nhất được bà Chủ tịch xã Trần Thị Thắng vừa cho biết là 14 người. ''Đấy là chưa kể những người già mắc bệnh nhưng không đi xét nghiệm được'' - bà Chủ tịch xã lo lắng.

Trong số 14 người này, người đã biết mình đang bị ung thư, người vẫn chưa hay do gia đình đang giấu chuyện, sợ người thân suy sụp tinh thần.

Người sắp chịu án tử lo chuyện "hậu tử"...

"Tôi có 4 đứa con, 2 đứa đã trưởng thành nhưng còn hai đứa đang đi học, bố mẹ tôi hơn 80 tuổi vẫn còn sống, tôi ra đi làm sao an lòng khi không nuôi được bố mẹ và lo cho hai đứa con còn lại cho đến khi chúng có gia đình''- ông Quản Văn Thực rưng rưng.

Soạn: AM 609527 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ông Thực với cục hạch đã di căn.

Mong muốn hiện nay của ông Thực và gia đình là được vay tiền chữa bệnh mà không phải trả lãi, bởi "khi tôi chết, vợ con tôi lo trả nợ nần cũng đã cực lắm rồi, nói chi đến khoản lãi''. Hiện ông Thực và các con đã phải cầm cố "sổ đỏ" và vay nợ hơn 100 triệu đồng; không biết bao giờ mới trả nợ xong.

Cùng chung cảnh ngộ với ông Thực, gia đình ông Nguyễn Văn Tam, 53 tuổi ( khu 1, xóm nhà Căng) cũng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Ông Tam bị K vòm họng đã đi trị xạ và truyền dịch nhiều lần, nay phải dừng lại vì... hết tiền. Gia đình ông Tam sống trong một căn nhà tuyềnh toàng nằm chon von trên mỏm đất cao giữa làng. Vợ ông, bà Quản Thị Vệ ( 51 tuổi) khóc nức nở như trẻ con khi kể chồng mình chẳng còn sống được mấy chốc.

''Mãi đến khi thấy có khoảng 30 cái to như quả trứng khắp người, cả ở đỉnh đầu thì mới biết là ông ấy đã dã bị di căn giai đoạn cuối''- bà Vệ khóc nức. ''Cứ nghĩ ông ấy bảo gắng cứu ông ấy, để ông ấy ở bên vợ con ngày nào hay ngày ấy, tôi thấy đứt từng khúc ruột. Muốn chữa bệnh cho chồng mà không có cách nào vì ''sổ đỏ'' của nhà tôi và của cả các con đã ''cắm'' cho ngân hàng hết rồi". 60 triệu đồng, gia đình đã dốc cả cho những lần ''tia'' trước của ông Tam.

"Cắm" nhà cho ngân hàng xong, những người dân này không còn biết trông mong vào đâu nữa. Bà Vệ vợ ông Tam buồn rầu: "Bây giờ sống không phải trên đất của nhà mình nữa, chúng tôi phải về sống cùng vợ chồng thằng con trai, sống được ngày nào hay ngày ấy...''

Ông Tam và ông Thực là 2 trong số 14 bệnh nhân ung thư vừa được phát hiện ở Thạch Sơn. Bà Chủ tịch xã Trần Thị Thắng cho biết, trong số 14 người này, chỉ có 1 trường hợp duy nhất là cán bộ nhà nước, có bảo hiểm y tế và đủ lực về kinh tế để chiến đấu với căn bệnh. Những người bệnh còn lại đều là nông dân, không dư dả gì, nên đều đã cạn kiệt kinh tế vì căn bệnh ngốn tiền như cái thùng không đáy.

Nhưng ngoài nỗi lo bệnh tật, tiền bạc, người thân của những người mắc bệnh ung thư cũng đang xót xa một nỗi lo mới: cứ tình hình này, chị em trong xã khó mà lấy được chồng vì mang tiếng là người ở " đất ung thư"...

Đối thoại chuyện vì đâu dân bị ung thư?

Khu dân cư trù phú trước đây (đã được di dời) nay thành cánh đồng ô nhiễm.

Tại UBND xã Thạch Sơn, Bộ trưởng Trực đã hỏi lãnh đạo xã: Có đúng xã có 104 người chết vì ung thư trong chục năm qua như báo nêu không? Có đúng ô nhiễm môi trường (mưa nước đen, khói, bụi...) từ các nhà máy hoá chất xung quanh thải ra không? Xã đề xuất như thế nào về hướng giải quyết hiện trạng này?

