Hai chuyển hướng lớn
Các Website khác - 03/10/2005
Nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiêm, chiến lược chống tham nhũng ở nước này vẫn được tiến hành ráo riết với hai chuyển hướng lớn: Một là, chuyển từ phòng chống bị động sang chủ động tấn công với chủ trương “bắt quan lớn tha quan nhỏ”, “tác chiến trên diện rộng”; hai là, chuyển từ chống tham nhũng bằng quyền lực thành chống tham nhũng bằng chế độ.

Tại Hội nghị chống tham nhũng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức từ ngày 28 đến 30-9, Trung Quốc cho biết trong 10 năm qua công tác chống tham nhũng của họ đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tỷ lệ quan tham giảm rõ rệt

Thống kê 2004 của Minh bạch Quốc tế (Tranparency International) - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Berlin, cho thấy, Trung Quốc hiện đã cải thiện thứ bậc về tham nhũng trong 10 năm qua. Hiện nay, Trung Quốc xếp hạng 71 trong số 146 quốc gia được thăm dò về tham nhũng.

Gần 10 năm trước, Trung Quốc còn đứng đầu về tệ nạn này. Nhiều cuộc thăm dò độc lập khác, như thăm dò của công ty Tham vấn Rủi ro Kinh tế và Chính trị có trụ sở tại Hồng Công cho thấy tình trạng tham nhũng ở Trung Quốc cũng đã cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo ước tính của Giáo sư Hồ An Cang, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc học, mỗi năm nền kinh tế nước này thiệt hại từ 123 đến 157 tỷ USD do nạn tham nhũng, chủ yếu trong xây dựng cơ bản. Số tiền này chiếm tới 13% - 17% GDP. Còn trong báo cáo vừa công bố ngày 29-9 của Cơ quan Kiểm toán nhà nước Trung Quốc thì, ít nhất 32 bộ, cục, vụ bị phát hiện có sai phạm trong quản lý ngân sách.

Ngay hai cơ quan có chức năng phân bổ ngân sách là Bộ Tài chính cùng Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước cũng bị phê bình có các sai phạm trong quản lý tài chính. Điển hình là vụ Ủy ban Thể thao quốc gia đã “che giấu” khoản tiền tài trợ gần 3 triệu USD và một số vụ thuộc Bộ Giáo dục gian lận tài chính tới hơn 19 triệu USD. Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), số tiền thất thoát do tham nhũng ở Trung Quốc năm 2004 vào khoảng 50-80 tỷ USD, tương đương 3% - 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Dù vậy, so với bộ máy hành chính khổng lồ của Trung Quốc thì tỷ lệ quan tham là khá thấp so với các nước khác.

Những chuyển hướng lớn và biện pháp cụ thể

Năm 2004, với việc thông qua Công ước chống tham nhũng của LHQ và xây dựng “Hệ thống phòng chống tham nhũng nhằm thích ứng với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” chiến lược chống tham nhũng của Trung Quốc xuất hiện “hai chuyển hướng lớn”.

Một là, chuyển từ phòng chống bị động sang chủ động tấn công tham nhũng với chủ trương “bắt quan lớn tha quan nhỏ”, “tác chiến trên diện rộng”; hai là, chuyển từ chống tham nhũng bằng quyền lực thành chống tham nhũng bằng chế độ.

Quá trình chống tham nhũng của Trung Quốc được tạm chia thành ba giai đoạn là vận động chống tham nhũng, chống tham nhũng bằng quyền lực và chống tham nhũng bằng chế độ.

Trên thực tế, trong một thời gian khá dài, Trung Quốc vẫn dựa vào thái độ và quyết tâm chống tham nhũng của các lãnh đạo cấp trên, đây là một hình thức chống tham nhũng bằng quyền lực, nên vẫn phát sinh những kẽ hở trong hành pháp. Chính vì thế, đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra phương châm “chú trọng tăng cường xây dựng chế độ, thực hiện chế độ hóa, quy định hóa và trình tự hóa chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa” nhằm cung cấp không gian rộng hơn cho công tác chống tham nhũng bằng chế độ.

Để giải quyết tình trạng gia tăng về số lượng quan tham cũng như ngăn ngừa các lãnh đạo doanh nghiệp quốc doanh trốn ra nước ngoài ẵm theo tiền của nhà nước, Trung Quốc đã đưa ra hai biện pháp lớn là công khai phụ cấp đặc biệt cho quan chức và công khai thu chi tại cơ quan nhà nước. Thu nhập của giới lãnh đạo, đặc biệt là cấp thứ trưởng trở lên đã từ lâu là chủ đề gây chú ý trong dư luận, người dân tỏ ý ngờ vực về sự trung thực của các quan chức.

Theo Tân Hoa xã, ngoài lương ra, các quan chức còn có một số khoản trợ cấp khác. Theo quy định hiện hành, một quan chức cấp thứ trưởng sẽ được phân một ngôi nhà rộng 180m2 với giá nhà trung bình ở thủ đô Bắc Kinh lúc này là 740USD/mét vuông. Tuy nhiên, hiện có nhiều quan chức được cấp các ngôi nhà có giá trị cao hơn thực tế.

Ngoài nhà ở, các quan chức cấp cao sẽ được sử dụng miễn phí một chiếc xe hơi bốn chỗ giá khoảng 43.000USD. Các số liệu thống kê cho thấy, tính đến lúc này, ở Trung Quốc có hơn 5 triệu công chức với mức lương trung bình là 1.910 USD/năm. Khoảng cách thu nhập giữa các công chức (nhân viên và lãnh đạo) còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vùng miền, cấp bậc, ban ngành. Các công chức ở khu vực thịnh vượng phía đông sẽ có nhiều tiền hơn những người đồng cấp ở phía tây.

Công khai thu chi, minh bạch tài chính đang được tỉnh Triết Giang triển khai và thực hiện thí điểm tại một số cơ quan cấp huyện đã đạt được một số kết quả khả quan, tại các ủy ban đều dán bảng thông báo chi tiết về lương cán bộ, những khoản thu chi, tình hình kinh doanh tài sản tập thể… và luôn được cập nhật hàng quý, điều này khiến các quan chức phải cân nhắc khi thu chi các khoản liên quan tới việc tiếp khách, ăn uống, tiệc tùng và những khoản chi “không tên” khác.

Thêm vào đó, có huyện còn đưa ra phương thức “bỏ phiếu định mức lương”, mỗi khi bình bầu thi đua cuối năm toàn bộ đại biểu nhân dân và đảng viên sẽ nghe lãnh đạo tự thuật lại công tác trong năm của họ về các mặt liêm chính, tuân thủ nguyên tắc, tác phong làm việc. Mọi người sẽ bỏ phiếu dân chủ định mức lương tại chỗ cho lãnh đạo mới với mức dao động lên tới 50% và sau đó tính bình quân.

VIỆT ANH tổng hợp từ các báo Trung Quốc
Theo Sài Gòn giải phóng