Chủ tịch xã, bà Trần Thị Thắng xác nhận thông tin báo nêu là đúng. Theo bà Thắng, số người chết vì ung thư trong xã là có thật, nhưng chính quyền cũng như người dân chưa có báo cáo nào về tỷ lệ ung thư của xã mình vì không biết tỷ lệ này là cao nhất!

Về ô nhiễm, bà Thắng cũng nêu, từ năm 1959 đến nay, xã đã giao cho nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao 50ha đất, 40 năm qua, toàn bộ xỉ và rác thải, nước thải, rác thải của nhà máy này thải trực tiếp ra gần khu dân cư sinh sống không hề qua xử lý.

Các chất thải này không đường ống, không bờ bao, tự do chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn 24/24h... Bà chủ tịch xã cho biết, người dân thì bị bệnh phổi, mắt, da vàng... nhưng không ai nghĩ do ô nhiễm. Nhưng hoa màu thì thiệt hại nặng nề: hơn 80ha gần nhà máy không thu được bao nhiêu, có những vụ mất 50 - 80% thậm chí mất 100% sản lượng. Một số diện tích ảnh hưởng nặng nhất được chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhưng vài lứa đầu cá chết, ''quải'' vôi vào thì sống được nhưng khi gặp mưa, nước thải của nhà máy tràn vào, cá lại chết trắng đồng...

Nước thải từ nhà máy Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao đổ thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn.

Trước những thông tin bà Thắng nêu, đại diện của nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao cho rằng, chưa có báo cáo cụ thể nào về chuyện người dân bị ung thư nhưng nhà máy sẽ nghiên cứu thật sâu nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, theo ông Phó Giám đốc nhà máy này thì việc chết lúa, cá và thiệt hại hoa màu của dân không hoàn toàn do nhà máy Supe vì xã còn có 130 lò gạch xả khí trực tiếp mà... không thấy báo chí nêu!

Phản bác ý kiến của đại diện nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, bà Thắng khẳng định: 40 năm qua kể từ khi nhà máy hoạt động ở đây dân đã bị mất hoa màu trong khi lò gạch chỉ được xây vài ba năm trở lại đây. Cả xã cũng chỉ có khoảng 80 lò gạch. Vả lại, khói không thể giết được cá và lúa. Nhất là trong vòng 5 năm qua, năm nào nhà máy cũng có văn bản đền hoa màu cho dân, ''không dưng nhà máy lại đi đền cho dân?''- bà Thắng hỏi.

Mặc dù khẳng định mình "không liên can" đến việc dân bị ung thư, nhà máy Supe và phốt phát Lâm Thao vẫn khẳng định sẽ tiến hành ngay việc xử lý bể chứa chất thải, khoanh bãi xỉ bãi rác không để lan tỏa ra các khu vực khác. Đồng thời, xây đoạn trung hòa trước khi chất thải ra mương; tiếp tục kiên cố hóa đoạn mương dẫn chất thải đang chảy thẳng ra cánh đồng Thạch Sơn (trước đó theo kế hoạch đoạn mương này sẽ được làm dài 800m nhưng không hiểu sao chỉ thực hiện được 200m thì dừng lại! - PV).

Bộ trưởng Mai Ái Trực thẳng thắn: ''Xã không biết có tỷ lệ ung thư cao thì không có lỗi, nhưng có trách nhiệm phải biết mà không biết nghĩa là có lỗi!''. Bộ trưởng cho rằng, việc gióng lên một hồi chuông đánh động Thạch Sơn có nhiều người chết vì ung thư không phải là việc xã không làm được! Đồng thời cần tuyên truyền cho người dân Thạch Sơn chấm dứt ngay việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm và tự phòng ngừa bệnh tật.

Đối với nhà máy Supe và hóa chất Lâm Thao, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhấn mạnh, cần đánh giá ngay hiện trạng môi trường không chỉ bên trong mà cả khu vực xung quanh nhà máy để thể hiện sự quan tâm và chăm lo đến sức khỏe người dân.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Sở Tài nguyên - Môi trường cũng như lãnh đạo Phú Thọ: Không chờ đợi nghiên cứu mà tiến hành ngay việc bảo vệ sức khỏe người dân bị ô nhiễm, bằng việc cấp ngay nước sinh hoạt sạch cho dân, chưa có hệ thống cấp nước thì phải mua nước cho dân. Đồng thời, tính ngay phương án di chuyển 200 hộ dân, đặc biệt là hơn 40 hộ dân sống sát nhà máy Supe và phốt phát Lâm Thao.

''Xử lý môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân phải tính bằng ngày bằng tháng chứ không tính bằng năm''- Bộ trưởng Trực nói.

  • Kiều Minh